(Tổ Quốc) - Phong tỏa Thượng Hải do Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất và chuỗi cung ứng của Tesla, trong khi tiến độ đẩy mạnh sản lượng tại các nhà máy mới cũng chậm lại. Điều này đang khiến nhiều người nghi ngờ liệu chuỗi ngày bán xe kỷ lục của Tesla sắp kết thúc?
Ngày 2/7, nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới cho biết họ đã giao 254.695 xe trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, so với 310.048 xe trong quý trước đó, kết thúc một thời gian dài gần hai năm với kỷ lục giao hàng quý.
Dữ liệu giao hàng là một chỉ số được theo dõi chặt chẽ đối với Tesla vì nó cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động tài chính của nhà sản xuất ô tô điện. Con số này cũng được nhiều người coi là thước đo cho nhu cầu xe điện nói chung, vì công ty có trụ sở tại Austin, Texas đã dẫn đầu thị trường xe chạy bằng pin.
Các trường hợp mắc Covid-19 bùng phát trở lại ở Trung Quốc đã buộc Tesla phải tạm ngừng sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải và cũng ảnh hưởng đến cơ sở vật chất của các nhà cung cấp tại nước này.
Tesla đang tăng cường sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải với việc nới lỏng với tình hình Covid-19, điều này sẽ giúp thúc đẩy giao hàng trong nửa cuối năm 2022.
Đầu tháng 6, Giám đốc điều hành Elon Musk nói với các giám đốc điều hành rằng ông có "cảm giác cực kỳ tồi tệ" về nền kinh tế và cần cắt giảm khoảng 10% nhân sự tại nhà sản xuất ô tô điện. Musk cho biết nhu cầu đối với xe Tesla vẫn mạnh, nhưng những thách thức về chuỗi cung ứng vẫn còn.
Đáng chú ý, vào tháng 6, Tesla một lần nữa tăng giá đối với một số mẫu xe của mình tại Mỹ và Trung Quốc sau khi Musk cảnh báo về áp lực lạm phát đáng kể trong nguyên liệu và logistics. Tesla cho biết tháng 6 năm 2022 là tháng sản xuất xe cao nhất trong lịch sử của công ty.
Theo dữ liệu của Refinitiv, các nhà phân tích dự kiến Tesla sẽ báo cáo giao hàng 295.078 xe trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6. Một số nhà phân tích đã giảm ước tính của họ xuống còn khoảng 250.000 do Trung Quốc đóng cửa kéo dài.
Nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới đã công bố số lượng giao hàng kỷ lục mỗi quý kể từ quý 3 năm 2020, vượt qua đại dịch và gián đoạn chuỗi cung ứng tốt hơn hầu hết các nhà sản xuất ô tô.
Trung Quốc là thị trường giúp Tesla tăng nhanh sản lượng xe, với nhà máy chi phí thấp, sinh lợi cao ở Thượng Hải sản xuất khoảng một nửa tổng số xe của công ty được giao trong năm ngoái.
Hồi tháng 4, Musk nói sản lượng xe tổng thể của Tesla trong quý II sẽ "ngang bằng" với quý đầu tiên, nhờ vào sự phục hồi của Trung Quốc.
Nhưng gần đây, ông cho biết Tesla đã có một "quý rất khó khăn", với lý do sản xuất và chuỗi cung ứng đang gặp thách thức ở Trung Quốc. Musk cũng nhấn mạnh các nhà máy mới của Tesla ở Texas và Berlin là những "lò đốt tiền khổng lồ" mất hàng tỷ USD khi họ phải vật lộn để tăng sản lượng một cách nhanh chóng.
Theo nghiên cứu mới của Bank of America có tên "Các cuộc chiến xe hơi", Tesla hiện đang dẫn đầu thị trường xe điện (EV) về doanh số, nhưng hãng này sẽ không thể duy trì lợi thế cạnh tranh về lâu dài. Các hãng Ford và GM sẽ vượt Tesla về doanh số bán xe điện vào năm 2025, khi thị phần gia tăng.
John Murphy, nhà phân tích về ô tô của Bank of America, dự báo thị phần của Tesla có thể giảm từ trên 70% xuống khoảng 11% trong 3 năm tới, cho phép Ford và GM giành khoảng 15% thị phần.
Yếu tố đưa đến dự báo về sự sụt giảm thị phần của Tesla là do tốc độ ra mắt mẫu xe mới chậm lại và việc thiếu một danh mục sản phẩm hoàn chỉnh, điều có thể giúp GM và Ford có thời gian để bắt kịp.
Báo cáo cho rằng, Ford có cơ hội lớn để giành thị phần khi tỷ lệ thay thế xe theo dự báo là cao nhất trong ngành sản xuất ô tô, với 23,7% trong giai đoạn 2023 - 2026. GM bám sát theo sau với 22,4%. Trong khi tỷ lệ thay thế xe của Tesla được cho là sẽ chậm lại với việc hoãn ra mắt mẫu xe Cybertruck và chậm nâng cấp các mẫu EV.
Những năm gần đây, Tesla đã nổi lên để chứng minh vị thế của một nhà sản xuất phân phối ô tô điện hàng đầu thế giới.
Thực tế, sự xuất hiện của Tesla đã góp phần thay đổi đồng thời mở ra xu hướng mới cho ngành ô tô toàn cầu. Tuy nhiên, hãng xe điện danh tiếng của Elon Musk đang đứng đối diện nhiều thách thức đến từ các hãng ô tô truyền thống như Volkswagen, GM, Ford...
Về bản thân mình, người giàu nhất thế giới, Elon Musk với trị giá tài sản 208 tỉ USD đã “bốc hơi” 62 tỉ USD trong nửa đầu năm 2022.
Hành động “gây tiếng vang” lớn nhất trên thị trường là thương vụ trị giá 44 tỉ USD của tỷ phú Elon Musk với Twitter. Tuy nhiên, doanh nhân của Tesla bị gọi là “kẻ lừa đảo”, khi nỗ lực mua lại mạng xã hội này là nhằm làm giảm giá trị của chúng. Kể từ khi bắt đầu thỏa thuận, cổ phiếu Twitter đã giảm 12% và cổ phiếu Tesla giảm 35%. Các nhà đầu tư cho rằng tỷ phú này đã thu lợi về mặt tài chính khi hoãn tiết lộ kế hoạch tham gia hội đồng quản trị của công ty.
Tham khảo: CNBC, Bloomberg
Khánh Vy