(Tổ Quốc) - "Nên cẩn trọng với cổ phiếu nhỏ, muốn kiếm tiền phải biết điểm dừng. Cần cẩn trọng với hô hào trên mạng, tự mình ra quyết định ăn non cũng được còn hơn về sau trả lại đời hết. Còn cổ phiếu nhỏ không doanh thu như đàn bò thì giẫm đạp lên nhau mà chết thôi".
TS. Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinGroup - công ty cung cấp dữ liệu giao dịch chứng khoán, doanh nghiệp quy mô lớn đã chia sẻ như vậy tại đối thoại chuyên đề: "Thị trường chứng khoán với gói kích thích kinh tế: Cú hích tăng trưởng và rủi ro bong bóng" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 13/12.
PE đang ở mức 16.X nhưng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp rất ấn tượng
Theo ông Thuân, nền tảng cơ bản của doanh nghiệp về cơ bản vẫn được duy trì, 3 quý gần nhất lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Những năm trước doanh nghiệp Việt Nam nhiều thu nhập bất thường đặc biệt M&A nhưng quý 3 này lợi nhuân từ hoạt động tài chính gồm đầu tư tài chính/bán cổ phần/ M&A cũng có nhưng không lớn như nhiều quý trước, nhất là quý 4/2020 ở nhiều doanh nghiệp bất động sản và chủ yếu từ các doanh nghiệp nhỏ.
Trong bối cảnh GDP tăng trưởng âm của quý 3, doanh nghiệp vẫn ổn, dòng tiền rẻ, tăng trưởng tín dụng cao, đòn bẩy doanh nghiệp giảm. Và nếu nhìn cả năm 2021, chỉ cần quý 4 bằng mức tăng trưởng của quý 4/2020 thì doanh nghiệp duy trì khoảng tăng trưởng 41% lợi nhuận sau thuế. Khối ngân hàng khoản 19%, bảo hiểm hoàn thành 80%, Chứng khoán thì tăng trưởng kỷ lục rồi.
"Bức tranh tài chính doanh nghiệp khá ấn tượng, PE Vn-Index ở mức 16,5x cũng bình thường. Vấn đề thị trường không định giá dựa trên lịch sử, quan trọng triển vọng 2022 - 2023 ra làm sao", ông Thuân khẳng định VN-Index vẫn được định giá trong mức bình thường. So với sóng 2008 thì PE hiện giờ đã rẻ hơn nhiều, còn PE của VN-Index tại mức đỉnh năm 2018 tầm 22-23.X nhưng hiện tại PE ở mức 16.X và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp rất ấn tượng.
Ông Thuân cho rằng PE VN-Index hiện 16.X là rất bình thường trong khi tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp đang rất ấn tượng
Tuy nhiên, theo vị Chủ tịch công ty dữ liệu này, tăng trưởng lợi nhuận 41% không đúng với tất cả các ngành, mà có sự phân hoá. Thị trường có thể được dẫn dắt bởi sự phân hoá lợi nhuận của doanh nghiệp.
"Chúng tôi phục vụ nhiều nhà đầu tư chuyên lẫn không chuyên, ngoài việc theo đuổi giá khối lượng và phân tích kỹ thuật thì họ quan tâm triển vọng doanh nghiệp rất nhiều. Quý 3 vừa rồi nhiều nhóm ngành có lợi từ giá hàng hoá như phân bón, giá vận tải, giá lưu cảng, thép, cao su...Vậy những ngành đó có bền vững năm sau không còn tuỳ đặc thù của ngành và mô hình kinh doanh nữa", ông Thuân nói.
Ngược lại, ngành giảm mạnh trong quý 3 vừa rồi như hàng không, du lịch, bán lẻ, viễn thông, một số ngành bị ảnh hưởng bởi chuỗi đứt gãy chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng mạnh rồi nhưng không có nghĩa câu chuyện đầu tư hết mà có thể sẽ đến từ chính những ngành bị ảnh hưởng mạnh này nếu như có gói hỗ trợ.
Hãy cẩn thận với cổ phiếu nhỏ, không có doanh thu
Ông Thuân cũng nhấn mạnh hiện một số cổ phiếu thị giá nhỏ trên sàn HOSE được định giá cao gấp rưỡi lịch sử 10 năm trên thị trường chứng khoán, ngụ ý về mặt rủi ro mà vừa rồi thử thách nhà đầu tư mới, theo đuổi cổ phiếu không có doanh thu, bất chấp rủi ro.
