(Tổ Quốc) - Hàng loạt cổ phiếu chứng khoán như SSI, HCM, VCI, MBS, SHS,... đều đã đánh mất thành quả tăng giá trong giai đoạn thăng hoa trước đó cùng mức giảm hàng chục % so với thời điểm cách đây 1 năm.
Không nằm ngoài xu hướng giảm của thị trường tài chính toàn cầu, chứng khoán Việt Nam cũng chịu áp lực bán mạnh trên diện rộng. Mặt khác, cầu bắt đáy cũng tỏ ra sẵn sàng tại vùng giá thấp khiến thị trường biến động mạnh và sau nhiều rung lắc, VN-Index cuối cùng đóng cửa xanh nhẹ dù trong phiên có lúc giảm 16 điểm. Dù vậy, hầu hết cổ phiếu nhóm chứng khoán vẫn chìm sâu trong sắc đỏ thậm chí VND, SSI, FTS, TVB... đã có thời điểm chạm sàn.
Cổ phiếu chứng khoán giảm sâu phiên 14/6
Số liệu lạm phát cao kỷ lục trong vòng 40 năm của Mỹ khiến giới đầu tư lo ngại Fed sẽ có những động thái thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn trong kỳ họp tới đây. Nhiều dự báo cho rằng Fed có thể sẽ đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % và điều này có thể khiến dòng tiền rút khỏi các tài sản tài chính rủi ro cao. Có độ nhạy cao với thị trường, phản ứng của các cổ phiếu nhóm chứng khoán phiên hôm nay cũng không phải quá bất ngờ.
Thực tế, không phải đến bây giờ những khó khăn mới xuất hiện mà nhóm chứng khoán đã chịu áp lực bán mạnh trong nhiều tháng qua sau khi đạt đỉnh vào cuối năm ngoái. Gần như chỉ còn VND chưa thủng đáy 1 năm nhưng nếu so với đỉnh, cổ phiếu này cũng đã mất gần 40% thị giá. Trong khi đó, một loạt cổ phiếu như SSI, HCM, VCI, MBS, SHS,... đều đã đánh mất thành quả tăng giá trong giai đoạn thăng hoa trước đó cùng mức giảm hàng chục % so với thời điểm cách đây 1 năm.
Cổ phiếu chứng khoán xuống đáy 1 năm
Diễn biến thị trường không thật sự thuận lợi cùng thanh khoản sụt giảm mạnh là những yếu tố chính khiến cổ phiếu ngành chứng khoán gặp khó. Việc lãi suất rục rịch tăng sau thời gian dài duy trì ở mức thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến dòng tiền vào thị trường. Ngoài ra, những biến cố trên trái phiếu cũng tác động đáng kể đến thanh khoản thị trường cổ phiếu.
Theo thống kê, thanh khoản bình quân phiên trên HoSE đã có xu hướng giảm mạnh từ sau khi đạt đỉnh vào tháng 11 năm ngoái. Trong tháng 5 vừa qua, giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 13.800 tỷ đồng/phiên, thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các CTCK, thanh khoản thấp cũng khiến cổ phiếu ngành chứng khoán khó hấp thụ được lượng cung lớn từ các đợt phát hành tăng vốn trước đó.
Thanh khoản bình quân phiên trên HoSE cũng xuống mức thấp nhất từ tháng 2/2021
Đánh giá về triển vọng ngành, ACBS cho rằng chứng khoán của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khi tỷ lệ cá nhân có tài khoản chứng khoán vẫn ở mức thấp. Tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước vào cuối tháng 5 mới đạt 5,6 triệu, chiếm gần 5,7% dân số. Trong khi đó, lượng tài khoản mở mới đang tăng chóng mặt với gần nửa triệu tài khoản mở mới trong tháng 5, gần gấp đôi kỷ lục cũ. Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư nội mở mới tổng cộng hơn 1,38 triệu tài khoản chứng khoán, gần bằng con số cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản).
Mặt khác, ACBS cho rằng mảng môi giới chứng khoán có mức độ cạnh tranh cao khi có tới 74 CTCK trong khi sản phẩm ít có sự khác biệt giữa các công ty. Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh dự báo sẽ gặp khó khăn trong quý 2/2022 do thị trường diễn biến kém thuận lợi. Đây là 2 mảng hoạt động chính đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của các CTCK bên cạnh cho vay ký quỹ (margin).
Hà Linh