(Tổ Quốc) - Những con số về lượng người tiêm vaccine đang tiếp tục gia tăng cộng với động thái rục rịch nới lỏng giãn cách khiến giới đầu tư lạc quan kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường bất động sản trong giai đoạn cuối năm 2021.
Ngay từ thời điểm dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020, chính sách giãn cách xã hội được áp dụng. Cùng với đó, thị trường bất động sản lập tức "ngủ đông" tạm thời. Quan sát suốt khoảng thời gian hơn 1 năm qua, rõ ràng, lượng giao dịch của thị trường bất động sản phụ thuộc rất lớn vào biến số kiểm soát dịch bệnh.
Ngay cả các chuyên gia thẳng thắn cho rằng, nếu dịch bệnh cứ tiếp diễn và bùng nổ, thị trường bất động sản sẽ khó có thể phục hồi. Như TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, gần 2 năm dịch bệnh xuất hiện, khả năng đề kháng của doanh nghiệp bất động sản đã suy yếu.
Vì đặc thù của ngành đòi hỏi vốn lớn, trong khi đó, dòng tiền thu về chững lại vì dịch khiến doanh nghiệp bất động sản mất đi nguồn tiền để vận hành bộ máy. Đó là lý do vị chuyên gia này lo ngại rằng, dịch bệnh kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp bất động sản phá sản và tất yếu kéo theo hệ lụy khó khăn của thị trường địa ốc.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam, cho rằng, việc phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản nói chung trong nửa cuối năm 2021 sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và tốc độ triển khai tiêm phòng vắc-xin.
Đến thời điểm hiện tại, tín hiệu lạc quan về thị trường bất động sản đang thấy rõ nét. Đó là con số báo cáo về tỷ lệ tiêm chủng vaccine đang tăng nhanh chóng tại Hà Nội và TP.HCM, hai thị trường địa ốc truyền thống và lớn đối với giới đầu tư. Mặt khác, chính sách nới lỏng giãn cách xã hội được dự báo sẽ triển khai. Như vậy, các nhà đầu tư đang lạc quan tin rằng, mọi hoạt động giao dịch có thể quay trở lại như ban đầu, dẫu còn khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Anh (nhà đầu tư đến từ Hà Nội) cho rằng, một tín hiệu tích cực khác đó chính là việc mở cửa đường bay nội địa dành cho hành khác đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Với thông tin này, việc giao dịch đầu tư sẽ có thể khắc phục sớm dần trở lại. Hoạt động mua bán bất động sản giữa các tỉnh thành sẽ được tháo gỡ sớm. Thị trường địa ốc sớm phục hồi nhất là khi nhu cầu về bất động sản sẵn có.
Ở góc nhìn chuyên gia nghiên cứu thị trường địa ốc, PGS. TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng CIEM đã đưa ra 3 phương án cơ bản dựa trên vào tình hình kiểm soát dịch bệnh.
Theo ông Chung, kịch bản tích cực đặt ra khi thị trường bất động sản tăng trưởng tích cực với nền giả thiết là chương trình vắc-xin triển khai quyết liệt và thành công; nền kinh tế trở lại với trạng thái bình thường mới và không có bất cứ một hạn chế nào; quan hệ kinh tế thế giới tiếp tục như 6 tháng đầu năm và vốn tiếp tục vận hành vào nền kinh tế Việt Nam, thêm vào đó là không xuất hiện bất cứ biến động tiêu cực nào.
Ông Chung cho rằng, với kịch bản này, thị trường bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển tốt. Nhóm thị trường bất động sản tài chính tiếp tục tăng trưởng tốt. Nhóm thị trường bất động sản du lịch, dịch vụ sẽ dần phục hồi và sẽ tốt lên vào dịp từ tết dương lịch đến tết âm lịch Nhâm Dần. Nhóm thị trường bất động sản nông nghiệp sẽ chuyển biến tích cực. Phương án này có khả năng xảy ra, tuy đòi hỏi sự hội tụ của rất nhiều yếu tố tích cực cùng lúc nên không lớn.
Tuy nhiên, ở kịch bản trung bình, mọi thứ diễn biến vẫn tiếp tục như 7 tháng đầu năm; không có những biến động đặc biệt nào. Trong kịch bản này, thị trường bất động sản đi ngang. Nhóm thị trường du lịch, dịch vụ có thể đi xuống nhưng được bù lại bởi sự đi lên của nhóm bất động sản tài chính và bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, nhóm thị trường bất động sản tài chính vẫn có thể tốt lên. Ông Chung dự báo: "Đây là phương án có nhiều khả năng xảy ra nhất".
Vị chuyên gia này cũng đưa ra một kịch bản tiêu cực đó là có một vài yếu tố nằm ngoài dự kiến theo hướng tiêu cực. Thị trường bất động sản sẽ đi xuống, đặc biệt là nhóm bất động sản du lịch dịch vụ và nhà ở. Phương án này khả năng xảy ra thấp và nếu có xảy ra, mức độ nghiêm trọng cũng không lớn.
Việt Khoa