"Đương nhiên thị trường luôn đúng, dòng tiền đi vào đâu đó là dòng tiền thông minh, nhưng rõ ràng cổ phiêu nhỏ đã được định giá gấp đôi gấp 3 thì phải cần thận. Ai cũng nghĩ thông minh nhưng đến lúc nào đó có thể giẫm đạp lên nhau mà chạy. HNX tương tự, chỉ số tăng vừa nhưng định giá tăng hơn gấp đôi, nhà đầu tư thông minh nhưng họ đang phải trả giá cho những gì mà đàn anh đàn chị trả giá gấp 2 lần, phản ánh làn sóng tiêu cực", ông Thuân nói.
Vị này nói rằng nếu phải nói hoặc cảnh báo hoặc phải làm điều gì đấy tốt cho thị trường nhà đầu tư thì tôi nghĩ nên cẩn trọng với cổ phiếu nhỏ, muốn kiếm tiền phải biết điểm dừng. Ông sáng lập ra FiinGroup cũng vì thấy nhiều nhà đầu tư thiếu thông tin quá.
"Nên cẩn trọng với hô hào trên mạng, tự mình ra quyết định ăn non cũng được còn hơn về sau trả lại đời hết. Còn cổ phiếu nhỏ không doanh thu như đàn bò thì giẫm đạp lên nhau mà chết thôi. Nếu cứ penny cổ phiếu đội lái, sẽ đến lúc giẫm đạp lên nhau mà chết, ai tỉnh táo biết điểm dừng ăn vừa vừa thôi và chuyển phỏm thì được. Nhìn trung hạn cổ phiếu cơ bản vẫn tiềm năng vấn đề là chọn điểm vào hợp lý", ông Thuân nói.
Sự trỗi dậy của nhà đầu tư cá nhân, khối ngoại không còn quan trọng nữa
Ông Thuân phân tích, tăng trưởng tiền gửi rất thấp, lần đầu tiên trong nhiều năm tiền gửi tăng trưởng thấp, tiền gửi sang chứng khoán, bất động sản và đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp. Tiền rải khắp nơi trong đó có chứng khoán. Nhà đầu tư cá nhân trở nên quan trọng, thể hiện thay đổi về tâm lý hành vi của họ trước diễn biến chung của thị trường và bối cảnh. Từ xưa, nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng nhưng giờ không còn quan trọng nữa.
Nhà đầu tư nước ngoài bán gần 2 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Nhà đầu tư nước ngoài trước gần đây giao dịch mạnh, họ mua không phải giữ dài hạn như họ nói mà giao dịch hàng ngày hàng tuần tuỳ theo sóng, rất nhiều. Một số quỹ nước ngoài tập trung cổ phiếu nhỏ thì họ có thể giao dịch như vậy. Các quỹ lớn bây giờ cũng giao dịch lướt sóng nhiều làm cho thị trường khó đoán hơn so với giai đoạn 10-15 năm trước. Đó là quan sát đầu tiên.
Thứ hai, nhìn vào cơ cấu nhà đầu tư, dựa trên số liệu HOSE, nhà đầu tư nước ngoài khi thị trường xuống chưa chắc họ bán. Khi mà nhà đầu tư trong nước hoảng loạn họ không bán mà mua vào. Dữ liệu nói lên tất cả, đó là hành vi tâm lý rất hay.
"Ví dụ phiên 8/12 gần đây, trước đó phiên thị trường thủng rất mạnh nhà đầu tư trong nước bán thục mạng. Nhà đầu tư nước ngoài họ khôn, họ mua vào bán ra một mã cổ phiếu chứ không mua dài hạn nữa. Thị trường bây giờ thú vị, tôi thấy dòng tiền sẽ phân hoá, nhà đầu tư cá nhân lướt sóng, và nhà đầu tư nước ngoài cũng lướt sóng nên vui hơn", ông Thuân nói.
Chứng khoán hưởng lợi gián tiếp từ gói kích thích kinh tế nhưng khó có "ăn bằng lần"
Vị Chủ tịch FiinGroup cũng vẫn giữ quan điểm thị trường chứng khoán đã được kích cầu rồi từ nhà đầu tư cá nhân, F0, F0 n. Cơ hội thì mọi người đã kỳ vọng vào nhóm bất động sản, vật liệu xây dựng, hạ tầng... Vậy thì khi có gói kích thích nền kinh tế, chứng khoán cơ hội ăn bằng lần có thể vẫn còn, dù sẽ khó.
Nhìn lại diễn biến giá chứng khoán từ gói kích cầu năm 2009 thì thấy, giai đoạn 6 tháng từ tháng 4/2009 - tháng 10/2009 từ khi thị trường rò rỉ thông tin gói kích cầu cho đến lúc duyệt gói và kích cầu, nhiều cổ phiếu tăng bằng lần trong khi VN-Index chạy từ 250 lên 600 và ở mức định giá cao hơn bây giờ rất nhiều.
