(Tổ Quốc) - Doanh thu tài chính của Vefac lên cao nhất từ trước đến nay, nhưng lợi nhuận quý 2 của công ty lại giảm so với cùng kỳ, do xuất hiện khoản "chi phí khác" trị giá 42 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (Vefac) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 với lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự các quý trước, Vefac gần như không có doanh thu. Kết quả kinh doanh của công ty chủ yếu đến từ hoạt động tài chính với doanh thu 123 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trong quý 2 vừa qua, công ty bất ngờ ghi nhận khoản "chi phí khác" 42 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước và sau thuế giảm so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng 2022, Vefac đạt lợi nhuận sau thuế 141 tỷ đồng, tăng 10% so với nửa đầu năm 2021.
Trên bảng cân đối kế toán, Vefac cho biết lượng tiền mặt đã giảm mạnh so với đầu năm, xuống chỉ còn 808 tỷ đồng (đầu năm hơn 1.300 tỷ đồng).
Ngược lại, các khoản phải thu về cho vay ngắn hạn tăng thêm 400 tỷ đồng, lên gần 3.500 tỷ đồng.Theo Vefac, đây là các khoản cho các đối tác doanh nghiệp vay với lãi suất 9%/năm và được đảm bảo.
Ngoài ra, giá trị chứng khoán kinh doanh của Vefac tăng gần 100 tỷ đồng, lên 1.641 tỷ đồng. Đây là các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có thời gian thu hồi 3 tháng đến 1 năm với lãi suất từ 7-8%/năm.
Trong cơ cấu nguồn vốn, Vefac vẫn đang ghi nhận khoản tiền 4.900 tỷ đồng do Vingroup ứng trước tiền góp vốn. Được biết, dự án tại 148 Giảng Võ đã có chủ trương chuyển đổi làm trung tâm dịch vụ thương mại, dịch vụ, văn hoá. Trước đó, dự án này được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại khu đất 6,8 ha, với quy mô 10 tòa chung cư cao 50 tầng.
Giá trị vay nợ của Vefac trong quý 2 tăng lên hơn 200 tỷ đồng. Trong đó vay nợ ngắn hạn không đổi (713 tỷ đồng) và vay nợ dài hạn tăng từ 687 tỷ đồng lên 892 tỷ đồng. Đây là các khoản vay ngân hàng Techcombank với lãi suất 8,6% cho năm đầu, sau đó thả nổi.
Hà My