(Tổ Quốc) - Với tốc độ tăng vốn "thần tốc" của VND bắt nhịp cùng thị trường liệu có cuộc đổi ngôi nào về thứ tự xếp hạng của các công ty chứng khoán Việt?
Hiện Công ty Chứng khoán SSI (mã: SSI) là công ty có vốn chủ sở hữu lớn nhất trong số các công ty chứng khoán với 12.077 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kế hoạch tăng vốn vừa đưa ra của Công ty Chứng khoán VNDIRECT (mã: VND), nếu thành công hoàn tất 100% cả 3 phương án tăng vốn, dự kiến vốn điều lệ đạt 12.265 tỷ đồng, vượt qua quán quân SSI.
VNDIRECT tăng vốn "thần tốc" đuổi kịp SSI
Ngày 6/12 tới đây, Công ty chứng khoán Chứng khoán VNDIRECT (mã: VND) sẽ tổ chức cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường năm 2021 bàn bạc để thông qua các phương án phát hành tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, VNDIRECT lần thứ 2 trong năm 2021 chào bán xấp xỉ 435 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn lên gấp đôi. Tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1, có nghĩa cổ đông cứ sở hữu 1 cổ phiếu VND sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới phát hành.
VNDIRECT cũng trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. VNDIRECT dự kiến phát hành ra gần 348 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 80% - cổ đông sở hữu mỗi 10 cổ phiếu được quyền nhận 8 cổ phiếu phát hành thêm). Giá trị số cổ phiếu thưởng này là gần 3.480 tỷ đồng, được trích từ nguồn vốn chủ sở hữu của công ty.
Ngoài ra công ty còn dự kiến phát hành thêm 2% vốn theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) tại thời điểm Đại hội cổ đông thông qua. Giá bán ưu đãi là 10.000 đồng/cổ phiếu.
VND có đà tăng vốn "thần tốc"
Như vậy, nếu kế hoạch tăng vốn này thành công, VNDIRECT sẽ nâng vốn điều lệ lên mức 12.265 tỷ đồng. Thời gian công ty dự kiến thực hiện xong là từ 2021-2023.
Sự kiện VNDIRECT nới room ngoại lên 100% gần đây cũng cho thấy sẽ có nhiều bất ngờ thời gian tới liên quan đến việc tăng vốn cho cổ đông ngoại. Có thể nói, VNDIRECT đang ráo riết tăng vốn cùng đà tăng kỷ lục của thị trường hiện nay.
VNDIRECT sau khi tăng vốn đợt 1 đầu năm 2020 công ty có vốn điều lệ khoảng 4.340 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty hiện đã vượt 8.542 tỷ, tổng tài sản vượt 28.577 tỷ đồng tính đến 30/9/2021.
SSI sau khi tăng vốn kỳ tháng 9/2021, vốn điều lệ của doanh nghiệp cũng vượt 10.092 tỷ đồng, là doanh nghiệp chứng khoán nội có vốn điều lệ lớn nhất. Vốn chủ sở hữu của SSI đến 30/9/2021 đạt 12.077 tỷ đồng. Tổng tài sản của SSI hiện vượt 47.600 tỷ đồng.
Về các chỉ số tài chính hiện tại SSI vẫn dẫn đầu với quy mô vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu lớn hơn VNDIRECT. Vốn hoá của SSI tính đến ngày 17/11 đạt 48.900 tỷ đồng, cao hơn mức 29.900 tỷ của VNDIRECT. Quy mô cho vay margin của SSI đạt 18.292 tỷ đồng trong khi của VNDIRECT chỉ là 11.317 tỷ đồng. Hệ số tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu của SSI đạt 1,5 trong khi của VND là 1,3.
Song với kế hoạch tăng vốn "thần tốc" của VNDIRECT nếu như SSI không có động thái tăng vốn tiếp theo thì rất có thể VNDIRECT sẽ soán ngôi công ty nội có quy mô vốn lớn nhất. Tuy nhiên, trong khi VNDIRECT tăng tốc thì các đối thủ của họ cũng không đứng yên. SSI chắc chắn cũng phải có những kế hoạch mạnh tay tiếp theo khi hệ số cho vay margin/vốn chủ sở hữu của công ty đã lên tới 1,5.
