(Tổ Quốc) - Các khu công nghiệp Nhơn Trạch ngày càng lấp đầy, lượng cư dân Tp.HCM kéo về sinh sống ngày một tăng là nguyên nhân khiến phà Cát Lái kẹt xe khủng khiếp suốt thời gian dài.
Ghi nhận sáng 1/1/2021, lượng xe lưu thông qua phà Cát Lái (nối Q.2, Tp.HCM với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) đông nghẹt khiến các dòng xe từ xe máy đến ô tô kẹt hơn 3 tiếng đồng hồ. Theo người dân khu vực, những ngày Lễ, Tết hay vào giờ cao điểm thì phương tiện nào cũng "ngán ngẫm" mỗi lần qua phà. Tình trạng kẹt xe liên tục xảy ra hàng ngày, suốt những năm qua.
Theo ghi nhận, chiều xe đi từ Tp .HCM qua Nhơn Trạch đi Vũng Tàu các phương tiện giao thông không có sự lựa chọn nào gần hơn là đi Phà Cát Lái. Tuy vậy, tình trạng kẹt xe hàng ngày khiến người tham gia giao thông bị "đuối".
Vào giờ cao điểm hàng ngày, tình trạng xe đông nối đường dài vào Phà
Anh Khánh, ngụ xã Đại Phước (Nhơn Trạch) hiện đang làm việc tại Q.2, Tp.HCM cho biết, mỗi lần đi làm phải dậy từ rất sớm bởi chỉ cần đi trễ 1 chút là kẹt phà sẽ muộn làm, không những lúc đi mà lúc chiều về cũng phải tranh thủ cho nhanh, sợ chậm chuyến lại phải sếp hàng dài bởi kẹt phà
Anh Hùng, mở công ty ở xã Đại Phước cách nay 3 năm cho hay, anh đi xe ô tô đi làm mỗi sáng và về tầm 4h chiều. Theo anh Hung, chiều nào quá giờ đó là không dám về Sài Gòn ngay mà phải đợi tối hẳn tức 8h mới lên phà vì kẹt quá. Ngày trước ít người qua lại, phà Cát Lái ít kẹt còn bây giờ dường như ngày nào cũng kẹt kinh hoàng. Nếu từ chỗ của anh đi cao tốc phải đi thêm quãng đường mất 20km.
Dòng xe máy cũng chung cảnh
"Nhiều lúc nghĩ, ở đây giống như nằm ở vùng kẹt xe không lối thoát bởi chỉ 2 con đường Sài Gòn nhanh nhất và gần nhất là Phà Cát Lái và cao tốc thì nay đều quá tải", anh Hùng than phiền.
Cùng cảnh ngộ, anh Nam, hiện đang cư trú tại P. Cát Lái Q.2 đi làm tại Khu Công nghiệp Bàu Sen Nhơn Trạch cho hay, hàng ngày anh đi xe máy đến chỗ làm chứ không dám đi ô tô, vì qua phà quá kẹt. Lượng ô tô lưu thông đông, có lần anh đi sếp hàng 2 - 3 tiếng chưa qua được phà, nhất là dịp Lễ, Tết thì tình trạng kẹt còn xảy ra khủng khiếp hơn.
Kẹt xe hơn 3 tiếng đồng hồ trên cầu Cát Lái sáng 1/1
"Phà Cát Lái là lựa chọn không thể thay thế bởi không còn còn đường nào khác di chuyển từ Tp.HCM qua Nhơn Trạch và ngược lại gần hơn. Nếu có con đường nào khác thay thế qua Sài Gòn cho tiện và gần chắc chắn tôi không bao giờ đi cái phà khổ sở này", anh Nam chia sẻ.
Được biết, Cao Tốc Tp.HCM - Long Thành – Dầu Giây chỉ tiện cho dân ở Long Thành đi Vũng Tàu, hoặc người ở Long Khánh, các xã Phước Thiện, Hiệp Phước, Long Thọ, Phước An… (Nhơn Trạch) đi thuận tiện nếu di chuyển bằng ô tô, riêng những ng đi xe honda ở Nhơn Trạch đi Vũng Tàu hoặc những người ở các xã tiếp giáp Q.2, Tp.HCM không còn con đường nào khác là đi qua phà Cát Lái. Kể cả xe ô tô của người dân sinh sống tại các xã tiếp giáp Q.2 và Q.7, Tp.HCM không thể di chuyển bằng cao tốc vì quãng đường đi khá xa.
Chính lượng xe tham gia giao thông nhiều nên mới xảy ra tình trạng kẹt kinh hoàng trên cầu Cát Lái những năm qua. Theo ghi nhận, khung giờ kẹt xe thường diễn ra vào khoảng 6h30 đến 9h hàng ngày, khung chiều rơi vào từ 16h15 đến 20h. Theo người dân khu vực, đây là khung giờ trở thành nỗi ám ảnh của họ mỗi khi phải di chuyển qua Phà Cát Lái. Mong mỏi có cây cầu thay thế phà dường như trở nên cấp thiết với người dân hàng ngày phải lưu thông qua phà.
Tình trạng kẹt xe này diễn ra từng ngày
Vào khoảng trung tuần tháng 8/2020, các cơ quan chức năng của 2 địa phương Đồng Nai và Tp.HCM tiếp tục họp bàn để lên phương án xây dựng cầu Cát Lái nối huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) với Q.2 (Tp.HCM).
Theo đó, tại cuộc họp, 2 bên đã bàn để hoàn thiện phương án cuối cùng. Để có phương án cuối cùng tối ưu nhất, ngoài việc xác định vị trí và quy mô, hiện nay 2 địa phương Đồng Nai và Tp.HCM đang đề nghị đơn vị tư vấn làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc xây dựng cầu Cát Lái.
Ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở GT-VT cho biết, dự án xây dựng cầu Cát Lái qua 2 địa bàn với mục tiêu kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện Sở GT-VT được UBND tỉnh Đồng Nai giao làm chủ đầu tư nên đang làm các thủ tục đầu tư theo quy định. Vì vậy, tỉnh cũng đang phối hợp với Tp.HCM để xác định phạm vi, quy mô, khối lượng giải phóng mặt bằng... nhằm có cơ sở lên phương án tài chính làm cầu Cát Lái.
Tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chính thức đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà hiện hữu.
Ngay sau đó, UBND tỉnh đã có các buổi làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh, lên các phương án thực hiện xây dựng cầu Cát Lái để có cơ sở làm việc với các cơ quan chức năng Tp.HCM nhằm thống nhất phương án xây dựng cầu.
Bài và ảnh: Hạ Vy