(Tổ Quốc) - Sau tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến giãn cách xã hội trở thành điều cấp thiết thì công nghệ số đã chứng minh được ưu điểm của mình trong việc quảng bá sản phẩm, kết nối thông tin, nhu cầu và tăng sự tương tác giữa chủ đầu tư với khách mua BĐS.
Theo JLL, công nghệ ứng dụng (Proptech) trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là phân khúc nhà ở và văn phòng. Hai phân khúc này ghi nhận sự quan tâm đến từ cả phía nhà phát triển lẫn khách thuê mua, chiếm hơn 50% trong tổng số các công ty proptech trên thị trường, tập trung chủ yếu các trang web giới thiệu và liệt kê các bất động sản nhà ở, tư vấn các giao dịch, mua bán, cho thuê và quản lý dự án.
JLL cho biết, hiện nay các doanh nghiệp ngoại đang chiếm ưu thế lớn trong hệ sinh thái khởi nghiệp PropTech tại Việt Nam. Thực tế, có đến 80% doanh nghiệp PropTech là các nhà khởi nghiệp nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Một số công ty PropTech trong nước được thành lập và khá phổ biến trong giới bất động sản đang trên đà phát triển nhanh chóng.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp PropTech đã liên tục ra mắt thị trường. Cụ thể, đầu tháng 4 ứng dụng Đất Vàng Việt Nam do Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản và Công nghệ Đất Vàng Việt Nam phát triển đã công bố ra mắt và nhận khoản đầu tư 500.000 USD từ Tập đoàn SGROUP. Được biết, đây là một ứng dụng tra cứu dữ liệu liên thông về quy hoạch - dự án - giá đất lần với những công nghệ như GIS, Virtual Tour 360 độ, thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR)...Trong 3 năm tới, Đất Vàng đặt mực tiêu trở thành nền tảng mua bán bất động sản trực tuyến.
Trước đó, trong tháng 1/2022 Công ty Cổ phần ECOE Việt Nam cũng đã chính thức ra mắt nền tảng giao dịch bất động sản cùng tên ECOE với nhiều tính năng chuyên biệt, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng môi trường giao dịch dễ dàng, nhanh chóng, an toàn cho người có nhu cầu mua và ký gửi bất động sản tại Việt Nam. Hay ứng dụng Meey CRM - một ứng dụng được thiết kế chuyên biệt dành cho nhà môi giới bất động sản cũng đã được chính thức ra mắt hồi cuối năm 2021.
Ngoài ra, còn phải kể đến hàng loạt ứng dựng bất động sản được ra mắt giai đoạn Covid-19 vừa qua như ứng dụng Propcom kết nối cộng đồng bất động sản - công nghệ - tài chính; ứng dụng công nghệ Gaapnow dành cho các chủ doanh nghiệp gặp khó khăn phải thanh lý tài sản; ngân hàng phát mại tài sản, ứng dụng Meey Land nền tảng cho thuê mua bán nhà ...
Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Công nghệ CTCP Đầu tư Bất động sản và Công nghệ Đất Vàng Việt Nam cho biết, có một điều dễ thấy là sau tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến giãn cách xã hội trở thành điều cấp thiết thì công nghệ số đã chứng minh được ưu điểm của mình trong việc quảng bá sản phẩm, kết nối thông tin, nhu cầu và tăng sự tương tác giữa chủ đầu tư với khách hàng. Sự ra đời của các ứng dụng bất động sản là tất yếu và sẽ còn nở rộ trong thời gian tới.
Dự báo bức tranh PropTech trong tương lai sẽ tươi sáng nhờ vào tỷ lệ dân số trẻ, am hiểu công nghệ. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư luôn sẵn sàng đổ vào các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam. Trong khi không nhiều chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động thông minh. Đây là thời điểm tốt dành cho các chủ đầu tư nhỏ hơn hoặc mới gia nhập thị trường định vị thương hiệu với mô hình này.
Theo JLL, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp, giúp các công ty mới dễ dàng thâm nhập thị trường công nghệ. Chi phí từ đó sẽ giảm khi có nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường trong nước. Để proptech thật sự phát triển, Việt Nam cũng cần nâng cấp chất lượng kết nối mạng.
Nam Anh