(Tổ Quốc) - Mới đây sự cố tại cơ sở hóa lỏng khí tự nhiên LNG lớn nhất nước Mỹ Freeport gặp sự cố và phải ngừng hoạt động trong vòng 3 tuần. Điều này khiến các chuyên gia lo lắng về an ninh năng lượng trên toàn thế giới vốn đã căng thẳng giữa xung đột giữa Nga và Ukraine.
Nếu như tình hình thắt chặt nguồn cung khí đốt trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa đủ để khuấy đảo thị trường LNG trên toàn cầu thì việc gián đoạn xuất khẩu do sự cố hỏa hoạn tại cơ sở Freeport LNG tại bang Texas (Mỹ) đang làm tăng thêm lo lắng của người mua và giá của loại khí này dự kiến sẽ còn tăng cao trong các tuần tới.
Dữ liệu của hãng tin Reuters cho thấy trong những tháng gần đây, khoảng 70% sản lượng khí LNG của Freeport LNG được xuất khẩu đến châu Âu. Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan hiện là những khách hàng châu Âu lớn nhất của Freeport LNG.
Đối với thị trường châu Á, giới phân tích đánh giá việc Freeport LNG ngưng hoạt động sẽ khiến Hàn Quốc mất đi nguồn cung khí đốt tương đương 17% tổng nhu cầu sử dụng hàng tháng của nước này, con số này đối với Nhật Bản là khoảng 3,5% tổng nhu cầu sử dụng hàng tháng.
Việc Freeport LNG phải ngưng hoạt động trong khoảng thời gian đáng kể khiến nhiều chuyên gia năng lượng cảnh báo thị trường toàn cầu sẽ đối mặt với các rủi ro lớn trong ngắn hạn. Nhất là khi sự cố này xảy ra đúng thời điểm đường ống dẫn khí đốt chính của châu Âu là Nord Steam 1 và một số cơ sở khai thác khí tại Na Uy đang tiến hành bảo dưỡng.
"Nhu cầu của Trung Quốc cũng sẽ tăng lên khi các lệnh hạn chế đi lại được nới lỏng. Tôi không tìm thấy lí do nào khiến giá sẽ giảm đi, trừ khi có một sự kiện giảm giá lớn khiến hàng hóa bị ồ ạt bán tháo", nguồn tin này cho biết thêm.
Vụ hỏa hoạn tại nhà ga Freeport LNG vào ngày 8 tháng 6 đã khiến ba chuyến tàu hóa lỏng của cơ sở này phải ngừng hoạt động ngay lập tức. Trong một tuyên bố được đưa ra sau ngày hôm đó, nhà điều hành nhà ga nói rằng cơ sở sẽ đóng cửa trong ít nhất ba tuần, và không cung cấp thêm chi tiết về nguyên nhân của sự cố.
Ông Takayuki Nogami, nhà kinh tế trưởng của Cơ quan tài nguyên dầu, khí và kim loại quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) cho biết: "Nếu đám cháy xảy ra do rò rỉ khí đốt, sự cố này có thể sẽ dẫn đến một cuộc điều tra nghiêm ngặt. Do đó, việc ngừng hoạt động của nhà ga Freeport LNG có thể kéo dài trong một thời gian dài."
Giá LNG sẽ tăng mạnh
Các nguồn tin cho biết trong khi phần lớn lượng khí LNG xuất khẩu của Freeport là sang châu Âu, châu Á có thể sẽ không bị ảnh hưởng bởi cú sốc về nguồn cung này.
Theo dữ liệu của S&P Global, kể từ tháng 1 đến cuối tháng 5, Freeport đã xuất khẩu khoảng 3,2 triệu tấn LNG sang châu Âu.
Ông Jeffrey Moore, Giám đốc phân tích LNG khu vực châu Á tại S&P Global cho biết sự gián đoạn nguồn cung tiềm tàng từ sự cố Freeport LNG có thể sẽ thắt chặt tại khu vực Đại Tây Dương, chủ yếu ảnh hưởng tới khối lượng giao hàng tới châu Âu.
Một tỉ lệ đáng kể LNG của Mỹ đang hướng đến châu Âu nên khối lượng này sẽ cần được thay thế bằng các nguồn cung cấp khác, điều này sẽ hạn chế khối lượng đi từ lưu vực Đại Tây Dương vào Thái Bình Dương và có thể sẽ kéo dài xu hướng tăng giá.
