(Tổ Quốc) - "Công ty nợ mọi người thì nhất định sẽ bù đắp lại. Mọi người không phải lo tôi sẽ chạy mất, dù sao tôi cũng chạy không nổi.” Người nói câu này là một ông chủ tàn tật.
Nhờ vào sự kiên trì và bền bỉ, ông chủ đặc biệt này có trong tay 3 nhà máy giấy với hơn 1000 nhân viên, thu nhập hàng năm của công ty đạt 700 triệu NDT và lợi nhuận ròng hàng chục triệu.
Doanh nhân người Quảng Đông này là Lưu Chí Thông- chủ tịch của công ty công ty giấy Thông Dụ thành phố Đông Quan.
Doanh nhân trẻ tuổi, tài năng
Nói đến cái duyên với ngành giấy, phải bắt đầu từ tuổi thơ của Lưu Chí Thông. Khi học tiểu học, cha ông là giám đốc một nhà máy sản xuất sản phẩm giấy nên ông không còn xa lạ với các sản phẩm làm từ giấy.
Năm 1987, Lưu Chí Thông bắt đầu làm việc trong một nhà máy sản xuất giấy ở Đông Quan. Trong thời gian 6 năm làm việc, Lưu Chí Thông được sếp đánh giá cao bởi phẩm chất cá nhân và năng lực quản lý tốt.
Đầu năm 1990, Lưu Chí Thông cùng với ông chủ của mình hợp tác, mở một xưởng sản xuất giấy nhỏ. Sau đó, công việc kinh doanh của ông chủ ngày càng mở rộng nên đã rút dần khỏi nhà máy sản xuất này.
Năm 1992, Lưu Chí Thông quyết định thành lập công ty riêng của mình, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Dụ Cơ thành phố Đông Quan, đặt nền móng vững chắc cho tương lai. Khi đó, công ty chỉ là một căn nhà gỗ 300m2, nhân viên cũng chỉ vỏn vẹn 10 người.
Sau khi thành lập nhà máy, Lưu Chí Thông cũng mở một công ty môi giới hải quan và một công ty phế liệu ở khu vực nội thành, chủ yếu kinh doanh ngoại thương và kiếm được món hời đầu tiên trong đời. Năm 1996, Lưu Chí Thông tập trung vào nhà máy sản xuất giấy, đổi tên công ty thành "Dụ Dương".
Sự nghiệp thuận buồm xuôi gió, đến cuối năm 1999, giá trị sản lượng hàng năm của nhà máy đạt 200 triệu USD, với 400-500 lao động, Lưu Chí Thông khi đó mới 29 tuổi.
Tai nạn ập tới
Khi đang phát triển thuận lợi, một vụ tai nạn xe hơi đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. Vào tháng 5 năm 2004, Lưu Chí Thông 34 tuổi, cùng một người quản lý đến Hà Nam để kiểm tra, chuẩn bị mở một nhà máy tại đây. Ông bất ngờ gặp tai nạn xe hơi khi đang trên đường trở về Đông Quan. Sau tai nạn, ông không thể đứng dậy được nữa.
"Lúc đó tôi đã lái hơn 10 tiếng đồng hồ, vừa chuyển tay lái cho quản lý thì tai nạn xảy ra", Lưu Chí Thông nhớ lại.
Số phận trớ trêu: tai nạn lần này làm đốt sống thứ năm và sáu của Lưu Chí Thông bị tổn thương nghiêm trọng. Ông bị liệt nửa người, lòng bàn tay cũng không cử động được. Chỉ vài ngày trước đó, ông vẫn là một doanh nhân trẻ tuổi đầy triển vọng, trong nháy mắt đã trở thành một người tàn tật.
Con đường trở lại
Số phận đã không đánh gục được Lưu Chí Thông, ông kiên cường sống tiếp, bắt đầu cuộc sống trên chiếc xe lăn. Sau 2 năm điều trị, Lưu Chí Thông trở lại công ty. Đối mặt với các nhân viên, Lưu Chí Thông hứa: “Tôi nhất định sẽ giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động!”
Mặc dù quay lại làm việc tại nhà máy nhưng Lưu Chí Thông gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó, nhiều khách hàng lo lắng rằng công ty của Lưu Chí Thông không thể duy trì được. Sự cạnh tranh trong ngành giấy rất khốc liệt, làm thế nào để một người tàn tật dẫn dắt một doanh nghiệp bật lên trên thị trường cạnh tranh như vậy; làm thế nào để cơ thể nặng nhọc không ảnh hưởng đến công việc.
Đối mặt với hàng loạt vấn đề này, dù là ai đi chăng nữa, e rằng họ sẽ cảm thấy bất lực, nhưng Lưu Chí Thông đã không bỏ cuộc, với tinh thần trách nhiệm và sự kiên trì của mình, ông đã giải quyết từng vấn đề một.
1. An ủi nhà cung cấp và nhân viên
Sau khi Lưu Chí Thông bị thương, nhiều khách hàng rất lo lắng việc hợp tác sẽ bị ảnh hưởng. Lưu Chí Thông cam kết với đối tác sẽ vực lại công ty, tuyệt đối không làm họ thất vọng và hầu như tất cả các đối tác đều chọn tin tưởng ông.