Công ty chứng khoán có tổng tài sản vượt 10.000 tỷ ngày càng nhiều, sánh ngang các ngân hàng tầm trung
Ngoài SSI, VNDIRECT nhiều công ty chứng khoán khác cũng có tổng tài sản vượt 10.000 tỷ lớn, tăng rất mạnh so với hồi đầu năm, quy mô này ngang với vốn của nhiều ngân hàng tầm trung tại Việt Nam.
Các công ty chứng khoán đang bị căng margin do nhu cầu thị trường lớn
Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) có tổng tài sản vượt 18.880 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 5.123 tỷ đồng. HSC có tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu ở mức 1.9 lần, do đó áp lực tăng vốn của HSC cũng cực kỳ lớn trong thời gian tới.
Vốn điều lệ của Mirae Asset hiện đạt 5.455 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 7.220 tỷ đồng song quy mô cho vay ký quỹ của công ty chứng khoán ngoại này có thể đạt tới 18.000 tỷ đồng. Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cho rằng với tốc độ tăng trưởng cho vay 25% chung của ngành, năm 2022 con số cho vay của Mirae Asset có thể phải được bổ sung thêm 4.000 tỷ nữa (nếu thực hiện tăng vốn).
Công ty Chứng khoán VPS có vốn chủ sở hữu 5.184 tỷ đồng, vốn điều lệ 3.500 tỷ. Tổng tài sản của VPS tính đến 30/6 đạt 19.875 tỷ đồng. Theo nguồn tin của chúng tôi, VPS đang xin ý kiến lập hồ sơ tăng vốn trình Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) có vốn chủ sở hữu đạt tới 7.653 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 1.124 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2021, TCBS có tổng tài sản 13.400 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chưa phân phối lên tới 6.307 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCI) tính đến hết quý 3 cũng có quy mô tài sản vượt 13.666 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 6.337 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 3.330 tỷ.
Công ty Chứng khoán MBS có vốn chủ sở hữu 3.240 tỷ đồng nhưng tổng tài sản của doanh nghiệp cũng lên tới 10.666 tủ đồng. Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) có vốn chủ sở hữu 4.095 tỷ đồng, trong khi quy mô tài sản tăng mạnh lên 10.031 tỷ đồng.
Tổng tài sản các công ty chứng khoán tăng rất nhanh trong năm nay cùng với đà tăng vốn.
Hầu hết các công ty chứng khoán đều trải qua đợt tăng vốn vào đầu năm 2021 với quy mô lớn, do đó tài sản của công ty tăng nhanh tương ứng. Với quy mô tổng tài sản vượt 10.000 tỷ đồng của nhiều công ty chứng khoán như hiện nay, mức vốn này đã ngang ngửa với vốn điều lệ của một số ngân hàng tầm trung như TPBank (vốn điều lệ 11.700 tỷ đồng), OCB (13.690 tỷ đồng), HDB (19.922 tỷ đồng), Eximbank (12.355 tỷ đồng), Seabank (14.780 tỷ đồng), VIB (15.530 tỷ)…
Hiện việc đụng trần margin đang diễn ra ở hầu hết các công ty chứng khoán lớn nhỏ, lượng margin bung ra thị trường không đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt khối nhà đầu tư cá nhân với quy mô gia nhập hơn 100.000 tài khoản mỗi tháng.
Về áp lực tăng vốn của các công ty chứng khoán, trong bài viết "Nhà đầu vay nợ margin 154.000 tỷ và bên trong lâu đài trên cát" chúng tôi đã đưa ý kiến của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta: "Lượng tài khoản mở mới tiếp tục tăng trong tháng 10 đạt gần 130.000 tài khoản, nhưng một phần đóng góp vào lượng tăng mới này là tình trạng full margin ở các công ty chứng khoán (thủ thuật kỹ thuật), cùng với đó là việc tăng vốn chưa tương xứng với quy mô của thị trường. Hiện nay, ROE của nhóm chứng khoán đạt mức trung bình theo vốn hóa là hơn 22%/năm, cao hơn nhóm bank và bất động sản, nên khả năng tăng vốn tiếp là có thể. Miếng bánh margin vẫn đang màu mỡ, khả năng tăng vốn cho các công ty chứng khoán còn nhiều. Margin căng quá bởi vì tăng vốn chưa kịp tốc độ số lượng nhà đầu tư đổ vào nên khiến tỷ lệ margin/vốn hoá tăng cao như vậy".
Bạch Huệ