(Tổ Quốc) - Đồng là nguyên liệu cần thiết nhất cho cơn khát năng lượng sạch tại hàng loạt quốc gia. Nguồn cung thấp, giá tăng có thể là khởi nguồn cho một siêu chu kỳ hàng hoá mới.
Kamoa-Kalula thuộc Cộng hoà Dân chủ Congo là mỏ khai thác hàng hiếm trong ngành tài nguyên hiện tại: Một mỏ đồng cao cấp có thể chỉ trong 1 ngày sản xuất đủ kim loại đáp ứng 5% nhu cầu hàng năm của Trung Quốc.
Được bao quanh bởi những ngôi làng nhỏ, mỏ này có khoảng 7.00 công nhân, có đường riêng cho xe tải chở quặng đến một nhà máy luyện đồng gần đó. Công ty cũng đang nâng cấp một nhà máy thuỷ điện 40 năm tuổi trên sông Congo để cung cấp điện chạy mỏ.
Giai đoạn đầu tiên của dự án trị giá 2 tỷ USD bắt đầu hoạt động vào tháng 5 – hơn 4 năm sau khi mỏ đồng có quy mô tương tự (Las Bambas của MMG, tại Peru) đi vào hoạt động. Mặc dù vẫn có những mỏ mới, có một thực tế là ngành khai thác đồng đang bị thắt chặt trong những năm qua trong khi nhu cầu sử dụng tăng cao chóng mặt.
Các chính phủ trên thế giới đang tung ra các chương trình kích cầu khổng lồ, tập trung vào tạo ra việc làm và ổn định môi trường. Nhu cầu tăng cao và sự thiếu hụt nguồn cung khiến các nhà phân tích phố Wall đặt ra câu hỏi liệu đồng có trở thành "dầu thô" mới, nguyên liệu quan trọng trong mọi chiến lược phát triển hay không?
Chi phí đầu tư cho khai thác đồng có xu hướng giảm trong các năm tới.
"Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng của một chu kỳ hàng hoá kéo dài nhiều thập kỷ, được thúc đẩy bởi nhu cầu chuyển đổi sang năng lượng xanh của kinh tế toàn cầu", Tal Lomnitzer – nhà quản lý quỹ cao cấp của Janus Henderson cho biết.
Giá hàng hoá đã tăng chóng mặt trong năm ngoái, ban đầu là do nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc và gần đây là các nền kinh tế lớn khác. Đồng, quặng sắt, palađi và gỗ đều đạt mức giá cao kỷ lục trong tháng 5 trong khi các mặt hàng nông nghiệp gồm ngũ cốc, các loại hạt có dầu, đường và sữa cũng tăng vọt.
Mặc dù không có định nghĩa thống nhất về siêu chu kỳ, nhưng nó thường được sử dụng để mô tả thời kỳ mà giá hàng hoá tăng theo xu hướng dài hạn trong khoảng 10 đến 35 năm. Các siêu chu kỳ này thường được kích hoạt bởi sự thúc đẩy cấu trúc với nhu cầu đủ lớn (thường là trên phạm vi toàn cầu) và nguồn cung chậm đáp ứng, theo Capital Economics.
Chỉ có 4 giai đoạn giá hàng hoá duy trì tăng theo chu kỳ nói trên trong vòng 120 năm qua. Lần đầu tiên là khi Mỹ nổi lên như là một cường quốc kinh tế vào những năm 1880 và lần cuối cùng là quá trình công nghiệp hoá nhanh chóng của Trung Quốc vào đầu những năm 2000.
"Hầu hết các sàn hàng hoá đều nghĩ rằng chúng ta sẽ không bao giờ thấy một câu chuyện tương tự quá trình đô thị hoá của Trung Quốc. Nhưng giờ đây, câu chuyện về năng lượng xanh rõ ràng sẽ lớn hơn gấp bội vì nó mang tính toàn cầu", Ben Cleary, đối tác của Tribeca Investment Partners – nhóm quản lý quỹ tại Australia cho biết.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng sự bùng nổ giá hàng hoá hiện nay mang tính chu kỳ chứ không phải thay đổi về cấu trúc. Nó đến từ nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của châu Âu, Mỹ và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng. Họ kỳ vọng đà tăng giá giảm dần khi Trung Quốc - người mua hàng hoá lớn nhất thế giới – thắt chặt tín dụng.
