(Tổ Quốc) - Cổ phiếu bứt phá mạnh giúp vốn hóa PVGas tăng thêm 14.000 tỷ đồng lên xấp xỉ 215.000 tỷ đồng, xếp thứ 4 toàn thị trường chỉ sau Vietcombank (VCB), Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM).
Thị trường chứng khoán rung lắc dữ dội phiên cuối tuần khiến nhiều nhóm cổ phiếu cũng "đảo như rang lạc". Khởi đầu tương đối khởi sắc với sắc xanh chiếm ưu thế, nhóm dầu khí nhanh chóng vấp phải áp lực bán mạnh khiến một loạt cổ phiếu quay đầu. PLX, BSR, OIL, PVS, PVT,... đồng loạt đảo chiều giảm đỏ trong khi PVD, PVC, PXS, CNG thậm chí còn nằm sàn.
GAS ngược dòng nhóm dầu khí
Dù vậy, vẫn có những điểm sáng trong nhóm Dầu khí đến từ "anh cả" GAS khi cổ phiếu này bật tăng hết biên độ lên 112.300 đồng/cổ phiếu. Thực tế, cổ phiếu này cũng có thời điểm đã giảm gần 5% trước khi lội ngược dòng ngoạn mục trong phiên chiều. Cổ phiếu bứt phá mạnh giúp vốn hóa của PV Gas tăng thêm gần 14.000 tỷ đồng trong phiên 22/4, đạt xấp xỉ 215.000 tỷ đồng.
Tính đến hết phiên 22/4, toàn thị trường có 19 doanh nghiệp vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng trong đó PVGas xếp thứ 4 chỉ sau Vietcombank (VCB) và bộ đôi Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM). Đà tăng mạnh của cổ phiếu giúp PVGas nới rộng khoảng cách với top sau như Hòa Phát (HPG), ACV, VPBank (VPB),... đều đang có vốn hóa quanh ngưỡng 200.000 tỷ đồng.
19 cổ phiếu vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng
Trước đó, tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 sáng 15/4, ông Hoàng Văn Quang - Tổng giám đốc PVGas cho biết, quý 1/2022, tổng công ty ghi nhận sản lượng khí đạt khoảng 1,9 tỷ m3 khí khô, tương đương 83% kế hoạch tập đoàn giao, sản xuất và cung cấp 32.000 tấn condensate (đạt 190% kế hoạch); sản xuất và kinh doanh 545.000 tấn LPG (bằng 140% kế hoạch).
Tương ứng, tổng doanh thu quý 1/2022 đạt 25.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 3.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 43% và 48% so với cùng kỳ. Với kết quả trên, các chỉ tiêu tài chính hoàn thành vượt kế hoạch 28-45%.
Năm 2022, PV Gas dự kiến sản lượng khí ẩm, LNG tiếp nhận và vận chuyển là 9.150 triệu m3 (tăng 23% so với sản lượng 2021), trong đó LNG nhập khẩu 140 triệu m3, sản lượng khí khô tiêu thụ là 8.853 triệu m3. Tổng công ty đạt mục tiêu doanh thu đạt 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.039 tỷ đồng, lần lượt giảm 0,2% và 20,5% so với thực hiện trong năm 2021 (dựa trên giả định giá dầu 60 USD/thùng).
Theo SSI Research, môi trường giá dầu ổn định và duy trì trên 60-70 USD/thùng sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam khai thác các mỏ dầu khí hiện tại cũng như triển khai các dự án dầu khí mới. Bộ phận phân tích này kỳ vọng Block B – Ô Môn sẽ khởi công trong 2022-2023 để cho dòng khí đầu tiên vào 2025. Tổng vốn đầu tư là 10 tỷ USD, trong đó giá trị backlog mảng EPC là 4,6 tỷ USD. GAS là một trong những công ty hưởng lợi từ siêu dự án này từ 2023.
Bên cạnh đó, dự án LNG Thị Vải – dự án LNG đầu tiên tại Việt Nam – đã hoàn thành trên 90% tiến độ xây dựng kho chứa LNG trong giai đoạn 1. Với GAS đóng vai trò là nhà đầu tư kho chứa và đường ống, Việt Nam có thể nhập khẩu LNG lần đầu tiên vào tháng 11/2022 để bù đắp cho sản lượng thiếu hụt tại bể ngoài khơi Nam Côn Sơn.
Hà Linh