(Tổ Quốc) - Công ty phá sản, ngân hàng siết nợ, vị chủ tịch lẫy lừng một thời lâm vào tình thế ''quẫn bách'', phải ra đường nhặt rác, xin ăn để sống qua ngày.
Mạng xã hội Trung Quốc gần đây đang lan truyền câu chuyện một tổ chức phi lợi nhuận có tên "Let Love Come Home" làm cầu nối đưa một người đàn ông vô gia cư lớn tuổi ở thành phố Thâm Quyến trở về với gia đình ở Sơn Đông.
Trước đó, đoạn video về người đàn ông này của tổ chức trên đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Những hình ảnh trên video cho thấy họ phát hiện ra ông cụ đầu tóc bù tóc rối đang run rẩy vì lạnh nhưng vẫn cặm cụi nhặt rác, xin ăn ở công viên Thâm Quyến, Quảng Đông.
Qua nhiều lần thăm hỏi, danh tính của ông cụ cũng dần được hé lộ. Theo đó, ông tên là Khương Nguyên Trần, năm nay 75 tuổi, đến từ Yên Đài, Sơn Đông. Trước khi phải sống cảnh màn trời chiếu đất, ông từng là một doanh nhân tiếng tăm lẫy lừng trên chốn thương trường.
Quá khứ thành công, bỏ quên vợ con ở quê nhà để "bay xa"
Vào những năm 1990, ông Khương Nguyên Trần từng mở công ty chuyên về lĩnh vực may mặc ở thành phố Yên Đài. Làm ăn thuận lợi, ông tiếp tục mở rộng việc kinh doanh sang đặc khu kinh tế Hong Kong, thành lập Tập đoàn Shenglong Hong Kong và sau đó gây dựng một công ty khác có tên Công ty thực phẩm Shenglongfa ở Thâm Quyến.
Tỷ phú Khương Nguyên Trần ngày còn là doanh nhân thành đạt. Ảnh: Sohu
Vào thời điểm phát triển nhất, giá trị tài sản ròng của chủ tịch này lên tới hơn 100 triệu NDT ( hơn 15 triệu USD), công ty của ông có hàng nghìn nhân viên. Thậm chí, ông còn có ý định mở rộng thị trường sang Nội Mông và những khu vực khác. Giàu có là thế, bên cạnh ông cũng có những bóng hồng vây quanh, đó cũng là lý do từ lúc sang Hong Kong, tỷ phú này tuyệt giao với gia đình ở quê nhà.
Tuy nhiên, con đường kinh doanh tưởng chừng rộng mở này lại bắt đầu gặp sóng gió khi năm 2007, các công ty do ông Khương làm đại diện bị liệt vào danh sách "Doanh nghiệp không trung thực". Từ đó, các sản phẩm bị hạn chế tiêu thụ, không lâu sau đó một số công ty bị thu hồi giấy phép kinh doanh nên việc làm ăn cũng trở nên khó khăn hơn.
Khương Nguyên Trần sau khi phá sản và phải lang thang nhặt rác kiếm sống. Ảnh: Sohu
Trước đó, vì để mở rộng kinh doanh mà doanh nhân này đã vay vốn ngân hàng. Xui rủi thay, do bị nhà cung cấp nợ nên dây chuyền vốn bị phá vỡ, tỷ phú họ Khương đi đòi nợ khắp nơi nhưng không tìm được ai và rơi vào tình trạng nợ nần, cuối cùng bị phá sản.
Có thông tin cho rằng khi công ty đang ở đỉnh cao, tỷ phú này đã mở rộng quá mức và cuối cùng bị phá sản do quản lý yếu kém. Do cắt đứt quan hệ với gia đình từ khi chuyển tới Hong Kong làm ăn, thế nên khi rơi vào cảnh bần cùng, ông Khương không còn ai để nương tựa, trở thành người vô gia cư.
Đến cuối cùng, nhà vẫn là nơi để trở về
Người dân ở khu vực Thâm Quyến cho biết, từ năm 2020, ông Khương hằng ngày đều lang thang trên phố nhặt phế liệu từ các thùng rác để bán hoặc xin ăn, chất đống đồ nhặt được rồi dựng thành lều ở tạm thời, ban đêm ông ngủ trên ghế dài ở công viên.
Để giúp đỡ người đàn ông khốn khổ, các tình nguyện viên đã cố gắng liên lạc với người nhà của ông với hy vọng có thể giúp ông trở về đoàn tụ cùng gia đình. Tuy nhiên, người vợ già bệnh tật nay đã 70 tuổi từ chối đón ông về vì nỗi đau bị phản bội vẫn chưa hề nguôi ngoai sau bao nhiêu năm tháng. Bà cho biết: "Hơn 20 năm rồi ông ấy bỏ mặc mẹ con tôi. Ông ấy đáng thương còn tôi thì không đáng thương sao?"
Khương Nguyên Trần ngày trở về đoàn tụ cùng gia đình. Ảnh: cwyan.com
Tuy nhiên, ngày 21/1 vừa qua, nhóm tình nguyện viên của tổ chức phi chính phủ đã đưa ông Khương về nhà bằng tàu hỏa, ông được con trai và con rể ra đón. Con trai ông cho biết đã từng liên lạc với ông vài năm trước nhưng sau đó bị mất liên lạc, anh chưa từng nghĩ đến việc bố mình phải khổ sở như vậy trong suốt 2 năm qua và bày tỏ mong muốn : "Bây giờ mọi thứ đã trôi qua. Chúng tôi không muốn bị chuyện bên ngoài quấy rầy thêm nữa".
Sau tất cả, kẻ lang bạt nhiều năm cũng đã trở về nhà, đúng sai đều đã qua, kẻ lầm lỡ cũng đã phải trả giá cho những việc năm xưa đã làm. Khoảnh khắc ngày trở về chứa nhiều tủi hờn nhưng cũng thật đầm ấm, không còn ai đúng ai sai mà chỉ còn lại tình thương của những người chung một dòng máu sưởi ấm cho nhau bù đắp những năm tháng xa rời.
(Tổng hợp: Nguồn: Sohu, gua.media)
Ánh Lê