Biểu đồ giá đồng trong 18 tháng qua.
Thực tế là một số nguyên liệu thô đã giảm. Quặng sắt giảm 10% so với mức cao kỷ lục gần đây là 233 USD/tấn vào tháng 5, sau khi Bắc Kinh đưa ra cảnh báo về sự đầu cơ. "Giá hàng hoá tăng vì nhu cầu quá mạnh. Nhưng phần lớn đó là sự phục hồi theo chu kỳ sau một cuộc suy thoái rất lớn", Ric Deverell – nhà kinh tế của Macquarie tại Sydney cho biết.
Những người hoài nghi cũng nhanh chóng chỉ ra rằng không phải tất cả mặt hàng đều bị thiếu hụt. Một trường hợp điển hình là dầu mỏ, nơi OPEC và đồng minh vẫn chưa hoàn toàn rút lại việc cắt giảm sản lượng, ban hành từ tháng 4/2020.
"Khi nói về siêu chu kỳ, chúng ta đang nói về thứ gì đó lớn hơn. Nó phải liên quan đến các mặt hàng chính như dầu và quặng sắt", Mark Williams – nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Economics cho biết.
Tuy nhiên, khi nói đến đồng và các kim loại khác có liên quan đến công nghệ xanh, chẳng hạn coban và nikel, ngay cả những người hoài nghi nhất cũng chấp nhận một thực tế rằng siêu chu kỳ có thể diễn ra. Nguồn cung đang rất hạn chế trong khi thị trường đang tăng tốc.
"Để cố gắng giảm thải carbon trên thế giới, cách duy nhất chúng ta có thể làm là dùng đồng. Không có kim loại nào khác có thể dẫn điện tương tự", Jeff Currie – trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hoá tại Goldman Sachs cho biết. Ông cũng là người ủng hộ mạnh mẽ quan điểm chúng ta đang ở trong một siêu chu kỳ. "Đó là lý do chúng tôi nói rằng nó quan trọng về mặt chiến lược như dầu mỏ, bởi nếu bạn muốn hạn chế thải carbon trong ngành vận chuyển và nhiên liệu công nghiệp sử dụng điện, bạn cần đồng", ông nói thêm "và rất nhiều".
Theo Goldman, một chiếc xe điện chứa lượng đồng (60 – 83 kg) gấp 5 lần so với xe dùng động cơ đốt trong, trong khi một tuabin gió 3 megawatt sử dụng tới 4,7 tấn kim loại này.
Goldman không đơn độc trong việc dự đoán nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ. Để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết tổng quy mô thị trường của các khoáng chất quan trọng như đồng, coban, mangan và các kim loại đất hiếm khác phải tăng gần gấp 7 lần từ năm 2020 đến 2030.
Khá ngang trái khi giai đoạn cung tăng cao thì các công ty khai thác lớn lại có xu hướng cắt giảm đầu tư vào các dự án mới. Xu hướng này bắt đầu vào khoảng 7 năm trước, sau khi thị trường hàng hoá suy thoái dữ dội, đẩy nhiều nhà khai thác đến bờ vực sụp đổ về tài chính.
"Các công ty khai thác sẽ tiếp tục ưu tiên lợi nhuận và bảng cân đối kế toán hơn là đầu tư vào các dự án thâm dụng vốn, thời gian dài", Christopher Lafemina, nhà phân tích tại Jefferies cho biết. "Tính kinh tế của những dự án này nằm ngoài tầm kiểm soát của các công ty khai thác về nhiều mặt".
Nhờ những dự án như Kamoa và Quellaveco – mỏ đồng trị giá 5 tỷ USD mà Anglo America dự kiến đưa vào hoạt động năm 2022 – thị trường đồng sẽ được cung cấp tương đối tối trong vài năm tới. Tuy nhiên, ngoài những dự án này ra thì nguồn cung dự án mới hiện rất mỏng.
"Nhìn vào nguồn cung, bạn sẽ thấy không dễ để tiếp cận các nguồn cung đó. Lần gần nhất giá đồng tăng cao vào năm 2011, 2012, có một vài dự án mới trên thị trường nhưng đều bị đình trệ và chi phí đầu tư rất cao", Farid Dadashev – trưởng bộ phận khai thác và kim loại châu Âu của RBC Capital Markets cho biết.
