Vừa qua, giải pháp eKYC (công nghệ định danh và xác thực khách hàng trực tuyến bằng công nghệ sinh trắc học) của VNPAY được chứng nhận khả năng chống giả mạo khuôn mặt bởi iBeta và chứng chỉ ISO 27001 – một tiêu chuẩn quốc tế về thông tin và quản lý an toàn thông tin.
Chứng minh cho những nỗ lực mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực AI.
Sản phẩm "Make in Việt Nam" được quốc tế công nhận
Được chứng nhận chất lượng bởi các đơn vị uy tín như iBeta thành viên của Liên minh Xác thực trực tuyến thế giới – FIDO Alliance (trụ sở tại Hoa Kỳ) và Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI Việt Nam) chứng minh công nghệ eKYC của VNPAY không chỉ được đánh giá cao bởi các ngân hàng trong nước, mà còn được công nhận bởi các tổ chức kiểm định danh giá trên thế giới, củng cố thêm niềm tin cho khách hàng khi sử dụng các sản phẩm công nghệ nhận dạng sinh trắc học của đơn vị.
Đại diện VNPAY cho biết: "Xác định công nghệ là yếu tố cốt lõi, chúng tôi đầu tư mạnh mẽ vào các nền tảng công nghệ với đội ngũ nhân sự chất lượng cao cùng chuyên gia AI giàu kinh nghiệm tới từ nhiều quốc gia, nhằm bắt kịp các xu hướng công nghệ hiện đại nhất trên thế giới.
Các công nhận quốc tế có giá trị rất lớn, giúp chúng tôi tạo dựng niềm tin đối với khách hàng. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào, động lực để VNPAY tiếp tục phát triển các sản phẩm chất lượng cao, làm chủ nhiều công nghệ mới, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số".
Là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực thanh toán điện tử, VNPAY dành nhiều năm để nghiên cứu, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong ngành trí tuệ nhân tạo AI vào ngành tài chính ngân hàng như nhận diện thực thể sống (Liveness Detection), công nghệ học máy (Machine Learning), công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR),... nhằm nhận dạng và xác thực thông tin sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay, mống mắt), chữ ký, ký tự quang học, xác nhận người thật, trạng thái cử chỉ theo thời gian thực,… để đảm bảo an toàn giao dịch và lợi ích hợp pháp cho khách hàng.
ISO/IEC 30107-3 là một bộ tiêu chuẩn quốc tế mô tả phương pháp và quy trình thực hiện kiểm định các giải pháp sinh trắc khuôn mặt. Để đạt chứng chỉ này giải pháp eKYC của VNPAY đã vượt qua bài kiểm định Presentation Attack Detection (PAD) theo tiêu chuẩn ISO/IEC 30107-3 của iBeta – thành viên của Liên minh Xác thực trực tuyến thế giới – FIDO Alliance (trụ sở tại Hoa Kỳ).
Bài kiểm thử iBeta PAD nhằm kiểm tra khả năng xác định sự có mặt của người thật trong hình ảnh selfie, giúp phát hiện gian lận khi xác minh gương mặt. Để vượt qua bài kiểm tra này, giải pháp phải đảm bảo không có bất kỳ thông tin giả mạo nào có thể qua mặt được hệ thống tại thời điểm kiểm tra.
"Các hình thức gian lận khi định danh điện tử ngày càng khó lường, tinh vi như giả mạo bằng hình ảnh, video, mặt nạ hay các công cụ mô phỏng gương mặt con người... Vì vậy, VNPAY luôn đề cao tính chính xác, áp dụng các kỹ thuật cao, hiện đại nhất để định danh khách hàng khi phát triển giải pháp eKYC - đại diện VNPAY chia sẻ thêm.
Không chỉ đảm bảo thông tin "đầu vào" một cách chuẩn xác, đội ngũ phát triển công nghệ của VNPAY cũng đã nỗ lực để vượt qua các bài đánh giá để đạt chứng chỉ ISO27001 do Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI Việt Nam) cấp. Đây là Cơ quan tiêu chuẩn quốc gia đầu tiên trên thế giới, được Chính phủ Vương quốc Anh bổ nhiệm làm Cơ quan Tiêu chuẩn Quốc gia.
ISO 27001 là tiêu chuẩn quốc tế về thông tin và quản lý an toàn thông tin. Tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu, phương pháp để thực hiện đánh giá độc lập hệ thống quản lý an toàn thông tin và chứng nhận cho Hệ thống quản lý an toàn thông tin - ISMS (viết tắt của Information Security Management System) giúp VNPAY đảm bảo"an toàn thông tin" cho khách hàng.
Việc đạt được chứng nhận An toàn thông tin là một yếu tố quan trọng, khẳng định cam kết của VNPAY về đảm bảo an toàn thông tin cho khách hàng, đối tác và các bên liên quan.
Với các sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, Việt Nam đang là một trong những quốc gia dẫn đầu về công nghệ AI trong khu vực
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương cụ thể trong thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ AI. Đặc biệt là Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Chiến lược đưa ra mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng 4.0.
Thực tế, Việt Nam đang có tiềm lực rất lớn về chính sách và con người để dẫn đầu các nước trong khu vực về phát triển công nghệ bằng các sản phẩm "Make in Vietnam". Nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam cũng đã nghiên cứu và ứng dụng AI vào nhiều lĩnh vực trong đời sống hàng ngày.
Bắt kịp xu hướng, VNPAY đón đầu những công nghệ mới trên thế giới, tập trung đưa AI vào phát triển các sản phẩm, dịch vụ "Make by VNPAY"; góp phần phát triển kinh tế xã hội, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về phát triển và ứng dụng AI trên bản đồ thế giới.