(Tổ Quốc) - Khởi điểm gian nan, công ty bị nghi ngờ là lừa đảo nhưng Trình Duy và các cộng sự không lựa chọn từ bỏ. Sau đó, một trận bão tuyết định mệnh đã hoàn toàn "thay đổi cuộc chơi", đưa anh vào hàng ngũ tỷ phú USD trẻ tuổi.
Hầu hết chúng ta đã quen thuộc với những cái tên như Grab và Uber, nhưng ở Trung Quốc, Didi Chuxing mới là sự lựa chọn số một. Ứng dụng di chuyển này chiếm tới 90 phần trăm thị phần của đất nước tỷ dân.
Là nhà sáng lập của thương hiệu chiếm vị thế gần như “độc tôn”, Trình Duy đã chính thức trở thành tỷ phú vào tháng 3 năm 2016 khi giá trị tài sản vượt con số 1 tỷ USD. Anh còn được gọi bằng tên Cheng Wei hoặc Will Wei Cheng.
Tới thời điểm hiện nay, người đàn ông 38 tuổi này đã nâng giá trị ròng của mình lên 2,3 tỷ USD, theo Forbes. Anh cũng trở thành 1 trong 2 doanh nhân Trung Quốc duy nhất lọt vào “Danh sách 20 người có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thế giới năm 2017”, theo Tạp chí Time.
Chân dung của tỷ phú trẻ Trình Duy, nhà sáng lập ứng dụng chạy xe công nghệ Didi.
Didi Global của vị tỷ phú trẻ đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York vào tháng 6 năm 2021. Tuy nhiên, chỉ sau đó chưa đầy một tuần, doanh nghiệp đã chịu một cú sốc lớn khi chính phủ Trung Quốc ra lệnh cho các nền tảng điều hành lập tức loại bỏ app Didi, không cho phép mọi người tiếp tục truy cập hay sử dụng.
Quyết định khởi nghiệp từ trong gian truân
Trước khi sự cố này xảy ra, Trình Duy đã được công nhận là một trong những CEO giàu có và có tầm ảnh hưởng hàng đầu ở Trung Quốc. Doanh nhân này đã làm điều đó như thế nào?
Trình Duy sinh năm 1983, trong một thị trấn nhỏ tại tỉnh Giang Tây, phía đông nam Trung Quốc. Anh từng theo học Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp, anh làm trợ lý cho chủ tịch của một công ty chăm sóc sức khoẻ, nhưng công việc này không đáp ứng kỳ vọng của anh.
Trụ sở của gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing ở Bắc Kinh, do Trình Duy thành lập năm 2012. Ảnh: AFP
Từ năm 2005, Trình Duy gia nhập đội ngũ bán hàng tại Alibaba. Nhờ thành tích công việc tuyệt vời, anh bắt đầu được đề bạt và thăng tiến.
Năm 2011, anh trở thành giám đốc khu vực trẻ nhất của bộ phận B2B của Alibaba. Cùng năm, chàng trai trẻ họ Trình được thăng chức làm Phó Tổng giám đốc Bộ phận kinh doanh B2C của Alipay, chịu trách nhiệm cập cảng các sản phẩm Alipay với các thương gia.
6 năm tại Alibaba đã giúp Trình Duy mở rộng tầm nhìn từ việc bán hàng bình thường chuyển sang phát triển năng lực toàn diện hơn. Cương vị quản lý hay Phó Tổng giám đốc đều là những dấu mốc quan trọng, tạo điều kiện để anh không ngừng tích lũy giá trị bản thân.
Sau đó, vào năm 2012, Trình Duy rời Alibaba để đăng ký thành lập công ty riêng của mình, đó là Beijing Orange Technology. Đây là bước đầu tiên để ra mắt công ty Didi Dache, sau này trở thành Didi Chuxing.
Hình ảnh trụ sở của Didi. Ảnh: SCMP
Đối mặt khó khăn, chật vật tìm chỗ đứng
Chặng đường bắt đầu bao giờ cũng là chặng đường vất vả nhất. Trình Duy và các cộng sự của mình liên tục gặp khó khăn. Họ không chiếm được cảm tình của người dùng cũng như giành được lòng tin từ các tài xế.
Thời điểm đó, mọi người đều không có niềm tin về một thành công trong tương lai. Thậm chí, một người bạn của Trình Duy là tỷ phú Vương Hưng, hiện đang là CEO Meituan-Dianping, cũng khuyên anh từ bỏ ý tưởng thất bại này.
Thời điểm tháng 6 năm 2012, Trình Duy bắt đầu gây dựng sự nghiệp. Tới tháng 7, nhóm của anh đã gõ cửa hơn 100 hãng taxi mà không nhận được bất cứ một lời hồi đáp nào.
Vào tháng 8, Didi Taxi mới tìm được đối tác đầu tiên. Đó là hãng Trường Bình ở Bắc Kinh, một xí nghiệp nhỏ chỉ có khoảng 200 taxi hoạt động. Trong buổi họp giới thiệu sản phẩm với các tài xế, chỉ có khoảng 100 người tham gia và 20 người trong số đó có sử dụng điện thoại thông minh.
