(Tổ Quốc) - Cricket One tự nhận họ không đơn thuần là trại nuôi dế, mà họ là một công ty khởi nghiệp FoodTech đang vận hành cả một chuỗi giá trị thực phẩm. Cho tới thời điểm này, startup này đã đổ ra hơn 1 triệu đô để xây dựng chuồng trại - hệ thống công nghệ - nhà máy sản xuất chế biến dế ra các nguyên liệu cho ngành thực phẩm và thức ăn chó mèo.
Các lãnh đạo trẻ của Cricket One khá có tiếng trong giới khởi nghiệp, nhưng lại rất kín tiếng với số đông công chúng. Bởi thị trường chủ đạo của Cricket One nằm ở nước ngoài và đi theo kênh B2B, họ chưa từng nhận lời phỏng vấn bằng tiếng Việt. Lần gặp gỡ với chúng tôi trong serie Khởi nghiệp 0-1 sau đây cũng là lần đầu tiên Cricket One chính thức lộ diện trước truyền thông trong nước!
5 năm đắng cay ngọt bùi của Cricket One đã hiện ra một cách sống động qua lời chia sẻ của Bicky Nguyen – Co-Founder kiêm Business Development Director của startup này.
Lịch sử và cơ duyên nào khiến Cricket One được ra đời?
Lịch sử thành lập của Cricket One không có mơ mộng hão huyền, không có lãng mạn, mà từ những lý do vô cùng thực tế. Mình thấy thị trường hổng cái gì thì mình ‘trám’ vào cái đó.
Cricket được thành lập bởi 2 người là Nam Đặng và tôi – Bicky. Cả hai đều có nền tảng về kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính…chứ không có liên quan gì về nông nghiệp hoặc kinh tế bền vững.
Trước khi làm Cricket One, 2 đứa từng cùng hợp tác trong 1 startup khác. Startup đó tập trung vào việc làm sao có thể tối ưu hóa việc canh tác nông nghiệp, không lãng phí nước và lãng phí những nguồn lực khác như phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi. Công ty này được tôi cùng với Nam và một vài bạn nữa sáng lập.
Nhưng sau một thời gian thì tôi và Nam quyết định thoái vốn, để tìm một cơ hội khác. Khi ra khỏi công ty đó, chúng tôi mới bắt đầu suy nghĩ mình sẽ làm gì tiếp theo.
Sau khi Nam và tôi ngồi lại suy nghĩ, chúng tôi cùng đúc rút với nhau: kinh tế thế giới hiện có 4 ngành sẽ luôn luôn có vấn đề cần xử lý, đó là Nước, Năng lượng, Sức khỏe – y tế và Thực phẩm. Tuy nhiên, nói như vậy thì vẫn rất chung chung!
Soi chiếu cụ thể hơn, chúng tôi nghĩ nếu thiếu thực phẩm thì không thể làm được gì hết. Hiện tại, việc thế giới khan hiếm lương thực đến từ nhiều lý do: biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi – trồng trọt. Vậy làm sao để sử dụng các tài nguyên cho hiệu quả? Rồi nguồn thức ăn hiện tại có thực sự giàu dinh dưỡng hay không?
Câu chuyện ra đời của Cricket One.
Cũng tại thời điểm đó, tôi và Nam vô tình đọc được bài báo liên quan đến vấn đề khủng hoảng lương thực, trong đó nói: đến 2050 thế giới cần gấp đôi lượng đạm đang sử dụng trong hiện tại, để đáp ứng nhu cầu của con người. Sau khi cả hai đọc xong liền nghĩ: đây có thể là một ‘lỗ hổng’ hay vấn đề mà mình có thể giải quyết.
Tiếp theo, chúng tôi cùng đọc thêm một báo cáo khác về dinh dưỡng đạm đến từ côn trùng. Sau khi nghiên cứu báo cáo đó xong, chúng tôi ngồi lại trao đổi và thống nhất đây là vấn đề đáng quan tâm. Tuy nhiên, ngay lúc ấy thì vẫn không biết mình sẽ quan tâm đến đâu. Chúng tôi quyết định dành thêm 1 đến 2 tuần về nhà tiếp tục nghiên cứu.
