Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu bất động sản thời Covid-19

(Tổ Quốc) - Hầu hết các chuyên gia trong ngành vẫn lạc quan về sự phục hồi của thị trường BĐS và cơ hội để đầu tư BĐS, nhất là cổ phiếu BĐS công nghiệp trong bối cảnh kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi mạnh nhất Asean.

Tại Hội thảo thường niên cổ phiếu bất động sản lần thứ 4: "Chiến lược đầu tư thời Covid 19" do Tạp chí Thương Gia phối hợp với Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam và Tổng đài Địa ốc Việt Nam tổ chức sáng 18/11 tại Tp.HCM, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam cho hay, xét đến các yếu tố thuận lợi, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh nhất Asean. Cùng với việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng làm tăng giá trị BĐS và đẩy nhanh sự liên kết các đô thị. Từ đó cơ hội đầu tư vào cổ phiếu BĐS còn khá lớn.

Một thuận lợi khác là những chính sách giảm lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức hấp dẫn và thị trường đang kì vọng vào sự thay đổi pháp lý để gỡ vướng mắc nguồn cung của thị trường BĐS.

Cũng theo ông Phương, thị trường BĐS  không bi quan bởi tỷ lệ tiêu thụ của mỗi đợt mở bán đều rất khả quan.  Cụ thể, theo báo cáo về thị trường BĐS của CBRE, tỷ lệ tiêu thụ cả Hà Nội và Tp.HCM luôn ở mức ổn định, riêng tại Tp.HCM, nguồn cung căn hộ hộ mở bán hầu như không đáp ứng nhu cầu, luọng tiêu thụ luôn ở mức cao, vượt nguồn cung.

Bên cạnh đó, ở góc độ kết quả kinh doanh, các công ty BĐS luôn có lợi nhuận tăng trưởng ổn định. Chẳng hạn như: Công ty CP Vinhomes (VHM) có vốn hoá thị trường 249,016 tỷ đồng

Còn ở góc độ chỉ số tài chính, nhóm cổ phiếu BĐS được các nhà đầu tư đánh giá cao hơn mỗi đồng cổ tức nhận được. Theo đó, trung bình ngành trong nước có chỉ số P/E, TTM (11.1)/2020F (16.4)/2021F (9.8); chỉ số P/B, TTM (2.0)/2020F (3.3)/2021F (2.6).

Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu bất động sản thời Covid-19 - Ảnh 1.

Các chuyên gia lạc quan về sự phát triển của thị trường BĐS và cơ hội đầu tư vào cổ phiếu BĐS

Cũng chia sẻ với các nhà đầu tư tại hội thảo, ông Trương Hiền Phương đánh giá cao về cổ phiếu BĐS công nghiệp.

Theo đó, tại Việt Nam có 336 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất khu công nghiệp là 97.800ha. Trong đó, có 261 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích cho thuê 66.000ha, chiếm tỷ lệ 76% lấp đầy.

Cùng với đó, thị trường có nhiều thuận lợi để lạc quan để đón đầu ngọn gió cổ phiếu bất BĐS công nghiệp, nền kinh tế được dự báo sẽ phục hồi mạnh nhất Asean; các doanh nghiệp FDI Nhật Bản, Hàn Quố cam kết tăng cường đầu tư vào Việt Nam; làn sóng dịch chuyển sản xuất từ doanh nghiệp FDI điện tử, công nghệ ở Trung Quốc ra Đông Nam Á; nguồn cung chưa thể mở rộng nhanh chóng, giá thuê sẽ tăng mạnh.

Xét về thị trường cho thấy, tỷ lệ hấp thụ ở cá khu kinh tế trọng điểm rất tích cực và giá thuê mới cũng tăng tốt. Cụ thể, tính đến Quý 3/2020, đất công nghiệp cho thuê tại TP.HCM, Đồng Nai, Long An tăng 20 – 30% so với năm trước.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ kinh doanh, công ty khu công nghiệp có lợi nhuận sụt giảm trong ngắn hạn.

Còn dưới góc dộ chỉ số tài chính, cổ phiếu khu công nghiệp được nhà đầu tư đánh giá cao hơn mỗi đồng cổ tức nhận được.

Còn ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện UBCK Nhà nước tại TP.HCM cho biết, thị  trường chứng khoán Việt Nam vừa kỷ niệm 20 năm thành lập, đến nay đã không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cơ cấu của thị trường chứng khoán Việt Nam bao gồm: Thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Trong đó, thị trường cổ phiếu hiện có trên 744 doanh nghiệp niêm yết và 905 doanh nghiệp đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa gần 4,3 triệu tỷ đồng, tương đương 71% GDP, tăng hơn 3 lần trong vỏng 5 năm qua và đã vượt kế hoạch của Chính phủ đề ra là 70% vào năm 2020.

Hiện nay, số lượng công ty niêm yết có mức vốn hóa trên 1 tỷ USD đến nay đã có 30 doanh nghiệp trên cả 2 sàn, chủ yếu thuộc nhóm tài chính ngân hàng và bất động sản.

Riêng cổ phiếu bất động sản, tính chung trên toàn thị trường thì giá trị vốn hóa lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% và đây là một trong những nhóm ngành quan trọng có ảnh hưởng lớn đến diễn biến chỉ số VN- Index.

Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 là thách thức chung với nền kinh tế và thị trường bất động sản. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều đang đối diện với khó khăn khi các dự án vẫn đang bị tắc nghẽn khiến nguồn cung bị sụt giảm, thị trường trầm lắng do tâm lý e dè của các nhà đầu tư…

Những khó khăn của thị trường đã phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS niêm yết khi doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 giảm 26%, lợi nhuận giảm 13% so với cùng kỳ. Trong đó, 20 doanh nghiệp báo lỗ, 35 doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận.

Phương Nga

Tin mới