(Tổ Quốc) - Trong các báo cáo trước đó, một số công ty chứng khoán đã đưa ra dự phóng thận trọng về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thép như HPG, HSG, NKG,... với lợi nhuận được dự báo đi lùi trong năm nay.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua thêm một phiên điều chỉnh trên diện rộng trong đó lực bán mạnh tập trung vào nhóm thép. Đồng loạt các cổ phiếu thép chìm trong sắc đỏ, thậm chí HPG, HSG, NKG có thời điểm giảm sàn. Dù hồi nhẹ để thoát sàn nhưng các cổ phiếu HPG, HSG, NKG, SMC, TLH,... đều kết phiên với mức giảm khoảng 4-6%.
Cổ phiếu thép chịu áp lực bán mạnh nhiều khả năng xuất phát từ lo ngại tình hình kinh doanh khó khăn của ngành thép trong các quý tới sau chia sẻ của ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 diễn ra sáng 24/5.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về lý do đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 giảm so với năm 2021 dù doanh thu tăng, ông Trần Đình Long cho biết, khi lên kế hoạch năm ban lãnh đạo công ty đã tính toán đến nhiều yếu tố và xác định hoạt động của ngành thép năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn. Dù kết quả kinh doanh quý 1 khá tốt nhưng Chủ tịch Hòa Phát chia sẻ "Cổ đông cứ đợi kết quả kinh doanh quý 2, quý 3, quý 4 rồi sẽ thấy. Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào".
Ông Long chỉ ra một số nguyên nhân khiến ngành thép sẽ gặp khó khăn trong các quý còn lại của năm. Thứ nhất là giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine làm giá than luyện tăng 100 - 200 USD/tấn. Thứ hai là việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "Zero COVID" khiến cho nhu cầu thép giảm tại thị trường này giảm, đây cũng đang là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Hòa Phát.
"Khi xung đột Nga - Ukraine mới nổ ra, nhiều người cho rằng ngành thép Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc bớt đi hai đối thủ cạnh tranh là Nga và Ukraine do đây đều là hai nhà sản xuất thép lớn. Tuy nhiên, thực tế không phải màu hồng như vậy", ông Trần Đình Long phát biểu.
Đây thực tế không phải là vấn đề của riêng Hòa Phát mà là khó khăn chung đối với ngành thép và cũng đã phần nào được dự báo từ trước. Vì thế, trong các báo cáo trước đó, một số công ty chứng khoán cũng đã đưa ra dự phóng thận trọng về lợi nhuận của các doanh nghiệp thép.
Mirae Asset cho rằng, giai đoạn 2022-2023, Hòa Phát (HPG) có thể có rủi ro biên lợi nhuận giảm do giá quặng sắt điều chỉnh từ quý 2/2022 và giá than cốc ở mức cao, khả năng giảm từ mức cao năm 2021 về 24%. Mirae Asset dự phóng sản lượng năm 2022 đạt 9,6 triệu tấn, tăng 8,4% tuy nhiên tổng doanh thu và lợi nhuận ròng dự phóng lần lượt giảm 4,9% và 18% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 143.438 tỷ đồng và 28.281 tỷ đồng.
Về dài hạn, Mirae Asset đánh giá giai đoạn 2 khu liên hiệp Dung Quất sẽ hướng đến thị trường xuất khẩu nhiều hơn do thị phần HPG mảng thép xây dựng ở trong nước đã đạt 37%, khó tăng mạnh như giai đoạn 1 trước đó.
Tương tự, SSI Research đánh giá biên lợi nhuận trong cả năm 2022 của 2 doanh nghiệp tôn là Hoa Sen Group (HSG) và Thép Nam Kim (NKG) sẽ điều chỉnh từ mức đỉnh năm 2021 do không có hàng tồn kho giá thấp do sự phục hồi giá vừa qua thấp hơn nhiều so với mức tăng từ 50-70% trong 3 quý đầu năm 2021 và việc giá thép điều chỉnh mạnh tại thị trường Mỹ.
Bộ phận phân tích này ước tính biên lợi nhuận ròng của HSG và NKG giảm khoảng 3 điểm phần trăm xuống lần lượt 5,9% và 6,3% trong năm 2022. Vì vậy, lợi nhuận ròng của HSG và NKG ước tính lần lượt đạt 3.000 tỷ đồng (-30% so với cùng kỳ) và 1.620 tỷ đồng (-27% so với cùng kỳ) trong năm 2022. Mức ước tính này được điều chỉnh tăng lần lượt 0,4% và 9% cho HSG và NKG so với dự báo trước đây.
Đánh giá trung lập đối với ngành thép nói chung trong năm 2022 tuy nhiên Chứng khoán BSC lại cho rằng biên lợi nhuận ngành thép sẽ suy giảm do giá bán thép bình quân năm 2022 giảm khi cạnh tranh trong ngành gia tăng. CTCK này dự phóng LNST của HPG sẽ giảm nhẹ 3,1% xuống 36.375 tỷ đồng trong khi HSG và NKG đều sụt giảm mạnh lần lượt 19% và 14,7% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 3.493 tỷ đồng và 2.002 tỷ đồng.
Trên thực tế, đỉnh lợi nhuận của phần lớn các doanh nghiệp thép đều đã rơi vào các quý giữa năm 2021 trước đó. Cụ thể, HSG và NKG đạt đỉnh lợi nhuận vào quý 2 trong khi HPG vẫn cố rướn thêm một quý. Đến quý 4/2021, tất cả các doanh nghiệp thép HPG (-29%), HSG (-32%), NKG (-26%),... đều đã ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với quý trước.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp thép có tương quan mật thiết với giá thép thế giới. Nửa đầu năm 2021 khi giá thép liên tục leo thang cùng cơn sốt nguyên vật liệu toàn cầu, lợi nhuận của HPG, HSG, NKG,... cũng theo đó bùng nổ chưa từng thấy. Mặt khác, khi giá thép hạ nhiệt, ngành thép bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi. Với giá thép có xu hướng giảm như hiện nay, các dự phóng lợi nhuận ngành thép có phần thận trọng cũng hoàn toàn có cơ sở. Số liệu từ Tradingeconomics cho biết giá thép cây hiện chỉ còn khoảng 4.650 Nhân dân tệ/Tấn, giảm hơn 20% so với giai đoạn đỉnh cao cuối năm 2021.
Hà Linh