Buổi tối đó về nhà, sau khi uống vài ly bia và đọc tài liệu, sáng hôm sau tôi liền gọi Nam và nói: “Thôi chúng ta cùng nhau làm!”. Quyết định khởi sự Cricket One đã diễn ra nhanh gọn lẹ như vậy! Cricket One bắt đầu làm R&D giữa 2016, tới giữa 2017 chúng tôi lập công ty. Tính đến tháng 6 này, Cricket One vừa tròn 5 năm. Còn nếu tính cả quá trình R&D thì hơn 5 năm.
Những dự án khác có những khoảnh khắc kiểu Eureka, nhưng Cricket One không có. Chúng tôi có cách tiếp cận khác.
Vậy là thời gian đầu thử nghiệm của Cricket One không chỉ thử nuôi có mỗi dế?
Thật ra thời điểm bắt đầu làm R&D, con côn trùng gì cũng được đem thử, chỉ cần con vật đó được đề cập trong báo cáo mà chúng tôi đã đọc. Ví dụ như ruồi lính đen, sâu gạo, con dế, cào cào, châu chấu…
Sau khi thử nghiệm nuôi rất nhiều con, thì chúng tôi có một báo cáo nội bộ để đánh giá hiệu quả vật nuôi ra sao, những yếu tố cụ thể ảnh hưởng đến vật nuôi, thị trường hiện tại đang như thế nào, cảm nhận người dùng có thân thiện hay không…
Và quan trọng nhất là vấn đề pháp lý. Vì Việt Nam là một nước nông nghiệp nên Bộ luật nông nghiệp cũng phong phú và dày lắm! Chúng tôi phải coi cái mình định làm có hợp pháp hay không, luật có cho phép hay không, chế tài như thế nào?
Sau tất cả, kết luận được rút ra là: con dế là khả thi nhất! Khi nhìn vào con dế, chúng tôi thấy thị trường rất rộng lớn. Hiện tại, đã có 1,6 tỷ người trên thế giới ăn dế, chúng tôi cứ lấy 1,6 tỷ người đó giới thiệu cho nhiều người khác. Dế không chỉ làm thực phẩm cho con người, mà còn làm thức ăn cho cả chó mèo.
Hiện tại, tất cả hoạt động sản xuất của Cricket One đều ở Việt Nam?
Đúng vậy. Như các startup khác – nhất là trong mảng nông nghiệp, hành trình khởi nghiệp của chúng tôi cũng hết sức gian truân, đã trải qua rất nhiều lần thử - sai - làm lại, để ra được công nghệ cuối cùng như ngày hôm nay.
Chúng tôi đã mời rất nhiều giáo sư, tiến sỹ đầu ngành ở Việt Nam như ở Đại học Nông Lâm – Bách Khoa và các chuyên gia bên Hà Lan sang hỗ trợ dự án. Thậm chí Cricket One còn mời giáo sư đã viết báo cáo kể trên cho Tổ chức Lương thực thế giới, để nhờ ông làm mentor cho mình.
Chúng tôi không muốn nuôi dế theo cách mà thế giới đang nuôi, theo kiểu ‘easy get go’, cái gì đang sẵn có thì cứ dùng rồi tính tiếp.
Chúng tôi cho rằng nếu đã muốn giới thiệu một nguồn lương thực mới mà mình gọi là bền vững, thân thiện môi trường, thì mình không được dùng quá nhiều năng lượng và nguồn nguyên liệu đầu vào trong quá trình nuôi trồng, không được tạo ra sự cạnh tranh với những con vật khác.
Ví dụ: dế thật ra ăn gì cũng được, nó là động vật ăn tạp. Khi nuôi dế, nếu dùng cám heo, bò gà cho nó ăn thì không khác nào đi cạnh tranh với ngành chăn nuôi truyền thống. Nếu nuôi dế cho vui thì cho nó ăn gì cũng được, còn nếu nuôi thâm canh thật hiệu quả, thì phải hiểu nó cần cái gì.
Cũng như các vật nuôi khác như heo - bò - gà, con dế cũng có những giai đoạn phát triển nhất định, chúng tôi phải hiểu từng giai đoạn nó cần gì nhất.
Như trong giai đoạn đầu lúc bé, dế non không thể ăn thứ gì khó tiêu hoặc nhiều năng lượng, nó cần tăng biomap nên chúng tôi sẽ cho nó ăn nhiều đạm. Giai đoạn tiếp theo, con dế thích khám phá thế giới chung quanh, cần cho nó nhiều năng lượng. Gòn giai đoạn gần thu hoạch, chúng làm sao để cho con dế ăn làm sao để thu hoạch hiệu quả.
Giờ đây các bạn đã thành nhà ‘dế học’ chưa?
Với heo - bò - gà, người ta cần một quá trình nghiên cứu và thử nghiệm từ 50 đến 60 năm mới ra một quy trình nuôi hiệu quả; trong khi ngành dế khá mới.
Cricket One không tự gọi mình là ‘chuyên gia về dế’, nhưng so với các bạn cùng ngành, Cricket One đang nuôi cho ra hiệu quả cao nhất. Cụ thể, chúng tôi đang có vòng đời nuôi ngắn nhất, lượng thức ăn đầu vào hiệu quả nhất – ví dụ như cùng một lượng thức ăn đầu vào thì Cricket One cho ra lượng dế cao nhất, lượng năng lượng/nước chúng tôi dùng rất hiệu quả - thậm chí là không đáng kể.
Ở các công ty nước ngoài như ở châu Âu, quy trình nuôi của họ trong khoảng 70 ngày, thậm chí kéo dài 3 tháng đến 4 tháng, còn Cricket One thì tối đa 45 ngày.
Đã có nhiều báo đài chuyên ngành cho rằng, chính Cricket One là người đứng ra đặt tiêu chuẩn cho ngành dế. Ví dụ để được gọi là đạm dế thì độ đạm phải bao nhiêu phần trăm, để được gọi là bột dế thì độ ẩm phải bao nhiêu phần trăm – tối thiểu và tối đa, kích thước hạt bột là bao nhiêu… Những cái đó chúng tôi đều phải chuẩn hóa.
Vậy khi nào Cricket One chính thức bán thương mại? Đơn hàng đầu tiên đó có giá trị bao nhiêu?
Cricket One bắt đầu bán thương mại giữa 2018 và bắt đầu bán mạnh là vào 2019 và 2020. Đơn hàng đầu tiên được bán cho một công ty ở Anh, người ta mua bột dế nhằm trộn với bột mì để làm bánh mì, bánh phô mai và bánh crepe…
Đơn hàng đầu tiên có khối lượng gần nửa tấn, có giá trị là 4.800 bảng tức tầm 6.000 USD. Lúc đó chúng tôi mừng lắm. Cái khó của ngành sản xuất Việt Nam là bị dán nhãn ‘third country production’ – ‘sản phẩm từ nước đứng thứ 3’, tức sản phẩm luôn rẻ nhưng chất lượng không cao. Bởi vậy, khi Cricket One mang bất cứ sản phẩm nào đi chào hàng đều phải cố gắng và phấn đấu nhiều hơn đối thủ gấp 3-4 lần.
Vậy nên, quy trình vận hành của mình phải sạch, dễ kiểm soát… để có thể tạo ra kết quả cuối cùng tối ưu nhất. Chúng tôi luôn cố gắng từng ngày để tốt hơn!
Nhà sáng lập Cricket One nói về việc kinh doanh những ngày đầu tiên.
Vậy khách hàng đó tìm đến với Cricket One hay ngược lại?
Ngày xưa vui lắm chị. Lý do bây giờ Cricket One có nhiều dòng sản phẩm là rút kinh nghiệm từ những bài học từ ngày đó. Ngày xưa chúng tôi nghĩ: mình nuôi dế xong rồi nghiền ra bột mang đi bán là được. Thật ra là mơ mộng! Lúc đó, chúng tôi đi chào khách hàng, khi khách hàng mở bịch bột ra mà chúng tôi nhìn còn không muốn thử, thì làm sao khách hàng muốn thử?!
Vậy nên, team nhận ra mình phải bán cái người ta cần thì sẽ dễ hơn. Sau đó, Cricket One đi ngược quy trình bán hàng một chút. Ví dụ: chúng tôi muốn tiếp cận khách hàng chuyên về sản xuất sản phẩm dành cho việc ăn sáng – như bánh ăn với sữa, thì với loại bánh đó, nếu dùng bột nguyên dầu, người ta không thể nào ép dính lại được, mình phải làm cho bột dế mịn hơn. Mà muốn bột dế mịn hơn thì mình cần phải làm gì?
Với những khách hàng khác nhau sẽ có những quy trình sản xuất sản phẩm khác nhau. Với những khách hàng chuyên dùng bột dế để phối trộn làm ra các sản phẩm chuyên để nhiệt nướng thì phải có một tiêu chuẩn bột riêng, khách hàng dùng bột dế cho sản phẩm trục ép, làm ra nước hoặc chocolate thì sẽ khác nhau.
Vậy là nuôi dế không chỉ hiểu về con dế, mà còn phải hiểu về các nguyên liệu khác trong ngành thực phẩm, quy trình chế biến…?
Ngay từ đầu Cricket One luôn trăn trở: nuôi dế ra rồi thì bán cho ai? Do đó, chúng tôi không định vị mình là trại nuôi dế mà là một FoodTech – công ty về thực phẩm công nghệ. Rồi sau này mình sẽ upgrade lên thành BioTech.
Vì rõ ràng mình đang giới thiệu ra thị trường giống vật nuôi mới, thì mình phải thật sự am hiểu nó và làm sao để những sản phẩm đầu cuối mà khiến người ta có thể sử dụng được.
Thị trường chính của Cricket One ở thời điểm hiện tại?
Hiện tại, Cricket One bán cả bột dế (4 loại) để làm nguyên liệu cho các loại thực phẩm và dế nguyên con để làm snack ăn vặt. Chúng tôi bán chủ yếu qua kênh B2B và thị trường chính vẫn ở nước ngoài. Hiện sản phẩm của Cricket One đã bán ra 20 nước.
Còn nếu nói về khả năng mở rộng và quy mô sản xuất, nếu chúng tôi không đứng trong top 3 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, thì không ai xứng cả!
Thị trường lớn nhất của Cricket One là Mỹ, size trung bình của một đơn hàng thường là 1 container 20 feet, dao động từ 5 đến 7 tấn. Thị trường châu Âu thì chúng tôi mới đi đây thôi. Thật ra tư duy tiếp nhận sản phẩm mới ở thị trường Mỹ cởi mở hơn châu Âu.
Châu Âu là một thị trường rất khó tính và Cricket One vẫn đang cố tiếp cận. Tuy nhiên, với thành tựu mới nhất, chúng tôi tin sẽ bán được nhiều hàng hơn vào châu Âu trong tương lai.
Hiện tại, doanh thu của thị trường châu Âu chiếm 30%, Mỹ 60% và 10% là Nhật Bản. Còn thị trường Việt Nam chỉ có 0,0001% nên không tính. Hiện Cricket One sắp có 1 đối tác lớn tại Việt Nam, nhưng vì chưa ký nên chưa tính. Cricket One đang có kế hoạch marketing ở thị trường Việt Nam, nhưng tất nhiên vẫn là kênh B2B.
Tư duy của thị trường Việt Nam mình khá khó khăn với người tiên phong, nhưng chỉ cần thị trường thế giới chấp nhận sản phẩm đó, khi quay lại trong nước sẽ dễ dàng hơn. Nếu cố gắng "educate" (giáo dục khách hàng) thị trường Việt Nam chắc Cricket One sẽ hết tiền nhanh!
Cricket One đã đầu tư cho nhà xưởng – trang trại – công nghệ hết bao nhiêu tiền rồi?
Chắc cũng phải triệu đô! Mình làm nhiều với khách hàng khó tính, thì phải có tiêu chuẩn cao mà muốn đạt các tiêu chuẩn cao thì cơ sở sản xuất của mình phải có những đầu tư nhất định; như hệ thống máy móc hiện đại, đèn điện sáng sủa, nền cũng phải sạch sẽ… Để sản xuất nguyên liệu bột dế chất lượng cao, Cricket One phải mua sắm máy móc phải hiện đại chứ không thể lạc hậu được.
Ngược lại, muốn ‘nguyên liệu đầu vào sao đầu ra vậy’, thì chuồng trại cũng phải đàng hoàng và quy mô lớn. Muốn cạnh tranh được với toàn cầu thì phải có nguồn lực vững chắc.
Về các loại chứng nhận, Cricket One đã có chứng nhận FSSC22000, đây là chứng nhận ngặt nghèo nhất thế giới về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Cricket One có chứng nhận FDA để đi Mỹ.
Tin vui mới nhất xin được chia sẻ là Cricket One vừa có giấy chứng nhận – là doanh nghiệp thứ 2 trong ngành dế, có thể bán sản phẩm cho toàn châu Âu và chúng tôi là đơn vị duy nhất không ở châu Âu. Các sản phẩm có nguồn gốc động vật từ Việt Nam xuất đi châu Âu, ngoài thủy hải sản ra, giờ có thêm dế của Cricket One.