Vào ngày 9 tháng 9 năm 2012, "Didi Taxi" đã được trang bị cho 500 tài xế taxi và chính thức bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất 8 người sử dụng hệ thống. Nhiều lái xe cho rằng, Didi móc nối với nhà điều hành để lừa dối và gian lận.
Thời điểm ấy, để gia tăng số lượng tài xế, Trình Duy đã phải đề ra chính sách trợ cấp thêm cho mỗi người 5 Nhân dân tệ.
Vào tháng 11 năm 2012, lần đầu tiên ứng dụng ghi nhận hơn 100 xe taxi đang hoạt động. Công ty cũng thành công kêu gọi Jinshajiang Venture Capital góp vốn với con số là 3 triệu đô la Mỹ.
Bước ngoặt lớn đến với Trình Duy trong một trận bão tuyết định mệnh ở Bắc Kinh. Hầu như không ai có thể đứng bắt taxi ngay trên đường phố được nữa. Mọi người bắt đầu tải xuống ứng dụng Didi với số lượng lớn.
Từ đây, sự tiện lợi đến từ công nghệ bắt đầu được người dùng đón nhận. Khi nhu cầu gia tăng, các tài xế cũng chủ động cài đặt và đăng ký sử dụng ứng dụng.
Năm 2013, Trình Duy nhận được khoản tài trợ trị giá 15 triệu đô la Mỹ từ Tencent. Khoản đầu tư lớn cho phép anh gia tăng năng lực cạnh tranh, tối ưu thêm hệ thống và nâng cao trải nghiệm người dùng.
Từng bước “thống trị” thị trường, đánh bại doanh nghiệp ngoại khổng lồ
Đầu năm 2015, Didi đã dần có vị thế của riêng mình, áp đảo hơn hẳn các đối thủ khác đến từ nội địa. Trình Duy đã quyết định tiến hành thâu tóm, sáp nhập Kuaidi trong một thương vụ trị giá 6 tỷ USD nhằm cắt giảm chi phí cạnh tranh.
Sau bước M&A, Didi trở thành ứng dụng gọi xe lớn nhất của Trung Quốc, sau này đổi tên thành Didi Chuxing.
Các nhà đầu tư và nhân viên của công ty đều đánh giá cao bản lĩnh lãnh đạo của doanh nhân họ Trình. Mọi người mô tả anh là người có cái đầu lạnh cùng nhãn quan chiến lược sắc sảo.
Đây cũng chính là yếu tố giúp cho Trình Duy tiếp tục đưa Didi đánh bại đối thủ ngoại tầm cỡ là Uber trong cuộc chiến giành thị phần tại Trung Quốc. Tính đến cuối tháng 6/2015, trong khi gã khổng lồ Uber chỉ chiếm 15% thì Didi đã nắm trong tay tới 80% thị phần gọi xe tại Trung Quốc tính theo số lượt đi.
Trong một chuyến đi thực địa năm 2015, Trình Duy có buổi gặp mặt với Tổng giám đốc Uber lúc đó tại Trung Quốc là ông Travis Kalanick. Uber đã ngỏ lời đầu tư vào Didi, nhưng anh cho rằng đó là lời đề nghị thâu tóm.
Để đáp trả, vị doanh nhân trẻ đã mua lại luôn chi nhánh Uber Trung Quốc vào tháng 8/2016. Như vậy, Didi sẽ nắm giữ toàn bộ tài sản gồm thương hiệu, hoạt động kinh doanh, dữ liệu vận hành của Uber tại Trung Quốc đại lục.
Điều này cho thấy rằng, Uber có thể nhanh chân hơn trên thị trường toàn cầu, nhưng ở Trung Quốc, Didi vẫn chiếm thượng phong.
Đến năm 2017, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin, Didi Chuxing đã hoàn thành tổng cộng 7,43 tỷ chuyến xe qua 400 thành phố trên khắp Trung Quốc.
Vào tháng 5 năm 2017, Trình Duy được Forbes bầu chọn là "Global Game Changers" (Người thay đổi cuộc chơi toàn cầu). Danh hiệu “đáng gờm” này từng thuộc về người sáng lập Alibaba - Jack Ma và người sáng lập Amazon - Jeff Bezos vào năm 2016.
Tại Trung Quốc, anh cũng được tạp chí Fortune China bình chọn là một trong "50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất Trung Quốc năm 2017".
Sau khi thống trị thị trường nội địa, Didi bắt đầu những chiến lược để vươn tầm thế giới. Tới năm 2021, Didi đã có hoạt động tại tổng cộng 16 quốc gia khác, bao gồm Brazil, Mexico và Nga. Doanh nghiệp cũng được tạp chí Time vinh danh là một trong những công ty có ảnh hưởng nhất trên thế giới.
Về bản lĩnh của vị tỷ phú trẻ, Trung Quốc Jiangxi Net Review đã phải đưa ra nhận xét rằng: “Trình Duy là một doanh nhân rất giỏi trong việc khai thác các cơ hội kinh doanh và sở hữu một tinh thần tiên phong hiếm có.”
*Tổng hợp
Phương Thúy