Ở thời điểm đó, nhóm ngân hàng với những mã như: ACB tăng 2,5 lần giá, STB tăng 3 lần, SHB tăng 2,8 lần. Nhóm chứng khoán như SSI tăng 5 lần, BVS tăng 6 lần, HCM tăng 3 lần. Nhóm bất động sản, vật liệu xây dựng như: họ nhà Vinaconex cũng tăng mạnh, VCG tăng 5 lần. Họ nhà Sông Đà gồm SDT tăng 4 lần, SD9 tăng 5 lần. Các cổ phiếu khác như HBC, HPG... cũng đều tăng bằng lần.
Ông Nguyễn Quang Thuân nói rằng ở giai đoạn 2008-2009 khi rò rỉ thông tin gói kích thích, nhiều cổ hiếu tăng theo "họ". Nhưng quy mô thị trường giờ đã khác.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng khoảng 30% nhờ kích cầu từ dòng tiền mới. Một số nhóm như: VNFINLEAD tăng 57%, VN30 tăng 40%, VNSML tăng 87%. Ngân hàng và Bất động sản đều tăng 40%, Chứng khoán tăng 151%, Xây dựng tăng 55,9%. Vật liệu xây dựng và nội thất tăng 52,41%. Về lý thuyết, đây đều là những nhóm ngành có thể hưởng lợi từ gói kích cầu và đương nhiên còn nhiều nhóm ngành nữa.
"Cá nhân tôi cho rằng vẫn còn cơ hội tăng trưởng cho thị trường và các nhóm ngành này. Tuy nhiên không thể tăng bằng lần như giai đoạn trước nữa vì thị trường bây giờ quy mô quá lớn, có đến 1.700 cổ phiếu niêm yết, vốn hoá lớn vượt cả GDP, khả năng tiền thật bơm ra ngoài ít nên cũng không quá kỳ vọng. Trong khi đó, giai đoạn trước thị trường bé như ao làng, chỉ với 200 mã vốn hoá 400.000 tỷ đồng, bằng 1/20 bây giờ nên dễ nhân bằng lần hơn", ông Thuân phân tích vừa rồi thị trường có sóng bất động sản, vật liệu xây dựng, những sóng này kích thêm làn sóng đầu cơ ở những cổ phiếu nhỏ tăng bằng lần, trong khi VN30 chưa tăng quá nhiều. Cho nên gói khôi phục kích thích kinh tế một khi được chính thức đưa ra vẫn sẽ có sóng chứng khoán. Tất nhiên sóng lớn hay nhỏ tùy nhìn nhận vào thị trường và sẽ có sự phân hoá, không tập trung vào các cổ phiếu nhỏ nữa, cổ phiếu nhỏ đã quay đầu giảm bởi thời gian qua tăng quá kinh khủng rồi.
Quan trọng vẫn là chọn cổ phiếu mới là chìa khóa thành công
Ông Thuân khẳng định rõ ràng những nhóm ngành như tài chính, ngân hàng, chứng khoán chắc chắn có thể hưởng lợi gián tiếp nhưng vấn đề là phải lựa chọn cổ phiếu như thế nào? Khi nhắc đến đầu tư công, đây là nhóm được hưởng lợi nhưng phải dùng tăng trưởng lợi nhuận chứ không phải cứ nhìn thấy đầu tư công là chạy ồ ạt vào. Tương tự, với nhóm chứng khoán, dù định giá cao, nhóm ngành này tăng trưởng 5 lần rồi nhưng nếu VN-Index duy trì đà tăng thì chứng khoán vẫn có cơ hội nhưng phải lựa chọn xem cổ phiếu nào là chìa khoá thành công.
Với ngân hàng cũng vậy, cơ hội cho cổ phiếu nào vừa rồi bao phủ nợ xấu nhiều, trích lập dự phòng nhiều nhưng vẫn được hưởng lợi chứ nếu chỉ dựa vào nợ xấu thì không bao quát hết.
"Chọn cổ phiếu có thể dùng tăng trưởng lợi nhuận, thay đổi giá, mặt bằng định giá. Đầu tư công như SCG, HHV giá được hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận, còn VCG tăng giá nhờ mặt bằng định giá. Cơ hội là có những vấn đề lựa chọn cổ phiếu nào là chìa khoá thành công, chứ không phải nhìn thấy đầu tư công chạy ồ ạt vào thì sẽ trả lại hết cho đời", Chủ tịch Fiin Group nói.
BH