(Tổ Quốc) - Lao động thu nhập thấp tại Hong Kong (Trung Quốc) từ lâu không đủ khả năng mua bất cứ thứ gì ngoài việc chấp nhận thuê những căn nhà lồng tồi tàn bị chia nhỏ.
Hong Kong (Trung Quốc), với dân số 7,5 triệu, trước giờ vẫn nổi tiếng là thị trường bất động sản đắt đỏ. Lao động thu nhập thấp từ lâu không đủ khả năng mua bất cứ thứ gì ngoài việc chấp nhận thuê những căn nhà lồng tồi tàn bị chia nhỏ đến cùng cực.
Theo SCMP, hiện có khoảng hơn 220.000 người dân đang sống tại 110.000 căn hộ chia nhỏ. Phần lớn trong số chúng nằm rải rác trong các tòa nhà đổ nát, những tòa chung cư cũ với điều kiện sinh hoạt ẩm thấp và vô cùng chật chội.
Nhà lồng tại Hong Kong (Trung Quốc)
Trong nhiều năm, khủng hoảng nhà ở tại Hong Kong (Trung Quốc), vốn bắt nguồn từ tình trạng thiếu đất, đã dấy lên nhiều tranh cãi về những khu vực cần được quy hoạch làm nhà ở. Khoảng 25% tổng diện tích đất 1.110 km vuông của Hong Kong đã được giải phóng, trong khi phần còn lại vẫn còn khá nguyên sơ, chủ yếu là vườn quốc gia hoặc khu bảo tồn.
NHÀ LỒNG
Với thời gian chờ đợi trung bình hơn 6 năm đối với nhà ở công cho thuê, nhiều lao động nghèo đang làm việc tại Hong Kong (Trung Quốc) không có lựa chọn nào khác ngoài việc sống tạm trong những căn nhà siêu nhỏ hoặc nhà lồng. Tình trạng này, dù đã được giới chức kêu gọi cải thiện trong nhiều năm, song đến nay vẫn chỉ như mớ bòng bông.
Các nhà phát triển bất động sản tại Hong Kong (Trung Quốc) đang xây dựng nhiều hơn những căn hộ siêu nhỏ trong bối cảnh giá đất tăng cao phi mã. Chúng được gọi là nhà nano, với kích thước trung bình khoảng 24m2 nhưng được rao bán với giá lên tới vài triệu đô la Hong Kong, chủ yếu nằm trong những toà nhà cũ đã xuống cấp thuộc sở hữu tư nhân. Hơn 8.500 căn hộ đã được xây dựng trong suốt thập kỷ qua, trong đó 70% chỉ được trang bị phòng tắm không cửa sổ. Siêu nhỏ là vậy, song những căn nhà này vẫn chưa phải chốn dung thân bé nhất tại Hong Kong.
Nhà lồng, căn nhà chỉ vỏn vẹn chiếc giường cho 1 người nằm, mới là thứ mà chúng ta đang nhắc đến. Phóng viên Fiona Sun của tờ SCMP mới đây đã có bài phóng sự về cuộc sống của tầng lớp lao động thu nhập thấp bên trong những căn nhà lồng chật hẹp. Chúng rộng trung bình 5m2, thậm chí có nhà rộng chưa đến 2m2 và chỉ vừa đủ cho 1 người ở. Tòa chung cư cũ tại Thâm Thuỷ Bộ sẽ có trung bình khoảng 12 căn nhà lồng như vậy xếp chồng lên nhau.
Theo SCMP, nhà lồng đã xuất hiện ở Hong Kong (Trung Quốc) trong nhiều thập kỷ. Thông thường, một toà nhà sẽ có hơn 10 lồng xếp chồng, một phòng tắm duy nhất và một gian bếp chung. Người dân sống ở đây cho biết cảm giác rất kinh khủng vì không gian chật hẹp, không hợp vệ sinh, trong khi hệ thông gió kém, đặc biệt vào mùa hè.
Mỗi lồng sẽ có đệm, chăn. Rào sắt là nơi phơi đủ các loại đồ trên đời, từ quần áo, quạt, đồng hồ đến giấy vệ sinh. Chủ “nhà” sẽ cung cấp một chiếc khóa sắt để người thuê khoá lồng trước khi đi ngủ. Sơ sài, tạm bợ, song chi phí để thuê những căn nhà lồng này lên tới 3.000 đô la Hồng Kông/tháng, tức hơn 8 triệu đồng. Nhiều lồng chỉ bằng chiếc tủ quần áo, tức hơn 3m2, chật đến nỗi những người thuê nhà không thể dang rộng cánh tay một cách thoải mái.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện hồi năm 2017, không gian sống trung bình cho mỗi người dân Hong Kong thu nhập thấp là hơn 4m2, tức ½ diện tích một ô đỗ xe tiêu chuẩn và thậm chí nhỏ hơn cả buồng giam tù nhân.
