Kết quả điều tra đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh lớn bậc nhất từ trước đến nay do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)tài trợ vào tháng 12/2023, cho thấy quần thể của nhiều loài động vật rừng quan trọng không được ghi nhận và có thể đã suy giảm do việc bẫy bắt vẫn phổ biến trên diện rộng.
Vì vậy, để ngăn chặn nạn săn bắt trái phép, lực lượng kiểm lâm thuộc VQG Vũ Quang thường xuyên tổ chức các đội tuần tra rừng, tìm kiếm và tháo gỡ bẫy thú được lắp đặt bất hợp pháp.
13 ngày trong một tháng "bám rừng" bảo vệ động vật hoang dã
Theo lãnh đạo VQG Vũ Quang Nguyễn Danh Kỳ: Thời gian vừa qua, VQG Vũ Quang được dự án VFBC tài trợ rất nhiều chương trình hoạt động và hỗ trợ nâng cao năng lực các hoạt động từ cơ sở vật chất cho đến các trang thiết bị. Đặc biệt dự án VFBC đã hỗ trợ cho Vườn thành lập hai tổ tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng (gọi tắt là CPT). Và để phát huy tối đa hiệu quả thì đến năm 2023, Vườn đã kiện toàn hai tổ, giúp cho việc thường xuyên giữ được thời gian 13 ngày trong một tháng ở trong rừng phục vụ cho việc tháo gỡ các bẫy còn sót lại trong rừng, đặc biệt là việc tăng cường các trọng điểm nhằm hỗ trợ cho Vườn trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng như công tác bảo vệ động vật hoang dã.
Các tổ CPT gồm có các cán bộ của VQG Vũ Quang và các thành viên của cộng đồng địa phương, được đào tạo về kỹ năng tuần tra, tháo gỡ bẫy, cứu hộ động vật và kiến thức pháp luật bảo vệ rừng. Nhiệm vụ của những đội CPT của VQG Vũ Quang là liên tục thực hiện những chuyến tuần tra dài ngày xuyên khu rừng, tìm kiếm, tháo gỡ bẫy thú và giải cứu động vật hoang dã. Các loại bẫy thú thường gặp ở đây như bẫy dây rút, bẫy lưới, bẫy kẹp…; trong đó phổ biến nhất là bẫy dây rút vì loại này đơn giản, dễ lắp đặt trong rừng. Các bẫy này không chỉ gây tổn thương và chết các động vật hoang dã, mà còn làm giảm đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái của khu vực.
Hoạt động tuần tra và tháo gỡ bẫy tại VQG Vũ Quang đạt được nhiều kết quả tích cực
Thông qua hoạt động tuần tra, VQG Vũ Quang đã thu được 518 bẫy các loại, phát hiện và phá hủy 8 lán trại trái phép. Các tổ CPT dù mới bước đầu thành lập và vận hành nhưng hiệu quả hết sức khả quan. Ngoài mục tiêu giảm thiểu mối đe dọa đa dạng sinh học từ bẫy thông qua nỗ lực tuần tra dựa vào cộng đồng thì các tổ CPT còn giải quyết được thực trạng thiếu nhân lực kiểm lâm của VQG Vũ Quang trong công tác tuần tra bảo vệ rừng tại khu vực, đồng thời tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư vùng đệm, cũng như tuyên truyền phổ biến ý thức bảo vệ động vật hoang dã nói riêng, bảo tồn đa dạng sinh học tới cộng đồng và chính quyền sở tại.
Thời gian qua, thông qua các hoạt động tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn các loài vật quý hiếm, VQG Vũ Quang đã giúp nhiều đối tượng như: cộng đồng dân cư vùng đệm, các em học sinh, sinh viên… hiểu rõ hơn ý nghĩa tầm quan trọng của công tác cứu hộ, bảo vệ và phát triển động vật hoang dã.
Nhờ đó mà công tác tuần tra, tháo gỡ bẫy tại VQG Vũ Quang đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học, nâng cao giá trị của hệ sinh thái Vườn di sản ASEAN. Tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, như nguồn lực hạn chế, diện tích rừng rộng lớn, sự phức tạp của các bẫy và các đối tượng săn bắt. Do đó, cần có sự hợp tác và hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, cũng như sự đồng lòng và chung tay của cộng đồng và xã hội trong việc bảo vệ VQG Vũ Quang, một di sản thiên nhiên quý giá của đất nước.
Vườn Quốc gia Vũ Quang được thành lập theo quyết định số 102/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 30-7-2002, được công nhận là "Vườn Di sản ASEAN" năm 2018, nằm trên địa bàn các huyện Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), hiện quản lý, bảo vệ 57.029,84 ha rừng và đất lâm nghiệp.
Đây là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều nguồn gen rất giá trị cho công tác bảo tồn. Trong đó, có nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, có tên trong danh mục sách đỏ IUCN và sách đỏ Việt Nam, cần được ưu tiên bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt.