Khi thế giới đang dần chuyển sang mạng 5G kể từ năm 2019, các công ty đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển mạng di động thế hệ tiếp theo. Cụ thể là mạng 6G với rất nhiều hứa hẹn.
Không chỉ phục vụ nhu cầu người dùng cuối trong cuộc sống số, 5G - 6G còn là vũ khí quan trọng hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Sớm đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình ứng dụng công nghệ mạng di động mới từ năm 1989, ông Hoàng Ngọc Thức - CTO Nokia Việt Nam – đã có những chia sẻ về chiến lược sắp tới của Nokia, trong công cuộc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam với lộ trình 6G và cách mạng 4.0.
Ông có thể chia sẻ đôi chút về công nghệ 5G tính đến hiện tại? Và Nokia đang triển khai 5G như thế nào trên thế giới nói chung?
Thực tế thì 5G vẫn còn là công nghệ mới. Trên thế giới, 5G đã sớm có mặt ở các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tính đến đầu tháng 10, Nokia đang hoạt động tại hơn 130 nước, đã cung cấp giải pháp 5G với 251 hợp đồng thương mại trên thế giới, trong đó có 83 nhà mạng đã cung cấp dịch vụ 5G thương mại cho người dùng.
Công dụng của 5G trong cuộc cách mạng số hiện nay?
5G rất quan trọng cho mục tiêu là chuyển đổi số nói riêng và cuộc cách mạng 4.0 nói chung, vì mọi người cần kết nối với nhau, kết nối với tất cả các hạ tầng mọi lúc mọi nơi ở và bất kỳ nơi đâu trên thế giới.
Nhìn chung, mạng 5G có tốc độ nhanh hơn 4G với độ tin cậy cao và độ trễ thấp, có thể áp dụng trong các lĩnh vực sản xuất, y tế..
Dự báo đến năm 2027, mạng 5G sẽ là chủ đạo công nghệ trên thế giới, đảm bảo hạ tầng cho cách mạng 4.0 hiện nay.
Việt Nam có vẻ còn đang chậm chân so với nhiều nước trong khu vực về việc triển khai mạng 5G?
Chính phủ Việt Nam từ năm 2018 đã có những định hướng mới, thúc đẩy áp dụng mạng 5G trong xã hội và sản xuất. Lúc này, Nokia đã sớm đồng hành và hỗ trợ cho Việt Nam.
Các nước Philippines, Thái Lan..cũng chỉ mới triển khai 5G toàn bộ cho các đặc khu kinh tế, thành phố lớn. Ở Việt Nam, có 40 tỉnh thành đã thử nghiệm thương mại mạng 5G, con số này là khá tốt.
Nguyên nhân theo ông là gì?
Một số nguyên nhân như sau:
Thứ nhất, các nhà mạng vẫn đang thử nghiệm trên tần số thử nghiệm và chưa có tần số chính thức cho 5G.
Thứ hai, mức chi trả của người dùng cho nhà mạng còn khá thấp so với khu vực, trung bình chỉ vào khoảng 3 USD/tháng.
Nokia đã và đang hỗ trợ Việt Nam triển khai công nghệ hạ tầng viễn thông mới như thế nào?
Nokia Việt Nam hoạt động tại 3 mảng chính, bao gồm: Mạng di động, Hạ tầng mạng hạ tầng, Hạ tầng dịch vụ và đám mây. Nokia đang cung cấp 3 mảng này cho các nhà mạng lớn tại Việt Nam.
Vị thế của Nokia trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay ở đâu?
Một số cột mốc lớn phải kể đến như cung cấp hạ tầng mạng 2G tiên phong vào năm 1993, mạng 3G vào năm 2009 và đến mạng 4G vào giai đoạn 2016-2017.
Hiện, mạng di động 5G chúng tôi đang hỗ trợ Việt Nam, Bộ TT&TT cùng các nhà mạng cùng triển khai. Vai trò của Nokia gồm: Chia sẻ cách thiết kế cho công nghệ mạng mới, chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam về bài học tại các nước trong khu vực và thế giới khi triển khai 5G.
Và công nghệ mới có vai trò như thế nào với các mục tiêu lớn của nền kinh tế, thưa ông?
5G không những phục vụ cho người dùng, mà còn cung cấp dịch vụ cho công nghiệp, cầu cảng, sân bay, logistics..Nên mạng 5G có quy mô áp dụng rộng hơn. Mở rộng hạ tầng 5G cũng là cơ hội tiềm năng cho các nhà mạng hiện nay. Chính phủ Việt Nam cũng muốn phát triển hạ tầng sớm để có thể tận dụng cơ hội thu hút FDI. Với mục tiêu đóng góp quan trọng vào GDP thì mạng 5G là rất cần thiết.
Còn với bài toán chuyển đổi số hiện nay của các doanh nghiệp?
Không chỉ kết nối các hạ tầng cầu cảng, sân bay, chuỗi cung ứng, … mà 5G còn có vai trò quan trọng trong cuộc sống trực tuyến hoá hiện nay.
Với 5G, một người ở bất kỳ nơi nào cũng có thể kết nối được với hạ tầng chung, không phân biệt họ là khu vực nào, ở đâu.
Nokia còn được biết đang hỗ trợ Bộ TT TT Việt Nam trong lộ trình 6G, liệu có phải sớm quá không khi 5G vẫn chưa hoàn thiện và phủ rộng?
Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến 6G, và có nhiều đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này. Riêng Nokia, chúng tôi theo đó cũng đã có những nghiên cứu về 6G.
Qua làm việc với một số tổ chức, mạng 6G bắt đầu được chuẩn hóa vào 2027 - 2028, dự kiến triển khai thương mại trên thế giới vào khoảng 2029 - 2030. Nếu bắt đầu sớm và có sự chuẩn bị nguồn lực thì sẽ bắt kịp được thế giới, Việt Nam sẽ có tiếng nói hơn trong hệ sinh thái chung.
Thách thức lớn nhất hiện nay theo ông là gì?
Có 2 thách thức lớn, theo tôi đó là "Làm sao giúp các nhà mạng tối ưu hoá chi phí và đầu tư hiệu quả?" và "Phát triển bền vững, tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả và ưu tiên các nguồn năng lượng xanh".