Để đạt được thành tựu này, Cricket One mất 2,5 năm. Bắt đầu từ năm 2018, CricketOne đã có rất nhiều cuộc trao đổi với Cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm châu Âu để chứng minh mình xứng đáng. Cricket One đã phải cung cấp rất nhiều bằng chứng - báo cáo - phân tích. Theo đó, Cricket One phải làm việc với bên thứ ba như các chuyên gia hoặc phòng thí nghiệm, rồi cả team phải dồn sức nghiên cứu, thu thập số liệu. Vì ngành này mới, không có sẵn số liệu, nên chúng tôi đều phải tự nghiên cứu. Chúng tôi cũng không chỉ làm nghiên cứu về đạm, mà còn về vi dinh dưỡng hay khi sản phẩm dế vào cơ thể con người thì nó sẽ có tác dụng ra sao. Những công việc đó phải đầu tư rất nặng!
Nói chung, muốn có một chuỗi từ nuôi trồng – chế biến – ra sản phẩm có thể sờ mó được, thì đầu tư không thể nhẹ.
Vậy hẳn Cricket One vượt qua 2 năm Covid-19 cũng khá nhẹ nhàng?
Rất may là 2 năm đầu Covid, Cricket One không bị ảnh hưởng nhiều. Năm 2020, Cricket One đạt điểm hòa vốn và đến 2021 thì bắt đầu có lời. Trong năm 2021, Cricket One chế biến khoảng 120 tấn dế. Năm nay, dự định sản lượng của công ty sẽ gấp 3 lần, nhưng với những gì đã diễn ra trong vài tháng qua, có thể gấp 5 lần.
Trong ngành sản xuất, không ai xây nhà máy chỉ để đáp ứng nhu cầu thị trường ở hiện tại, mà phải tính toán cho tương lai. Nếu mỗi năm chúng ta lại xây mới thì chết! Về phần trang trại, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng và sẽ tuyển dụng thêm nông dân trong thời gian sắp tới.
Dự định tương lai của Cricket One.
Mục tiêu tương lai của Cricket One là gì? Doanh nghiệp sẽ đi tới đâu?
Thì vẫn là ‘kỳ lân’ chứ (Cười). Nói đùa chứ thật ra tầm nhìn của Cricket One là xây dựng một doanh nghiệp giống như Nestle, Kraft, Masan… tức chuyên cung cấp các giải pháp về nguyên liệu thực phẩm.
Dù thế, chúng tôi không nuôi các con khác mà chỉ tập trung vào dế. Vì nuôi một con đã muốn xỉu rồi! Dế nhỏ như vậy nhưng rất ‘quyền năng’. Hiện tại, Cricket One vẫn chưa khai thác hết giá trị của con dế.
Tôi không biết chính xác công thức hóa học, nhưng trong con dế có rất nhiều chất vi dinh dưỡng có thể sử dụng trong ngành thực phẩm, dược mỹ phẩm. Dế còn có tác dụng tăng cường các hoạt tính trong một số sản phẩm chức năng. Việc dùng dế nguyên con và bột dế là bước khởi đầu, còn sau này Cricket One còn sản xuất ra nhiều nguyên liệu, tinh chất khác từ dế.
Hiện tại, Cricket One vẫn sử dụng nguyên con dế - không bỏ gì hết khi chế biến bột, không như heo bò gà phải lóc xương bỏ đi. Phân dế chúng tôi đem bán cho công ty làm phân bón, làm ra sản phẩm phân bón hữu cơ hòa tan. Tuy nhiên, Cricket One vẫn chưa bóc tách hết giá trị của dế.
Cảm ơn bạn rất nhiều!
Câu chuyện của
Cricket One nằm trong serie
"Khởi nghiệp 0-1". Đây là chuỗi nội dung đặc biệt được chúng tôi đầu tư thực hiện công phu thông qua các buổi phỏng vấn trực tiếp với những nhà sáng lập và các CEO, ghi lại những câu chuyện thú vị, đắt giá của doanh nghiệp và startup. Đó là hành trình khởi nghiệp từ số 0 của họ đến khi có được 1 kết quả cụ thể, và cao nhất là vươn lên số 1 thị trường.
Bài viết: Quỳnh Như | Thiết kế: Hà Mĩ
Nhịp sống kinh tế