(Tổ Quốc) - Nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch lãi bằng lần trong năm 2022.
CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) vừa công bố báo cáo chuyên đề để giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn cảnh về bức tranh lợi nhuận năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết. Tâm điểm chú ý dồn về nhóm bất động sản và xây dựng khi lên kế hoạch lãi lớn trong năm 2022.
Nhóm Bất động sản: CII đặt kế hoạch lợi nhuận tăng đột biến lên 757 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 341 tỷ đồng bởi ghi nhận lợi nhuận từ việc thoái vốn tại công ty con – NBB, bán cổ phiếu quỹ và sự hồi phục mảng BOT.
Nhóm Bất động sản KCN: KBC dẫn đầu về kế hoạch lợi nhuận năm 2022 với mức tăng trưởng lên đến 474%. Cụ thể, KBC đặt mục tiêu lãi trước thuế 4.500 tỷ đồng nhờ ghi nhận doanh thu bán sỉ 30ha dự án Khu đô thị Tràng Cát.
Nhiều doanh nghiệp Bất động sản KCN đặt kế hoạch lãi lớn. Nguồn VNDirect
Nhóm Xây dựng: Năm nay dự báo cũng có một năm "bùng nổ" của nhóm xây dựng với lực đỡ từ đầu tư công, loạt doanh nghiệp đặt mục tiêu lãi đậm trên 100%.
C4G dự kiến lãi trước thuế năm 2022 đạt 300 tỷ đồng, tăng gấp 348% so với cùng kỳ với kỳ vọng được hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công.
HBC cũng đặt kế hoạch lãi lớn khi tăng 329% lên 420 tỷ đồng. Theo HBC, giá trị ký mới tăng cao trong năm 2021 và kỳ vọng xây dựng không bị gián đoạn bởi dịch bệnh giúp đảm bảo tăng trưởng kinh doanh năm 2022.
VC2 và FCN cũng dự tính lãi trước thuế tăng lần lượt 167% và 144% so với cùng kỳ.
Nhóm Ngân hàng: Dẫn đầu là EIB khi lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 99% so với mức thực hiện năm 2021. Theo đó, tổng tài sản tăng 8% và tăng trưởng tín dụng 13.5% so với cùng kỳ.
MSB cũng đặt mục tiêu ấn tượng khi lãi tăng trưởng 32% lên 6.800 tỷ đồng. MSB dự kiến tổng tài sản tăng 15% lên 230.000 tỷ đồng, tín dụng tăng 25%. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng lên kế hoạch chuyển nhượng CTTC FCCOM.
Tương tự, VIB cũng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 31%. Ngân hàng dự báo tăng trưởng tín dụng 30%, tăng trưởng huy động 30%. Đồng thời, VIB cũng lên kế hoạch chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu.
Nhóm Chứng khoán: Khép lại một năm thăng hoa, nhiều Công ty chứng khoán có vẻ thận trọng hơn trong kế hoạch kinh doanh năm nay khi đặt mục tiêu lợi nhuận chủ yếu đi ngang hoặc giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Nhóm Thép: Năm 2022 được dự báo là năm khó khăn với nhóm thép, nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch lợi nhuận "đi lùi" so với cùng kỳ. SMC đặt kế hoạch lãi trước thuế đạt 300 tỷ đồng, giảm mạnh 66,8% so với năm trước. Nguyên nhân là do lo ngại biên lợi nhuận ngành thép suy giảm trong năm 2022.
HSG cũng dự tính lợi nhuận giảm 42% xuống 2.500 tỷ đồng do sự biến động của giá nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, kế hoạch sản lượng tiêu thụ giảm 11% và lo ngại biên lợi nhuận gộp mảng thép suy giảm trong năm 2022.
Nhóm Dầu khí: Trái ngược với đà tăng giá cổ phiếu trong thời gian qua, nhóm Dầu khí lại dự tính kết quả kinh doanh không mấy tích cực. BSR đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng âm 79% so với cùng kỳ. PVT cũng lên kế hoạch lợi nhuận đạt 600 tỷ đồng, giảm 43% so với mức thực hiện năm trước.
Nhóm Hóa chất: Hai "ông lớn" DCM và DPM cũng dự kiến lợi nhuận giảm lần lượt 73% và 70% so với cùng kỳ.
Nhóm Bán lẻ: Dù không có mức tăng trưởng mạnh, song nhóm này cũng dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận khá đều đặn từ 21.5%-30% so với cùng kỳ.
Minh Minh