(Tổ Quốc) - Ông chủ các hãng giao đồ ăn là những người buồn nhất khi đại dịch chấm dứt.
Tờ Bloomberg đưa tin, kể từ đầu đại dịch, người dân bị mắc kẹt ở nhà và phải đặt đồ ăn trực tuyến. Làn sóng này đã tạo ra một thế hệ tỷ phú mới: Những ông trùm giao đồ ăn.
3 nhà sáng lập của công ty DoorDash có trụ sở tại San Francisco mỗi người từng sở hữu khối tài sản 2,5 tỷ USD thậm chí hơn. Jitse Groen – người sáng lập công ty Takeaway.com - một đối thủ ở châu Âu của Just Eat cũng từng đạt khối tài sản 1,5 tỷ USD.
Nhưng, những khối tài sản kể trên dường như chỉ như một giấc mộng khi thế giới dần quay trở lại bình thường, đi ăn tại nhà hàng thay vì đặt đồ về. Chưa kể tới việc, cổ phiếu các hãng công nghệ đang giảm đáng kể vì không còn được các nhà đầu tư ưa thích khi mà môi trường vĩ mô đang thay đổi.
Giá trị lượng cổ phần mà Groen nắm giữ đã giảm xuống chỉ còn 350 triệu USD trong khi đó, Andy Fang và Stanley Tang của DoorDash cũng không còn là tỷ phú đôla. CEO Tony Xu chứng khiến khối tài sản giảm xuống 1,1 tỷ USD theo thống kê của Bloomberg. Những người khác cũng chịu chung số phận gồm cả Will Shu của Deliveroo – người mà giá trị cổ phiếu nắm giữ ở công ty đã giảm xuống 150 triệu USD từ 620 triệu USD vào tháng 8.
"Sự kết thúc của các đợt phong tỏa đã cho chúng ta thấy giới hạn của ngành giao đồ ăn", theo Mott Smith – một CEO của Amped Kitchens – một công ty cho thuê không gian bếp.
Sau khi có được lợi nhuận khủng vào năm 2020 và cả năm ngoái nữa, một sự sụt giảm giá cổ phiếu của phần lớn các công ty giao đồ ăn đã thổi bay 100 tỷ USD vốn hóa thị trường. Và trong khi hầu hết vẫn đang nỗ lực tăng doanh thu, tốc độ tăng trưởng cũng đã chững lại so với mức tăng của năm 2020.
Xu hướng giảm của thị trường cũng như lạm phát đã bào mòn ví của người tiêu dùng, ảnh hưởng tới số tiền họ có thể chi tiêu để đặt hàng. Cổ phiếu công nghệ tăng trưởng nhanh đã giảm mạnh, với kỳ vọng tăng trưởng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng và lo ngại về sự suy thoái kéo dài.
"Lĩnh vực này chưa bao giờ trải qua tình huống kết hợp của cả lạm phát cao và sự không chắc chắn về mức độ nhu cầu tạo thành trạng thái bình thường mới".
Sự tập trung hiện tại phụ thuộc vào việc cắt giảm chi phí. Một vài nhà đầu tư thậm chí còn ép các công ty phải tạo ra tiền thay vì chi tiêu mạnh chỉ để giành thị phần. Cổ phiếu của Just Eat đã tăng 12% sau bài báo vào tuần này rằng nhà sáng lập Grubhub là Matt Maloney đang cân nhắc mua lại hoạt động ở Mỹ chỉ 1 năm sau khi bán cho Just Eat với giá 7,3 tỷ USD.
Đại diện tại DoorDash, Just Eat và Deliveroo từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.
Tài sản của các nhà sáng lập trong lĩnh vực giao đồ ăn phải mất nhiều năm để tạo ra và sau đó bị thổi bay dường như chỉ sau 1 đêm. Xu và 2 đối tác khác cùng được truyền cảm hứng để tạo lập nên DoorDash khi họ còn là sinh viên Stanford. Groen cũng là sinh viên tại Đại học Twente ở Hà Lan khi anh tạo ra Just Eat vào năm 2000. Shu gần đây đã kết thúc việc học ở trường Wharton trước khi thành lập nên Deliveroo ở London vào năm 2013.
Trước đại dịch, tốc độ tăng trưởng của các công ty giao đồ ăn dường như là vô hạn. Khi DoorDash IPO vào tháng 12/2020, cổ phiếu của họ đã tăng 92% - mức tăng trong ngày đầu tiên lớn nhất.
Các đồng sáng lập DoorDash đã bắt đầu chuyển một phần tài sản của họ vào ngân hàng. Nguồn tin của Bloomberg cho thấy, Xu, Fang và Tang đã bán 356 triệu cổ phiếu trong 17 tháng qua.
Một điểm đáng nói là nhiều công ty giao đồ ăn từng tận hưởng mức tăng trưởng khủng nhất - và sau đó là sự sụp đổ lớn nhất - có trụ sở tại châu Âu. Đây vốn là nơi không phổ biến với văn hóa giao đồ ăn và bây giờ, những công ty này chịu rủi ro lớn khi mọi thứ đang dần trở lại bình thường.
"Đây là hiện tượng độc nhất ở Mỹ nhưng sau đó đã lan rộng sang toàn bộ thế giới trong một khoảng thời gian", Usha Haley – chuyên gia tại Đại học Wichita State nói.
Những nhà sáng lập của các công ty giao đồ ăn hiện giờ phải đối mặt với khó khăn khác: Không phải bất kỳ tỷ phú trở nên giàu có nhanh chóng nào cũng sẽ giữ vững được khối tài sản của họ.
Nguồn: Bloomberg
Phương Linh