Để truyền cảm hứng cho nhân viên, Lưu Chí Thông quyết tâm đến nhà máy mỗi ngày. Thậm chí, ông chủ cấp cao bị liệt này còn vào làm việc trong nhà máy cùng với các nhân viên của mình. Lưu Chí Thông nói: “Chỉ cần tôi không gục ngã, các nhân viên sẽ có niềm tin và công ty sẽ vững như thạch bàn.”
2. Thành lập công ty mới và tuyển dụng nhân tài
Năm 2007, sau khi Lưu Chí Thông trở lại được một năm, công việc kinh doanh của công ty dần trở lại bình thường, nhưng ông không hài lòng với hiện tại và dự định thành lập một công ty mới.
Vợ ông cho rằng việc điều hành tốt công ty hiện tại đã là điều khó khăn, với điều kiện như hiện tại làm sao có thể thành lập công ty mới? Tuy nhiên, Lưu Chí Thống cuối cùng cũng thuyết phục được vợ. Ông cho rằng, làm kinh doanh giống như chèo thuyền ngược dòng, quan trọng nhất là năng lực, không chèo nhanh thuyền sẽ trôi theo dòng nước. Nhất là trong ngành giấy, phải mở rộng, phát triển quy mô mới có thể đứng vững trên thị trường.
Sau đó, Lưu Chí Thông thành lập Công ty TNHH Giấy Thông Dụ thành phố Đông Quan, ông giữ vai trò chủ tịch và vợ là tổng giám đốc.
Lưu Chí Thông nhận ra, muốn công ty tồn tại lâu dài thì tuyệt đối không thể chỉ dựa vào hai vợ chồng. Ông bỏ ra rất nhiều công sức và chiêu mộ rất nhiều nhân tài sản xuất và quản lý từ các công ty trong cùng lĩnh vực. Trong đó, để mời một chuyên gia Đài Loan làm phó chủ tịch, Lưu Chí Thông đã bay đến Đài Bắc 3 lần trong vòng một tháng, không màng khó khăn và hạn chế trong việc di chuyển của bản thân. Cảm động trước sự chân thành của Lưu Chí Thông, vị chuyên gia này cuối cùng đã đồng ý gia nhập công ty.
3. Áp lực tạo ra kim cương
Lưu Chí Thông là một người tàn tật, mỗi bước đi anh đều phải nỗ lực và kiên trì hơn người bình thường.
"Anh ấy là một người có tính cách rất cứng rắn", những người xung quanh đều nói về Lưu Chí Thông như vậy. Khi làm việc, ngoại trừ một số đoạn dốc cần phải đẩy, Lưu Chí Thông luôn tự mình điều khiển xe lăn trong nhà máy.
“Sớm bảy tối mười” là thời gian làm việc bình thường của anh. Lưu Chí Thông đến nhà máy đúng giờ lúc 7 giờ sáng và làm việc cho đến 10 giờ tối. Ông mặc quần áo công nhân, ăn cơm trong căng tin của nhà máy, sinh hoạt ngay tại văn phòng. Do một số giấy tờ của công ty yêu cầu chữ ký cá nhân, Lưu Chí Thông đã nỗ lực tập luyện động tác viết trong 3- 4 năm liền. Hiện tại, về cơ bản ông có thể viết hầu hết các từ, xử lý những giấy tờ quan trọng.
Xương sống của Lưu Chí Thông bị cong, cơ PSOAS bên trái cũng bị căng, nhưng ông vẫn kiên trì. Ngoài việc học, Lưu Chí Thông cũng nhất quyết tập luyện hàng ngày và di chuyển chậm rãi với sự hỗ trợ của cây nạng. "Nhiều lúc tôi nghĩ, mình không thiếu tiền thì sao phải chịu khổ thế này, nhưng nếu tôi không quản lý công ty, vợ lại chưa có kinh nghiệm quản lý nên không thể thay thế tôi được. Tôi phải tiếp tục đứng ở tiền tuyến! Chỉ cần tất cả mọi người đồng tâm hợp lực, công việc kinh doanh sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh hơn", Lưu Chí Thông nói.
Thành công của một người “tàn nhưng không phế”
Hiện ông đã sở hữu ba nhà máy giấy với gần 1.000 nhân viên, thu nhập hàng năm của công ty đạt 700 triệu nhân dân tệ, và lãi ròng hàng chục triệu!
Nhìn lại hành trình khởi nghiệp của mình, Lưu Chí Thông cho rằng khối tài sản ông tích lũy được là nhờ sự đồng hành của người bạn đời và những công nhân, đối tác kỳ cựu không rời bỏ mình.
Trong vòng bạn bè, có hơn 20 đối tác làm ăn đã hợp tác hơn 10 năm. Đối với kế hoạch trong tương lai, Lưu Chí Thông tràn đầy tự tin. "Nếu không có vụ tai nạn ô tô, có lẽ tôi đã không làm tốt được như vậy. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, phấn đấu quy mô doanh nghiệp sớm vào tốp 10 cả nước.” Lưu Chí Thông nói.
Số phận là cái cớ cho kẻ yếu, và “may mắn” và “khiêm tốn” là từ dành cho kẻ mạnh.
Tổng hợp từ Sohu, 163...
Lưu Ly