(Tổ Quốc) - Với tiềm năng du lịch cùng với quy hoạch mới hiện đã có những ông lớn bất động sản quan tâm đầu tư đến Côn Đảo.
Ngày 24/6, Cổng thông tin tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa tin ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo dự thảo Tờ trình về việc thông qua nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2045.
Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ranh giới khu vực lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo, gồm 16 đảo với diện tích 7.678 ha. Thời hạn quy hoạch gồm giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045, tầm nhìn quy hoạch đến năm 2050. Trong đó, quy mô đất xây dựng đô thị, du lịch, dự kiến đến năm 2030 khoảng 1.100 ha, đến năm 2045 khoảng 1.500 - 1.800 ha. Các chỉ tiêu chính của đồ án áp dụng theo tiêu chuẩn đô thị loại III.
Dự báo quy mô dân số Côn Đảo đến năm 2030 có khoảng 25.000 người, đến năm 2045 khoảng 40.000 người. Lượng khách du lịch dự kiến đến năm 2030 khoảng 300.000 - 350.000 lượt/năm, trong đó khách du lịch quốc tế chiếm khoảng 40%, đến năm 2045 khoảng 400.000 - 500.000 lượt khách/năm.
Được biết, huyện Côn Đảo với 200km bờ biển bao quanh, khí hậu ôn hòa, thích hợp với các loại hình du lịch như: Du lịch tắm biển nghỉ dưỡng, tham gian di tích lịch sử, du lịch sinh thái lặn biển…Hệ động thực vật dưới biển và trong rừng đa dạng, phong phú, nhiều loại quý hiếm như: rùa biển, ugong (bò biển), san hô, yến đảo…Năm 1993, thủ tướng Chính phủ đã thành lập VQG Côn Đảo để bảo tồn và bảo vệ môi trường sinh thái của hệ động thực vật trong rừng và dưới biển. Tổng diện tích rừng VQG Côn Đảo gần 6.000 ha trên đất liền và 14.000 ha mặt biển.
Với tiềm năng du lịch cùng với quy hoạch mới, hiện UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đang mời chào các nhà đầutư vào 13 dự án lớn bao gồm: Khu Trung tâm thương mại; KDL Lò Vôi; KDL Đầm Trầu; KDL Bến Đầm, KDL Suối Ớt- Bãi Vông; KDL nghỉ dưỡng An Hải; KDL khách sạn trung tâm Côn Sơn; Khu khách sạn trung tâm Côn Sơn; khu khách sạn đường Nguyễn Văn Linh- Huỳnh Thúc Kháng; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo; Đường thủy nội địa; Nhà máy xử lý rác thải.
Hiện đã có nhiều ông lớn bất động sản quan tâm đầu tư đến Côn Đảo. Mới đây nhất, Tập đoàn FLC đã đề xuất đầu tư quần thể nghỉ dưỡng, sân golf với quy mô phù hợp với quy hoạch của Côn Đảo; Tổ hợp khách sạn 5 sao kết hợp trung tâm thương mại và khu vui chơi giải trí tại trung tâm thị trấn Côn Đảo; Khu du lịch 7 sao trong Vườn Quốc gia Côn Đảo và đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch theo công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái.
Được biết, trước đó ngày 29/9/2020, Bamboo Airways - hãng hàng không thuộc Tập đoàn FLC - đã khai trương ba đường bay kết nối Côn Đảo với Hà Nội, Vinh, Hải Phòng. Ngày 11/1 vừa qua, Bamboo Airways khai trương thêm đường bay Côn Đảo - Cần Thơ và Phú Quốc - Cần Thơ.
Cuối năm 2020, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã phê duyệt nhiêm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 "khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái hiểu về trái tim". Dự án này do Công ty Cổ phần Du lịch Hiểu Về Trái Tim của diễn viên Phạm Gia Chi Bảo đề xuất đầu tư.
Hay khu đất gần 10.000m2 được quy hoạch là đất dịch vụ du lịch ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa được bán đấu giá thành, một nữ đại gia đã chi hơn 80 tỷ đồng để sở hữu khu đất này. Ngoài ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng đang đến Côn Đảo tìm kiếm cơ hội đầu tư ở thị trường mới này.
Được biết, dù là một thị trường khá hẹp nhưng bất động sản Côn Đảo đã từng trải qua cơn nóng sốt bỏng tay vào năm 2018. Thời điểm tháng 8/2018, giá đất ở Côn Đảo bắt đầu tăng vào cuối năm 2017 và cứ thế "lao vút" đến nay khi lượng khách du lịch mỗi ngày một tăng nhờ việc kết nối đường thủy từ Sóc Trăng ra Côn Đảo. Tại trung tâm huyện, giá đất có nơi đã được đẩy lên đến 100 triệu đồng/m2, kéo theo giá đất các vùng lân cận cũng cao chóng mặt.Các giao dịch thành công này chủ yếu là do những nhà đầu tư ở đất liền như Hà Nội, TP HCM đổ xô ra đây "săn" đất với mục đích xây khách sạn hoặc mua để đó đợi lời thì bán.
Nam Anh