Masan Group hiện đang là một trong những doanh nghiệp nắm lượng tiền mặt lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Tại thời điểm 30/9, theo BCTC quý 3/2023 của tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN), doanh nghiệp này hiện có khoảng hơn 14.000 tỷ đồng lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, thuộc top 15 công ty có lượng tiền mặt lớn nhất trên sàn chứng khoán. Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, đây có thể coi là một khoản "của đề dành" của Masan Group để hướng tới sự phát triển bền vững hơn.
Bên cạnh lượng tiền đang có sẵn, tập đoàn này cũng có thể huy động được thêm vốn trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Cụ thể, Masan Group cho biết đã đạt được thỏa thuận với Bain Capital về việc đầu tư mua cổ phiếu MSN với giá trị lên đến 500 triệu USD. Số tiền thu được từ giao dịch này sẽ giúp giảm đòn bẩy tài chính, tối ưu bảng cân đối kế toán của công ty.
Masan Group đặt mục tiêu đạt tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA ≤ 3,5x. Đây thuần túy là giao dịch vốn đầu tư cổ phần, không có cơ cấu phòng vệ giá hoặc vay cổ phiếu MSN dẫn đến việc bán cổ phiếu MSN ra thị trường vào ngày phát hành. Cấu trúc của khoản đầu tư trên được thiết kế nhằm đảm bảo các lợi ích của cổ đông hiện hữu của MSN.
Tương tự, SK Group là đối tác dài hạn của Masan Group. Trên tinh thần đó, đối với phần vốn sở hữu của SK Group tại Masan, đôi bên đã thống nhất hợp tác cùng nhau để triển khai một lộ trình nhiều năm giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả hai doanh nghiệp.
Như vậy, lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền dự kiến có thể tăng thêm khoảng từ 4.900 tỷ đồng đến 12.250 tỷ đồng sau khoản đầu tư vốn cổ phần dẫn đầu bởi Bain Capital. Dòng tiền tự do ("FCF") cho thấy sự cải thiện liên tục, với FCF quý III/2023 đạt 2.202 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 125 tỷ đồng trong quý III/2022 nhờ vào việc quản lý vốn lưu động hiệu quả. Như vậy, tổng lượng tiền mà Masan Group có thể sở hữu là khoảng hơn 25.200 tỷ đồng.
Với số tiền mặt kể trên, trong quý cuối cùng của năm 2023, để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững và cải thiện khả năng sinh lời, Masan Group cho biết sẽ tập trung vào một số phát kiến. Theo đó, tại The CrownX, Wincommerce có kế hoạch nâng cao năng suất bán hàng, cải thiện mức tăng trưởng LFL để đạt mức doanh thu trên mỗi cửa hàng về mức của quý IV/2022 và đặt mục tiêu đạt EBIT dương trong quý IV/2023.
Masan Consumer tiếp tục tập trung cải tiến, đổi mới cho sản phẩm đồ uống, HPC và thực phẩm tiện lợi để thúc đẩy tăng trưởng trong quý IV/2023, đóng vai trò là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho năm 2024.
Bên cạnh đó, Phúc Long Heritage đặt mục tiêu mở mới 11 cửa hàng trong quý IV/2023 và cải thiện doanh số trên mỗi cửa hàng về mức tương tự trong quý IV/2022.
Masan MeatLife kỳ vọng cải thiện doanh số bán hàng hàng ngày tại mỗi điểm bán WCM từ 1,6 triệu đồng lên 2 triệu đồng bằng cách tập trung vào chiến lược giá linh hoạt để cải thiện doanh số các mặt hàng bán chậm, lập kế hoạch tích hợp với WCM để phân phối đúng chủng loại sản phẩm đến đúng cửa hàng. Bên cạnh đó, MML sẽ tiếp tục nâng cao trải nghiệm thương hiệu - là điểm đến mua thịt tại các điểm bán của WCM bằng cách triển khai các quầy Meat Corner tại một số địa điểm, giúp nâng cao khả năng hiển thị và trải nghiệm khách hàng cho các sản phẩm MEATDeli. MML sẽ kiểm soát chi phí chặt chẽ để thích nghi với các điều kiện thị trường.
Ngoài ra, công ty cũng sẽ tiếp tục tích cực tìm kiếm các giải pháp khác nhau trên thị trường vốn để kéo dài thời gian đáo hạn nợ, cải thiện lãi suất và gia tăng lợi nhuận thông qua việc giảm đòn bẩy tài chính. Song song với đó, để hiện thực hóa chiến lược công nghệ tiêu dùng, sẽ tiếp tục đầu tư vào các phát kiến dựa trên thế mạnh của hệ sinh thái tiêu dùng bán lẻ toàn diện như chương trình hội viên và hệ thống logistics.