Sau khi thổi bay hàng tỷ USD trong đợt bùng nổ hàng hoá gần nhất bằng các giao dịch đắt đỏ, các dự án đầy tham vọng, ngành công nghiệp khai thác đã giảm đáng kể chi tiêu và tập trung vào việc trả cổ tức cho các cổ đông, những người hiện đã quen với việc nhận cổ tức béo bở từ lĩnh vực này.
"Tất cả nhà khai thác lớn đã và đang trả lại vốn trong 6-7 năm qua khi cổ đông không tin tưởng vào khả năng tái đầu tư lợi nhuận vào tăng trưởng của họ".
Kết quả là, vốn đầu tư vào ngành khai thác và luyện kim toàn cầu đạt đỉnh 220 tỷ USD vào năm 2012. Trong khi đó, mức vốn đầu tư của năm 2020 chỉ đạt 1 nửa con số đó, theo dữ liệu từ Wood Mackenzie. Theo Tribeca, chi tiêu cho hoạt động thăm dò cũng giảm mạnh từ 35,7 tỷ USD năm 2012 xuống còn hơn 10 tỷ USD vào năm ngoái.
Giá đồng đã tăng gấp đôi trong năm qua, gần đây đạt mức kỷ lục trên 10.500 USD/tấn. Các công ty khai thác hoặc không muốn, hoặc không thể ký kết các dự án mới. Goldman nhận thấy sự thiếu hụt nguồn cung hàng năm khoảng 8,2 triệu tấn vào năm 2030. Nên nhớ, sản lượng đồng tinh chế toàn cầu năm ngoái chỉ là 23,5 triệu tấn.
Các dự án đồng dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 2020 - 2024.
Ivan Glasenberg, ông chủ lâu năm của công ty khai thác và kinh doanh hàng hoá Glencore nói với Financial Times rằng, giá đồng cần tăng 50% để đáp ứng nhu cầu từ cuộc cách mạng xanh toàn cầu. "Giá đồng phải tăng lên 15.000 USD/tấn để kích thích đầu tư thêm. Họ sẽ không đi đến những nơi khó khăn hơn của thế giới, trừ khi lợi nhuận đủ lớn".
Các mỏ cũ kỹ và phẩm cấp quặng suy giảm tạo ra thách thức khác với ngành khai thác mỏ. Điều này đặc biệt rõ ràng ở Chile, nơi Codelco - công ty khai thác đồng lớn nhất thế giới – cần chi 35 tỷ USD từ nay đến năm 2030 để duy trì sản lượng hàng năm ổn định ở mức 1,6 đến 1,7 triệu tấn.
Có thể mất đến 10 năm để phát triển một dự án đồng mới. Vì vậy, ngay cả khi giá đồng lên cao, việc mở hầu bao giai đoạn hiện tại cũng là quá muộn để ngăn chặn thâm hụt nguồn cung lớn vào cuối thập kỷ này.
Nhiều người cảm thấy không thuyết phục khi tin rằng đồng là nguyên nhân tạo ra một siêu chu kỳ mới. Julian Kettle – Phó chủ tịch mảng kim loại và khai thác của Wood Mackenzie cho biết giá đồng lên cao sẽ khuyến khích thay thế nhôm, vốn có độ dẫn điện thấp hơn nhưng nhẹ hơn đồng.
Tháng 5, Tirupati Graphite cho biết họ đã phát triển một loại vật liệu tổng hợp graphene-nhôm có độ dẫn điện tương tự đồng. Công ty đang làm việc với Rolls-Royce để sử dụng nó thay thế đồng trong các hệ thống nhiệt, điện và động cơ.
Trong siêu chu kỳ gần nhất, Kettle ước tính thị trường đồng mất 2%, tương đương 400.000 – 500.000 tấn mỗi năm do nhu cầu thay thế nhôm khi giá tăng trên 6.000 USD/tấn.
Nhưng ngay cả Kettle cũng thừa nhận thị trường đồng đang gặp rắc rối. Thị trường cần phải tăng gấp đôi quy mô vào năm 2040 nếu thế giới muốn đạt các mục tiêu trong thoả thuận chống biến đổi khí hậu. "Nếu có một loại hàng hoá bước vào siêu chu kỳ thì đó phải là đồng. Nhưng các động lực cơ bản vẫn chưa có", ông nói thêm.
Tham khảo: Financial Times
Thành Duy