(Tổ Quốc) - Sự sụt giảm trong định giá ByteDance đã khẳng định tâm lý tiêu cực xoay quanh những gã khổng lồ công nghệ tại đại lục.
Theo Bloomberg, ByteDance, công ty mẹ TikTok trong những tuần gần đây đã tuột mốc 300 tỷ USD vốn hóa, giảm ít nhất 25% so với mức định giá hồi năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà đầu tư đã rút phần lớn tiền mặt ra khỏi gã khổng lồ truyền thông xã hội sau đợt IPO hạ nhiệt.
Sự sụt giảm đã khẳng định tâm lý tiêu cực xoay quanh những gã khổng lồ công nghệ tại đại lục - những cái tên vốn đã phải vật lộn trong xu hướng lao dốc chung của giới Big Tech cũng như cuộc đàn áp siết chặt kiểm soát của chính phủ.
Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào Trung Quốc sụt giảm, trong khi cổ phiếu gã khổng lồ Internet Tencent và thương mại điện tử Alibaba lần lượt mất 24% và 13% giá trị kể từ đầu năm. Kế hoạch IPO của ByteDance, vốn được coi là một trong những sự kiện được mong đợi nhất của ngành công nghệ, theo đó khó có thể diễn ra cho đến khi thị trường toàn cầu dần ổn định.
ByteDance, giống như nhiều đối thủ khác, đã buộc phải cắt giảm một số dự án mở rộng rủi ro hơn dưới sự giám sát chặt chẽ. Trong tháng 6, một studio phát triển trò chơi đã buộc phải giải thể sau gần 3 năm hoạt động tại Thượng Hải, với hơn 100 nhân sự sa thải. Được biết studio phát triển trò chơi này có tên 101 Studio, từng là một trong số ít các công ty phát triển game quan trọng được ByteDance đặt cược trong nỗ lực mở rộng lĩnh vực kinh doanh.
Công ty mẹ TikTok tuột mốc định giá 300 tỷ USD sau màn IPO thất bại
Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này hiện đang gặp một số vấn đề về nội dung và giấy phép và trước đó cũng từng cắt giảm một số dự án trò chơi nhỏ lẻ. Sự gián đoạn trong việc phê duyệt các trò chơi mới bắt đầu từ mùa hè 2021 còn khiến ByteDance buộc phải giảm quy mô hoạt động một đơn vị phát triển game.
Trong tháng này, Louis Yang, nhà đồng sáng lập Musical.ly, ứng dụng được ByteDance mua lại vào năm 2017 và hợp nhất với TikTok, cũng đã quyết định nghỉ việc sau thời gian dài cống hiến.
Trước đó, nhiều quỹ đầu tư đã đẩy mạnh rót vốn vào những công ty công nghệ tư nhân với kỳ vọng có thể hưởng lợi từ việc định giá cùng thị trường IPO bùng nổ. Giờ đây, họ đang phải vật lộn trong thế khó, khi thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc còn các nhà đầu tư quay lưng lại với những trò chơi tăng trưởng rủi ro.
Tuy nhiên, xét cho cùng, ByteDance vẫn là một trong những công ty công nghệ toàn cầu nhất của cả nước. Chỉ riêng TikTok, ứng dụng video ngắn của gã khổng lồ này, đã dự kiến mang về 12 tỷ USD doanh thu trong năm nay, nhiều hơn cả Snap và Twitter cộng lại.
Các nhà đầu tư đã rút phần lớn tiền mặt ra khỏi gã khổng lồ truyền thông xã hội ByteDance, công ty mẹ TikTok
Trong khi đó, Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc thuộc sở hữu của công ty mẹ ByteDance cũng vừa tuyên bố thử nghiệm tính năng giao đồ ăn nhanh mới ngay trên nền tảng, trong bối cảnh nền kinh tế địa phương bắt đầu phục hồi hậu phong tỏa do COVID-19. Theo các chuyên gia, động thái trên đánh dấu bước đột phá thứ hai của Douyin trong lĩnh vực giao đồ ăn, một thị trường gần như được thống trị hoàn toàn bởi Meituan và Alibaba.
Được biết Tiger Global bắt đầu đầu tư vào Bytedance vào năm 2018 với mức định giá kết hợp 35 tỷ USD. Cổ phần cũng nằm trong quỹ đầu cơ của Tiger Global, nhưng đã giảm 50% tính đến tháng 6 năm nay. Các nhà đầu tư đáng chú ý khác bao gồm KKR & Co. và Sequoia Capital - hai cái tên dẫn đầu vòng gọi vốn hồi năm 2020.
Theo: Bloomberg
Vũ Anh