Tuy nhiên sau khi Freeport đóng cửa, các dự báo trước đó về nhu cầu xuất khẩu LNG của Mỹ cao kỉ lục, ở mức hơn 13 Bcf/ngày vào tháng 6,7,8 đã được điều chỉnh giảm.
Dựa trên sản lượng trung bình khoảng 2 Bcf/ngày đến Freeport, xuất khẩu LNG của Mỹ có khả năng đạt mức trung bình gần 11 Bcf/ngày khi ba tàu hoạt động hết công suất.
Mặc dù những tác động của sự cố Freeport lên giá cả LNG vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên sự không chắc chắn về nguồn cung đã đẩy giá LNG giao ngay khu vực Châu Á cho tháng 7 cao hơn.
Dữ liệu của S&P Global cho thấy, chỉ số giá khí LNG cho thị trường Nhật Bản – Hàn Quốc (JKM) cho tháng 7 được đánh giá ở mức 22,543 USD/MMBtu. Chỉ số giá khí LNG JKM thường được xem là mức giá tham khảo chuẩn cho các giao dịch khí LNG tại thị trường châu Á.
Một nguồn tin khác cũng lặp lại quan điểm tương tự. Trong khi mọi người đang cố gắng đánh giá tác động của sự cố Freeport ngừng hoạt động thì thực tế cho thấy nếu sự cố này kéo dài trong 3 tuần thì khoảng 13-15 lô hàng hóa sẽ rời khỏi thị trường, còn nếu kéo dài hơn, nhiều lô hàng sẽ bị xóa sổ và điều này sẽ gây tác động lớn về giá.
Xu hướng dự trữ hàng ở thị trường châu Á đang diễn ra bởi vậy nhiều người mua có thể cảm thấy nhu cầu đang tăng lên khi những lo ngại về nguồn cung đang bị hạn chế.
Những đối tượng khách hàng bị tác động
BP, TotalEnergies, Osaka Gas, nhà sản xuất điện lớn nhất Nhật Bản JERA và SK Gas Trading của Hàn Quốc được liệt kê là những người mua hàng hóa Freeport LNG. BP có hợp đồng lớn nhất ở mức 4,4 triệu tấn mỗi năm đến năm 2040.
Nhà phân tích khí Kpler và Ryhana Rasidi cho biết, Nhật Bản thường nhập khẩu 6-7% tổng nguồn cung LNG từ Mỹ trong tháng 6, với LNG từ Freeport chiếm ít nhất một nửa sản lượng.
Hàn Quốc đã nhập khẩu trung bình khoảng 20% LNG từ Mỹ vào tháng 6 trong hai năm qua. Quốc gia này có thể mất ít nhất 0,13 triệu tấn LNG, chiếm khoảng 17% lượng tiêu thụ từ nhà máy.
Vào tháng 3, 21 chuyến hàng đã được bốc dỡ tại cơ sở Freeport, mang theo ước tính khoảng 64 tỷ feet khối khí đốt đến các điểm đến ở châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc, theo Bộ Năng lượng Mỹ. Con số này đã tăng từ 15 chuyến hàng trong tháng Hai và 19 chuyến trong tháng Giêng.
"Trong số 14 chuyến hàng của Freeport đến các điểm đến vào tháng 5, 10 trong số đó đến châu Âu, hai chuyến đến châu Á và hai chuyến đến châu Mỹ." Froley nói.
Nhật Bản vẫn đang trong quá trình đánh giá tác động của việc đóng cửa Freeport LNG, bao gồm cả việc sắp xếp vận chuyển, một quan chức METI cho biết ngày 14/6.
Tàu không tải Elisa Larus, một phần của đôi tàu chở LNG có kiểm soát của Jera Global Markets – chi nhánh thương mại của Jera, đã neo đậu bên ngoài nhà ga Freeport kể từ ngày 8/6. Con tàu đã được lưu thông giữa Freeport và Dunkerque ở Pháp trong những tháng gần đây. Người phát ngôn của JERA từ chối bình luận về tác động cũng như vị trí của nguồn cung LNG.
Người phát ngôn của Osaka Gas cho biết việc Freeport LNG ngừng hoạt động sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung ổn định của hãng cho Nhật Bản nếu tình trạng ngừng hoạt động kéo dài khoảng ba tuần, tuy nhiên, công ty có thể phải đối mặt với nhu cầu tìm kiếm nguồn cung thay thế nếu tình trạng ngừng hoạt động kéo dài trong một vài tháng.
Tham khảo: S&P Global, Reuters
Huyền Như