Cổ phiếu vốn hóa lớn khởi sắc, VN-Index tăng điểm

(Tổ Quốc) - Nhiều nhóm ngành diễn biến tích cực trở lại, phải kể tới như Ngân hàng, Công nghệ, Dầu khí, Điện,… trong khi cổ phiếu nhóm Bất động sản, Chứng khoán,.. tiếp tục phân hóa.

Sau một phiên điều chỉnh, thị trường chứng khoán trở lại giao dịch khá tích cực khi mở cửa bật tăng hơn 13 điểm. Nhiều thời điểm, áp lực chốt lời khiến chỉ số chính “quay đầu” giảm điểm nhưng lại được kéo lên ngay sau đó. VN-Index giữ trạng thái tăng điểm dù thu hẹp đôi chút về cuối phiên, với đóng góp chủ yếu từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Tại nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường – Ngân hàng, nhiều cổ phiếu giao dịch khởi sắc, nhuộm màu "xanh rờn". Hàng loạt cái tên tăng tốt từ 2% đến hơn 4,5% như ABB, OCB, BVB, LPB, VPB,… thậm chí KLB tăng kịch trần. Cùng trạng thái tăng điểm, nhóm công nghệ viễn thông chứng kiến sắc "xanh tím" lan tỏa. Cụ thể, ELC tăng kịch trần lên mức giá 9.160 đồng/cp; CMG, VGI, FOX, FOC, CTR,.. đều bứt phá tăng tốt. Tuy nhiên, FPT tỏ ra khá thận trọng khi đứng giá tham chiếu.

Trái lại, cổ đông nhóm chứng khoán lại "chia nửa buồn vui" với đà tăng tại FTS, HAC, TVB, WSS, VIG,… hay EVS tăng rực rỡ hết biên độ. Song, những cái tên vốn hóa lớn hơn như HCM, VND, SSI,… lại lui về trạng thái điều chỉnh.

Cổ phiếu nhóm VN30 ghi nhận diễn biến khả quan nhất toàn thị trường khi cả nhóm tăng hơn 5 điểm. Về độ rộng, có tới 20 mã tăng giá áp đảo hoàn toàn so với 6 mã giảm giá. Đáng chú ý, PDR phiên trước vừa mới giảm kịch sàn, nay đã lấy lại được 7% giá trị khi tăng hết biên độ; đồng thời KDH cũng chung sắc "tím lịm". Ngoài ra, dòng tiền đổ vào những cổ phiếu lớn như VPB, VCB, VHM, BID,… đều bứt phá, trở thành những "công thần" nâng đỡ thị trường trong phiên hôm nay. Ngược chiều, GAS, VNM,… lại trở thành những tác nhân khiến chỉ số chính không thể tăng mạnh.

Cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt VN-Index tăng điểm, thanh khoản tiếp tục sụt giảm - Ảnh 1.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,73 điểm (+0,37%) lên 1.022,61 điểm. HNX-Index tăng 1,32 điểm lên 205,79 điểm và UPCoM-Index tăng 0,14 điểm lên 70,83 điểm. Thanh khoản trên HoSE sụt giảm khá mạnh so với phiên trước với giá trị khớp lệnh đạt 8.417 tỷ đồng thấp nhất trong vòng 1 tháng qua; tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt 12.898 tỷ đồng.

Trái với đà tăng điểm thị trường chung, giao dịch khối ngoại lại không mấy khả quan khi nhà đầu tư ngoại "quay xe" bán ròng với tổng giá trị lên tới 2.530 tỷ đồng trên toàn thị trường, qua đó chấm dứt chuỗi 23 phiên mua ròng liên tiếp trong hơn 1 tháng giao dịch. Dù vậy, lực bán chủ yếu diễn ra qua giao dịch thỏa thuận, nếu loại đi giao dịch đột biến này, khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng trong phiên hôm nay.

Bảo Trang

Tin Cùng Chuyên Mục
KIS: Hiệu ứng tháng Giêng ở Việt Nam - một hiện tượng hai lý do

KIS: Hiệu ứng tháng Giêng ở Việt Nam - một hiện tượng hai lý do

“January effect” trên thị trường Mỹ là khi giá cổ phiếu tăng mạnh hơn so với các tháng khác. Hiện tượng này lần đầu được Sidney Wachtel quan sát vào năm 1942, được cho là có liên quan tới hành vi của nhà đầu tư và thuế. Mặc dù hiện tượng này cũng được thấy trên thị trường Việt Nam, song bản chất có thể khác nhau.
Tin mới