(Tổ Quốc) - Trái với suy nghĩ của nhiều người về cuộc sống "ăn sung mặc sướng", nhiều thanh niên con nhà giàu thậm chí còn vất vả hơn những người bình thường rất nhiều lần.
Ở Trung Quốc, mọi người có một cái tên đặc biệt dành riêng cho con cái của những gia đình giàu có, đó là "phú nhị đại". Từ trước đến nay, khi nhắc đến những đứa trẻ lớn lên trong các gia đình tài phiệt, hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến những thanh niên tiêu tiền như nước, hàng ngày chỉ biết mua sắm hàng hiệu.
Thống kê cho thấy, năm 2016, tổng số người nhập cư giàu có vào Trung Quốc đứng thứ hai thế giới. Trong mười năm qua, đã có hơn 90.000 người thuộc giới phú nhị đại chọn Trung Quốc là điểm dừng chân.
Từ nhỏ họ đã được hưởng điều kiện gia đình thuận lợi và sở hữu khối tài sản khổng lồ. Tuy nhiên trên thực tế, cuộc sống của những đứa trẻ sinh ra từ vạch đích không phải lúc nào cũng "màu hồng" như trong tưởng tượng.
1. Sinh ra ở vạch đích chưa chắc đã nhàn hạ
Tiểu Khả đến từ Bắc Kinh đang theo học tại trường Hockaday, một trường nữ sinh tư thục ở Dallas, Mỹ.
Được thành lập vào năm 1913, trường tuyển sinh từ mẫu giáo đến lớp 12. Đây là một trong những trường tư thục hàng đầu tại Hoa Kỳ. Cả ba "ái nữ" nhà Bush cũng đều tốt nghiệp ngôi trường này.
Điều kiện theo học tại trường vô cùng khốc liệt. Tiểu Khả cho biết các hoạt động trong ngày của cô yêu cầu cô phải làm việc hết công suất. Cô thường rời bàn học từ 12 giờ đêm, 5 giờ sáng lại dậy học thuộc từ vựng, ôn lại nội dung bài hôm trước và xem trước các bài trong ngày.
Trong 24 giờ một ngày, trừ thời gian để ngủ, cô dành tất cả thời gian còn lại cho việc học. Trong trường, giáo viên sẽ viết tất cả những việc phải làm trong một tuần lên bảng trắng ở lối đi để nhắc nhở học sinh về thời gian biểu hàng ngày.
Nhiều gia đình giàu có cho con mình theo học tại trường Hockaday. Hình ảnh: Internet
Trong một thời gian dài, Tiểu Khả không thể ngồi trên ghế vì đau thắt lưng. Chứng kiến những khó khăn mà con gái đã trải qua tại trường học, mẹ của cô không hề bất ngờ. Tiểu Khả cho biết các bạn của mình thường xuyên kiệt sức vì lịch trình học tập và các hoạt động khác nhau. Họ thậm chí phải xin vào phòng đặc biệt để nghỉ ngơi lấy sức trước khi bước vào giờ học mới.
Ở cương vị của một người phụ huynh, bà hiểu rằng việc học tập ở nước ngoài một mình là điều không dễ dàng đối với con gái. Nhưng bà tin rằng nếm trải đau khổ là cách duy nhất để trưởng thành.
"Đứa trẻ sẽ phải trải qua thử thách. Nếu không có trải nghiệm, chúng mãi mãi không thể trưởng thành", mẹ Tiểu Khả cho biết.
2. Học phí đắt đỏ xứng tầm ngôi trường danh giá
Cũng giống như mẹ của Tiểu Khả, phụ huynh của học sinh ở ngôi trường này hầu hết đều là những doanh nhân thành đạt. Họ phải trả hơn 55.000 đô la Mỹ mỗi năm cho con mình để được theo học tại đây.
Một mặt, bà khẳng định "áp lực học tập hiện tại quả thực rất lớn". Đồng thời, nữ doanh nhân cũng chia sẻ: "Muốn trở thành người ưu tú trong xã hội này thì phải nỗ lực như vậy".
Mặc dù rất nghiêm khắc với con ở trường, nhưng mẹ của Tiểu Khả lại là người ủng hộ con gái nhất trong cuộc sống thường ngày. Để tiện chăm sóc hai đứa con, bà đã mua một căn hộ đối diện trường và tìm người giúp việc để các con được nghỉ ngơi vào cuối tuần.
3. Sách vở không phải là tất cả
Ngoài việc học trên giảng đường, Tiểu Khả còn là vận động viên đấu kiếm của trường. Quá trình luyện tập không ngừng khiến cô nhận ra rằng "tính kiên nhẫn của mình đã được rèn giũa, nhờ đó cô học được cách kiên trì trong mọi việc" .
Trong 4 năm liên tục, Tiểu Khả đến viện dưỡng lão địa phương làm tình nguyện viên. Cô và những người bạn của mình giúp đỡ và bầu bạn với những cụ già 90, thậm chí 100 tuổi, một số không thể nói hoặc cử động... Thời gian đầu, cô thậm chí đã sụt hơn 5 kg.
Chính nhờ kinh nghiệm làm từ thiện trong nhiều năm, cùng với các hoạt động ngoại khóa khác được tổ chức trong năm học, Tiểu Khả đã tìm được cảm hứng và mục tiêu suốt đời của mình.
Một nhóm phú nhị đại vẫn đang nỗ lực không ngừng để "vượt sướng". Hình ảnh: Internet
Hầu hết những sinh viên theo học tại trường đều có xuất thân gia đình "phú quý". Nhưng theo quan điểm của Tiểu Khả, tất cả bạn bè và cô đều là những người bình thường và có chung giá trị như nhau.
Khác với hình ảnh "phú nữ" được nhiều người nghĩ tới, những cô gái này không mặn mà phô trương sự giàu có, họ vẫn ưu tiên chọn mua một chiếc mũ đội đầu vừa rẻ vừa tốt vào đêm trước lễ tốt nghiệp.
Những cô gái này không quan tâm đến cái mác "phú nhị đại" mà dành thời gian để trau dồi kiến thức và kỹ năng cho bản thân. Khi được hỏi về hình ảnh "thế hệ thứ hai giàu có" mà giới truyền thông đưa ra, Tiểu Khả cho biết cô đã từng thấy những câu chuyện về những người giàu tiêu xài phung phí và mua xe hơi trên Weibo.
Tuy nhiên theo cô, đó chỉ là một phần trong số đông: "Những người tôi quen đều rất tử tế và tốt bụng. Đặc biệt họ không ngừng hoàn thiện mình để trở thành những người tốt hơn".
Giới nhà giàu luôn là chủ đề được mọi người quan tâm và chú ý. Tuy nhiên trên thế giới, vẫn còn nhiều góc khuất mà chúng ta chưa biết. Hiện nay vẫn còn rất nhiều "phú nhị đại" xuất thân từ vạch đích nhưng không ngừng nỗ lực.
Nguồn: Zhihu
Thuỳ Anh