(Tổ Quốc) - Vinamilk đã chính thức rớt khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam. "Soán ngôi" của Vinamilk là Novaland.
Với hai phiên tăng mạnh gần đây cổ phiếu NVL của Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va tăng lên 84.100 đồng/cổ phiếu (kết phiên 22/3). Vốn hoá của Novaland theo đó tăng mạnh lên mức 162.118 tỷ đồng. Với mức vốn hoá mới này, Novaland đã chính thức có mặt trong top 10 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán hiện nay.
Điều đáng nói là Novaland đã soán ngôi của Vinamilk đẩy doanh nghiệp này rớt khỏi top 10 vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán.
Tính đến 22/3, VNM có giá 76.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức vốn hoá 160.717 tỷ đồng. Lần đầu tiên sau hàng chục năm, Vinamilk không còn góp mặt trong top 10 vốn hoá của sàn. Ở giai đoạn đỉnh cao nhất của thập niên trước, Vinamilk từng giữ vị trí số 1 vốn hoá của sàn.
Tại ngày 22/3, 10 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất của sàn gồm: Vietcombank (401.791 tỷ đồng), VHM (339.641 tỷ đồng), VIC (313.506 tỷ đồng), GAS (220.104 tỷ đồng), BID (220.046 tỷ đồng), HPG (209.780 tỷ đồng), MSN (175.309 tỷ đồng), TCB (175.195 tỷ đồng), VPB (163.816 tỷ đồng), Novaland (162.348 tỷ đồng).
Năm 2022, Vinamilk dự kiến nới rộng thị phần thêm 0,5% lên 56% năm 2022 và tổng doanh thu cũng tăng nhẹ gần 5% lên 64.070 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ ở mức 12.000 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với kết quả đạt được năm 2021.
Mục tiêu đến năm 2026, Vinamilk kỳ vọng sẽ đạt 86.200 tỷ đồng tổng doanh thu và 16.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tăng trưởng kép giai đoạn 2021 - 2026 tương ứng ở mức 7,2% đối với doanh thu và 4,4% đối với lợi nhuận.
Về doanh nghiệp "soán ngôi" của Vinamilk đó là đại gia địa ốc Novaland. Năm 2021 doanh nghiệp ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất khoảng 14.967 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.455 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ quỹ đất gần 5.400ha vào đầu năm 2021, Novaland đã tăng quy mô quỹ đất lên gần gấp đôi, khoảng 10.600ha, chủ yếu có vị trí tại các khu vực được đầu tư trọng điểm hạ tầng hàng không và các tuyến cao tốc. Tổng giá trị phát triển quỹ đất theo đó cũng tăng trưởng tương ứng từ 52 tỷ USD lên 71 tỷ USD. Nhìn lại thời điểm mới niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh vào 5 năm trước, Novaland chỉ sở hữu vỏn vẹn 668ha quỹ đất tại Thành phố Hồ Chí Minh - tương đương 1/16 quỹ đất hiện tại.
Trong năm 2022 này, Tập đoàn cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư và phát triển dự án tại TP.HCM, tiêu biểu là việc trở thành Nhà phát triển dự án Grand Sentosa (huyện Nhà Bè), đẩy mạnh tiến độ ba dự án trọng điểm là Aqua City, NovaWorld Phan Thiet NovaWorld Ho Tram với mục tiêu hoàn thiện và đi vào vận hành tổng thể từ năm 2023. Khi hoàn thiện và đi vào vận hành tổng thể từ năm 2023, cả ba dự án trên ước tính sẽ mang về mức lợi nhuận lần lượt là 36.000 tỷ đồng, 31.000 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của VNDirect, năm 2021, khoản doanh thu chưa thực hiện của Novaland tăng 3,2 tỷ USD lên 7,8 tỷ USD ( 70%). Trong đó, 3.859 triệu USD đến từ Aqua City, 1.485 triệu USD đến từ NovaWorld Phan Thiết, 64 triệu USD đến từ NovaHills Mũi Né và 649 triệu USD đến từ NovaWorld Hồ Tràm. VNDirect cho rằng khoản doanh thu này có thể mang lại mức tăng trưởng cao cho công ty trong giai đoạn 2022-2024.
Bạch Huệ