(Tổ Quốc) - "Mình thì xác định từ thời trẻ, kiếm thật nhiều tiền càng sớm càng tốt. Thế nên mình muốn thật xuất sắc ở một chuyên môn nào đó để có thể ngồi đâu cũng kiếm được tiền?", cựu giám đốc ngân hàng Châu Phạm chia sẻ.
Chị Phạm Thị Ngọc Châu (sinh năm 1984, đang sống tại Sài Gòn) từng nhiều năm làm việc trong ngành ngân hàng. Trong đó ở vị trí nhân viên hơn 3 năm, cấp trưởng phòng hơn 2 năm và còn lại là Giám đốc phòng giao dịch hoặc Phó Giám đốc chi nhánh.
Xuất thân từ một cô gái ở quê lên Sài Gòn, tự nhận "nhan sắc bình thường", gia cảnh không có gì nổi bật, hành trình thăng tiến của chị Ngọc Châu khiến không ít người ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, khi sự nghiệp thành công, con đường thăng tiến đang rộng mở, chị Châu bất ngờ quyết định "thất nghiệp chủ động ở tuổi 32" để thoát khỏi guồng quay công việc. Câu chuyện ở tuổi 32 để theo đuổi đam mê làm sách tài chính và lối sống tối giản của chị từng "gây bão" trong cộng đồng.
Mới đây, chị Châu đã có bài viết chia sẻ chi tiết về hành trình của mình từ lúc mới ra trường với mức lương chỉ khoảng 2 triệu đồng tới khi đạt được tự do tài chính, làm chủ cuộc sống của mình. Dưới đây là chi tiết hành trình của chị:
1. Khởi đầu với mức lương bèo
Ngày mới ra trường, mình xin được học việc tại một ngân hàng chỉ tầm 2 triệu đồng. Đến khi mình được trở thành nhân viên chính thức, lương được tăng lên hơn 3 triệu đồng một tháng, số tiền này đơn thuần chỉ đáp ứng được cuộc sống cơ bản và dư ra chút chút.
Dù lương thấp, nhưng mình cũng bắt đầu tập tành tự thiết lập kế hoạch cuộc đời mình trong giai đoạn 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm và đến khi mất. Các mục tiêu ấy bao gồm: gia đình, sức khỏe, mối quan hệ, phát triển bản thân, sự nghiệp, dòng tiền, tài sản…
2. Làm việc/đầu tư ban đầu xác định VÌ TIỀN nhưng KHÔNG PHẢI VÌ TIỀN
Ngày mới đi làm ngân hàng, mình xác định bao nhiêu năm cần thăng tiến. Cần những điều kiện gì để được thăng tiến. Thiếu thì học và lấp đầy.
Trong khi làm việc, bản thân cần gì? Cần các kiến thức và kinh nghiệm mà khách hàng chia sẻ, cần các kỹ năng mà cơ quan đào tạo, và cần nhiều thứ khác để chuẩn bị cho một cuộc đời mới.
Bạn mới đi làm, bạn đừng nên chỉ chăm bẳm vào lương, bạn đừng cân đo đong đếm từng công sức của mình được định giá bao nhiêu. Cái bạn cần là kế hoạch gì cho sự phát triển của mình, thì làm bao nhiêu tiền cũng không là đủ.
Thế nên, mình xác định trong 10 năm đầu, gần như lao đi Kiếm Tiền nhưng lại Không Vì tiền.
3. Lấp đầy những mục tiêu tài chính quan trọng
Các mục tiêu tài chính bạn cần thiết lập và lấp đầy như sau: Ví dự phòng khẩn cấp, Ví hưu trí, Ví sức khoẻ, Ví mua nhà/xe, Ví phát triển bản thân, Ví đầu tư, Ví kết hôn, Ví giải trí,….
Thực ra chọn cái nào quan trọng nhất cũng rất khó, vấn đề của mỗi người mỗi khác, bạn khác mình, và mình khác mọi người. Thế nên mỗi người một lựa chọn. Như theo mình thì có 4 quỹ quan trọng nhất mình cần xử lý trước tiên: quỹ dự phòng khẩn cấp, bảo hiểm sức khoẻ, phát triển bản thân và đầu tư. Sau đó hãy từ từ lấp đầy các mục tiêu khác.
4. Làm thật thật giỏi để sở hữu 1 công thức kiếm tiền
Các đồng nghiệp cũ của mình, hiện cũng đang làm các giám đốc ngân hàng thỉnh thoảng có người nói với mình rằng. Giờ muốn nghỉ ngân hàng để làm gì đó, nhưng làm gì, các anh chị em ấy biết rất nhiều, giỏi hơn mình rất nhiều, nhưng vấn đề là, cái gì cũng biết nhưng không biết nên làm gì?
Mình thì xác định từ thời trẻ, kiếm thật nhiều tiền càng sớm càng tốt. Thế nên mình muốn thật xuất sắc ở một chuyên môn nào đó để có thể ngồi đâu cũng kiếm được tiền?
Với tư duy này, mình chọn môn Tài chính để phát triển một cách tối đa năng lực của bản thân.
Đến hiện tại, mình đã xây dựng được 1 thương hiệu sách, có được 1 dòng tiền nhỏ nhỏ từ viết, 1 dòng tiền nhỏ nhỏ từ chuyên môn,… và sắp tới nữa là 1 dòng tiền từ phần mềm mà mình nghiên cứu và ra mắt. Tất cả các kết quả đạt được ngày nay, chỉ xoay quanh 1 thứ mình giỏi nhất: Tài chính.
5. Xây dựng và kích hoạt hệ thống kiếm tiền
- Xác định sản phẩm: Kinh nghiệm cá nhân của mình là chọn những sản phẩm có liên quan đến chuyên môn của mình cũng như có khả năng quốc tế hoá thì sức sống sẽ bền hơn và rộng hơn.
Như mình chọn sách, phần mềm thì sẽ đăng ký được bản quyền tác giả, sản phẩm cũng có thể bán cho khách hàng quốc tế trên amazon,…
- Hệ thống: Lập bảng kế hoạch kinh doanh dự án của bạn một cách chi tiết, cố gắng quy trình hoá và xây dựng cho mình một hệ thống kinh doanh tự động và bán tự động.
Phần dự án và hệ thống, nếu bạn cần một doanh nghiệp thì có thể bạn sẽ cần một đơn vị dịch vụ chuyên nghiệp tư vấn để làm được tốt hơn. Còn nếu bạn chỉ là phát triển sản phẩm của bản thân thôi thì hãy tự lên kế hoạch cho mình nhé.
Châu Phạm