Hồi tháng 3 năm 2021, Cục Nhà ở và Giao thông Hong Kong đã công bố bản báo cáo về các đơn vị nhà chia nhỏ của thành phố. Mỗi ô vuông dưới đây tương đương với 1% dân cư trú tại các căn nhà lồng chật hẹp.
NHÀ ‘QUAN TÀI’
Nhắc đến nhà lồng không thể không nhắc đến nhà ‘quan tài’. Điểm khác biệt duy nhất là vách ngăn rào sắt được thay thế bằng vách gỗ, chắc chắn hơn nhưng cũng vô cùng sơ sài và bí bách.
Một số nhà sẽ được trang bị bếp và nhà vệ sinh ngay bên trong. Chúng chủ yếu dành cho những gia đình thu nhập thấp - những người phải chi ít nhất 1 nửa tiền lương để trang trải phí thuê nhà. Một khảo sát được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Trung Quốc và Liên minh Quyền lợi Nhà ở Cơ sở hồi năm 2021 cho thấy những căn nhà quan tài có diện tích trung bình khoảng 11m2 và được thuê với giá 5.000 đô la Hong Kong, tức gần 15 triệu đồng.
Theo Phó giám đốc SoCO Sze Lai-shan, nhà ‘quan tài’ là nỗi sợ kinh khủng nhất của mỗi người dân Hong Kong. Có người miêu tả cuộc sống trong những căn nhà này không khác gì "chờ đợi cái chết" và câu chuyện của ông Tsang Shiu-tung, 51 tuổi, là một ví dụ.
Theo SCMP, ông Tsang sống trong một căn nhà được chia thành 18 gian giường giống nhau, ngăn cách bởi một vách gỗ. Tiền thuê hàng tháng là 1.500 đô la Hong Kong, tức hơn 4 triệu đồng. Ông cho biết mình đang sống chẳng khác gì “một con vật bị nhốt”.
Với mức thu nhập cao hơn một chút, dân Hong Kong, trong đó có gia đình anh Wong, có thể chọn thuê nhà ‘quan tài’ với diện tích rộng hơn. Gia đình 4 thành viên này hiện đang sống trong một căn nhà rộng 11m2. Vợ anh, 34 tuổi, cùng con trai, 13 tuổi và cô con gái 3 tuổi sẽ ngủ trên một chiếc giường tầng, trong khi Wong ngủ ở giường đơn. Ngoài ra, do bàn ăn quá nhỏ, họ buộc phải chia thời gian dùng bữa. Chiếc giường của Wong cũng trở thành bàn học cho con trai vì gia đình này cần tối giản đồ dùng nhất có thể.
“Tôi quay trở lại Hong Kong vì hệ thống giáo dục tại đây tốt hơn cho con cái", Wong nói. “Tôi không nghĩ mình sẽ phải ở trong một căn nhà bé như vậy”.
Anh cho biết mình đã trả hơn 6.800 đô la Hong Kong (hơn 20 triệu) tiền thuê nhà mỗi tháng, cộng thêm gần 700 đô la Hong Kong (khoảng 2 triệu) tiền điện nước cùng các tiện ích khác.Với thu nhập bị cắt giảm do đại dịch chỉ còn khoảng 9000 đô la Hong Kong/tháng, Wong lo rằng gia đình anh sẽ phải chuyển tới một nơi ở bé hơn nếu công ty tiếp tục trừ lương nhân viên.
“Tôi chỉ hy vọng chính quyền tìm ra cách giảm thời gian chờ thuê đối với nhà ở công”, anh cho hay.
Được biết, nhà quan tài cũng nằm trong chuỗi nhà ở công được Hong Kong (Trung Quốc) khởi động từ năm 1954 nhằm cung cấp nhà thuê giá rẻ cho các người dân thu nhập thấp. Hiện nay, đa số dân Hong Kong đều ở trong các căn hộ thuê kiểu này dù họ phải đăng ký từ trước và chờ rất lâu mới đến lượt.
Tính đến cuối tháng 3/2021, có khoảng 153.300 người nộp đơn xin thuê nhà ở công giống như Wong, với thời gian chờ trung bình là 5,8 năm, thậm chí là 22 năm, gần gấp đôi thời gian chờ mà giới chức trách cam kết trước đó.
“Thật buồn cho người dân Hong Kong. Tiết kiệm cả đời cũng chỉ đủ mua một chỗ chui ra chui vào bé nhỏ như vậy thôi”, một người đàn ông vừa mua được căn hộ rộng 22m2 cho biết.
Theo: Bloomberg, SCMP
Huệ Anh