(Tổ Quốc) - Là công ty con thuộc hệ sinh thái của Viettel, đảm nhiệm thiết kế trên 80% công trình hạ tầng viễn thông của Viettel, thông tin Viettel thoái vốn tại Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Viettel (VTK) nhận được sự quan tâm lớn.
Theo đó, ngay sau khi các thông tin về việc Tập đoàn Viettel sẽ thoái vốn tại công ty này được công bố, giá cổ phiếu VTK đã tăng từ 22.000 đồng lên 29.200 đồng khi kết thúc phiên giao dịch ngày 1/10.
Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Viettel với tiền thân là Xí nghiệp Khảo sát thiết kế trực thuộc Viettel. Vào năm 2006, Xí nghiệp chuyển thành Công ty TNHH Nhà nước MTV Tư vấn thiết kế Viettel. Đến năm 2010, công ty chính thức đi vào hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.
25 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế hạ tầng viễn thông, dân dụng, VTK chính là đơn vị đã thiết kế 5 đường trục cáp quang Bắc-Nam, tổng chiều dài trên 8.500 km, gần 190.000 km cáp quang rẽ nhánh và thiết kế trên 45.000 trạm BTS, trên 10.000 tuyến Viba… những hạ tầng tạo nên sức mạnh quan trọng của Tập đoàn Viettel. Bên cạnh đó, VTK cũng là công ty thiết kế mạng lưới cho hạ tầng viễn thông của Tập đoàn Viettel ở các thị trường nước ngoài.
Lợi thế từ công ty mẹ
VTK có lợi thế là công ty con thuộc hệ sinh thái của Viettel, có điều kiện tốt về hệ thống mạng lưới, khách hàng lớn, tiềm lực tài chính cũng như nhân sự và hệ thống công nghệ thông tin.
Với lợi thế này, ở mảng hoạt động kinh doanh chính là thiết kế về trạm BTS và hệ thống cột anten, thiết kế hệ thống truyền dẫn, VTK giữ vị trí số 1 ở Việt Nam nhờ đảm nhiệm thiết kế trên 80% công trình hạ tầng viễn thông của Viettel.
Trước dấu hiệu bão hòa của thị trường viễn thông trong nước, VTK đã chuyển dịch, mở rộng hoạt động sang lĩnh vực thiết kế công trình dân dụng, công nghiệp; triển khai giám sát và cung cấp giải pháp lĩnh vực ICT.
Về cơ hội thị trường, VTK đã và đang tận dụng mạng lưới của Tập đoàn Viettel để mở rộng hoạt động kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đến hết năm 2019, Công ty tư vấn Thiết kế Viettel đã cung cấp dịch vụ tại 7 thị trường nước ngoài là Lào, Campuchia, Mozambique, Cameroon, Haiti, Peru và Myanmar. Doanh thu từ các thị trường nước ngoài đến nay đạt 100 tỷ đồng.
Với chiến lược mở rộng hạ tầng ở các thị trường quốc tế của tập đoàn mẹ, số trạm phát sóng sẽ không dừng lại. Đồng thời, đặc thù của ngành viễn thông là không ngừng cải tiến công nghệ (đầu tư mới hạ tầng 4G, 5G...) và mạng viễn thông của Tập đoàn Viettel ở trong nước cũng như nước ngoài vẫn tiếp tục tái đầu tư hạ tầng và nâng cao chất lượng mạng lưới. Những yếu tố này có thể đảm bảo sự tăng trưởng doanh thu cho VTK.
Thực tế, tổng doanh thu năm 2019 của VTK đạt 115 tỷ đồng – ghi nhận mức tăng 21% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 16 tỷ đồng. Chỉ tiêu LNTT/DT của VTK năm 2019 là khoảng 18%, cao hơn 4-6 lần so với các công ty trong cùng lĩnh vực (khoảng 3-5%).
Năm 2020, dự kiến kế hoạch doanh thu là 136 tỷ - tăng 18%, lợi nhuận đạt hơn 16 tỷ.
Bên cạnh đó, với sứ mệnh "tiên phong kiến tạo xã hội số" , Tập đoàn Viettel sẽ tạo nhiều điều kiện cho các công ty thành viên phát triển mạnh ở lĩnh vực này.
Thực tế, VTK đã xây dựng Dự án ICT về Hạ tầng CNTT và Hệ thống an ninh để phục vụ cho nhu cầu xã hội số. Đây là một trong những ngành nghề được đánh giá là trọng tâm trong giai đoạn phát triển 2021-2025 và có khả năng đem lại nguồn doanh thu lớn.
Định hướng phát triển, VTK sẽ mở rộng triển khai những lĩnh vực mới, trong đó có tư vấn thiết kế dân dụng, công nghiệp (tập trung vào thiết kế căn hộ, công trình dân dụng, công trình công nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao).
Công ty cũng mở ra một lĩnh vực mới là Tư vấn giải pháp, xây dựng hạ tầng, tích hợp hệ thống viễn thông và CNTT (ICT), bước đầu tiếp cận thực hiện các dự án CNTT, camera giám sát, mạng wifi, dự án thu phí không dừng... liên danh với các đơn vị bên ngoài Viettel.
Với ngành nghề mới này, Trung tâm Tư vấn-Thiết kế các công trình dân dụng của VTK đã ứng dụng rất nhiều phần mềm, một trong số đó là công nghệ thực tế ảo để đạt hiệu quả cao nhất khi thiết kế.
Tiền mặt dồi dào
Một điểm đáng chú ý trên báo cáo tài chính là VTK có lượng tiền mặt khá dồi dào. Tại thời điểm cuối năm 2019, công ty có 10 tỷ đồng tiền mặt và 27 tỷ đồng gửi tiết kiệm – tổng cộng chiếm gần 40% tài sản ngắn hạn và 30% tổng tài sản. Đồng thời, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng luôn ở trạng thái dương.
Nhờ vậy, VTK thường trả cổ tức với tỷ lệ trên 15%. Năm 2020, công ty cũng dự kiến trả cổ tức từ 15-20% dù nền kinh tế nói chung bị tác động mạnh của đại dịch Covid-19.
VTK cũng là công ty có tình hình tài chính lành mạnh, không phát sinh công nợ khó đòi. Hệ số Nợ /Tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2019 chỉ có 0,25 lần. Hệ số thanh toán ngắn hạn và hệ số thanh toán nhanh lớn hơn 1.
Theo công bố, VTK định hướng đến năm 2025 tiếp tục là Công ty tư vấn thiết kế hạ tầng viễn thông số 1 tại Việt Nam, đáp ứng toàn bộ nhu cầu về tư vấn, thiết kế và kiểm định chất lượng hạ tầng viễn thông của Tập đoàn Viettel.
Đến năm 2025, doanh thu VTK sẽ đạt 200-350 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 30-40 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức ổn định 10-20%/năm giai đoạn 2020 - 2025.
Khang An