(Tổ Quốc) - Cô con gái nuôi chia sẻ với báo chí: "Căn nhà chẳng thấm gì so với công sức của bà. Bà là người mẹ vĩ đại nhất".
Năm 1992, ngôi làng ở huyện Nhạc Tây, thành phố An Khánh, tỉnh An Huy (Trung Quốc) bỗng trở nên xôn xao khi xuất hiện một bé gái chưa đầy tháng bị bỏ rơi. Sau khi không tìm được mẹ bé, một người dân trong làng đã nhận nuôi nhưng chỉ được vài ngày là trả lại vì không chịu được tiếng khóc. Tiếp đến, một người khác cũng mang bé về nhưng không nuôi được lâu.
Sau nhiều lần như vậy, người làng không ai muốn nuôi cô bé nữa. Cuối cùng, họ hỏi bà Hồ Hạnh Trân – một phụ nữ hiếm muộn có hoàn cảnh khá khó khăn trong làng. Lúc đó, con gái nuôi của bà vừa mất vì bệnh hiểm nghèo. Nhìn thấy bé gái đáng thương, bà quyết định đem về nuôi.
Vợ chồng bà đặt tên con gái nuôi mới là Vương Đông Hồng. Ngoài làm nông, họ phải làm nhiều việc chân tay khác nhau, bao gồm nhặt rác, cấy cày thuê, giúp việc, phụ hồ… để có tiền trang trải cuộc sống.
Thế nhưng, bất hạnh đã ập đến gia đình nhỏ vào năm Đông Hồng 4 tuổi. Cha nuôi của cô bé ngã từ giàn giáo xuống đất và liệt toàn thân. Kể từ đó, gánh nặng cơm áo gạo tiền lại đè lên vai bà Hạnh Trân, khi đó đã gần 50 tuổi.
Chồng bà qua đời sau hơn 1 năm. Suy sụp, bà từng nghĩ đến việc tự tử nhưng nghĩ đến con nhỏ, bà tiếp tục cố gắng nuôi con, cho con ăn học đàng hoàng. Hiểu được nỗi nhọc nhằn của mẹ, Đông Hồng rất chăm học, thường đứng đầu lớp.
Lớn hơn một chút, cô bé vừa học vừa làm thêm tại một tiệm ăn trên thị trấn. Tuy nhiên, khi Đông Hồng lên cấp 3, bà Hạnh Trân không còn đủ khả năng cho con học tiếp.
May mắn thay, một giáo viên khi biết chuyện đã kêu gọi các mạnh thường quân quyên góp tiền để Đông Hồng được tiếp tục việc học. 3 năm sau, cô đỗ đại học. Trong thời gian này, bà Hạnh Trân dù sức khỏe đã suy yếu nhưng vẫn đi nhặt rác và làm việc vặt để có thêm tiền cho con gái ăn học.
Ở trường, Đông Hồng tiếp tục phát huy thành tích học tập. Sau khi tốt nghiệp, cô xin được một công việc có mức lương không tệ rồi kết hôn, sinh con. Thời điểm này, bà Hạnh Trân đã ngoài 60, sức khỏe ngày càng đi xuống sau nhiều năm lao lực.
Để tiện chăm sóc mẹ, Đông Hồng đón bà Hạnh Trân lên thành phố sống cùng mình. Mặc dù vậy, vì đã quen với cuộc sống ở nông thông, bà Hạnh Trân cảm thấy đô thị quá ngột ngạt và muốn về quê sống nốt những năm tháng tuổi già.
Nhưng do căn nhà ở quê đã cũ nên Đông Hồng quyết định mua một mảnh đất và xây cho mẹ một căn biệt thứ hai tầng, giống mong ước của bà thời trẻ. Hành động báo hiếu của cô đã nhận được rất nhiều lời khen của dân làng và cả những người không quen biết.
Về phần mình, Đông Hồng cho biết đây là việc nên làm vì bà Hạnh Trân đã vất vả cả đời để cô có ngày hôm nay. Được biết, cô đã dành toàn bộ tiền tiết kiệm, thậm chí vay thêm một chút để mua đất, xây nhà cho mẹ. Cô chia sẻ với báo chí: "Căn nhà chẳng thấm gì so với công sức của bà. Bà là người mẹ vĩ đại nhất".
Đông Hồng không phải trường hợp duy nhất đền đáp người từng giúp đỡ mình khi khó khăn bằng cả căn biệt thự. Đó là Trần Sinh - vị đại gia 60 tuổi - Chủ tịch tập đoàn đồ uống Tiandi No 1 Beverage, ông chủ chuỗi thịt lợn cao cấp Yihao Tuzhu và đại gia bất động sản có tiếng.
Trần Sinh về làng trao biệt thự cho mọi người (Ảnh: Internet).
Năm xưa, gia đình ông không có tiền cho ông đi học đại học nên dân làng, dù cũng nghèo khó, đã góp tiền lại giúp đỡ ông phần nào. Sau này, khi đã thành tỷ phú, Trần Sinh quay về ngôi làng năm xưa để trả ơn mọi người. Những năm đầu, ông tích cực quyên góp tiền để xây trường học và lát xi măng cho các con đường để dân làng đi lại thuận tiện.
Năm 2012, Trần Sinh đầu tư 100 triệu tệ để xây dựng một cơ sở chăn nuôi lợn trong làng với hơn 250 chuồng. Công ty của ông cung cấp lợn giống, thức ăn và vaccine cho đàn lợn đồng thời cam kết thu mua lợn sau khi xuất chuồng.
Năm 2013, ông chi 200 triệu tệ để xây 258 biệt thự sang trọng trên đất do chính quyền cấp. Mỗi căn biệt thự rộng 280 m2, gồm 5 phòng ngủ, 2 phòng khách, 1 nhà xe và vườn.
Cuối năm 2017, khu dân cư hoàn thiện nhưng chưa thể bàn giao vì nhiều người từ nơi khác trở về và xin nhà. Nhiều gia đình thậm chí còn đòi 2 căn vì số người quá đông. Cuối cùng, ông quyết định xây thêm gần 70 căn nữa.
Tháng 6/2018, Trần Sinh cùng mẹ về làng, trao chìa khóa cho từng hộ. Dân làng ai cũng bày tỏ lòng cảm kích đối với sự hào phóng của Trần Sinh. Đáp lại, ông chỉ khiêm tốn nói rằng ngôi làng là nơi đã nuôi dưỡng và tạo điều kiện để ông có thể học đại học. Chính vì thế, sự trả ơn của ông là điều nên làm.
Nguồn: 163
G.Vũ