(Tổ Quốc) - Theo đại diện AWS, trên hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, các kiến thức về công nghệ điện toán đám mây cần được phổ biến đến tất cả tầng lớp nhân viên, từ đội ngũ kỹ thuật đến phi kỹ thuật.
Vài năm gần đây, cụm từ chuyển đổi số được đề cập liên tục trên truyền thông Việt Nam. Và với các doanh nghiệp nói chung, 3 từ khóa đảm bảo quá trình này chính là: Con người; Thể chế; Công nghệ.
Riêng trong yếu tố công nghệ, một phần không thể không nhắc đến chính là công nghệ điện toán đám mây. Ông Emmanuel Pillai, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Amazon Web Services (AWS), AWS khu vực ASEAN nhận định: "Về cơ bản điện toán đám mây giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian, hỗ trợ đổi mới sáng tạo để phát triển sản phẩm, tiếp cận thị trường nhanh hơn".
Ông Emmanuel phân tích ví dụ, một doanh nghiệp muốn xây dựng trung tâm dữ liệu thì cần các máy chủ có tiêu chuẩn cao để đảm bảo dịch vụ họ cung cấp cho khách hàng không gặp sự cố ngừng trệ. Nhưng đầu tư vào hệ thống cao cấp như vậy sẽ rất tốn kém, nên thay vào đó, doanh nghiệp có thể chuyển sang sử dụng điện toán đám mây để tiết kiệm chi phí.
Hay thông thường, xây dựng hạ tầng từ máy chủ cho đến thiết bị lưu trữ sẽ cần thời gian là 12 tuần, thậm chí dài hơn nhưng với điện toán đám mây, việc này chỉ cần vài phút.
"Tốc độ như vậy giúp mỗi doanh nghiệp có nhiều dư địa để thí điểm và kiểm chứng các sản phẩm mới, thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo. Đặc biệt trong thời buổi hiện nay, nhu cầu của khách hàng thay đổi liên tục nên rất khó để dự đoán nhu cầu của họ trong vòng 3 tháng, 6 tháng chứ chưa nói đến 1 năm. Vì thế chúng tôi có mặt để đào tạo và trang bị cho doanh nghiệp kỹ năng đám mây, giúp họ có thể phát triển và sáng tạo trên nền tảng đám mây", ông Emmanuel nói.
Tại Việt Nam, nhiều đơn vị đang chuyển sang điện toán đám mây, số hóa doanh nghiệp càng nhanh càng tốt để tạo ra những mô hình kinh doanh mới trong phân khúc của mình, ví dụ như TNEX, FE Credit, Techcombank. Từ nhu cầu này, AWS không chỉ cung cấp công nghệ mà còn triển khai các khóa đào tạo trực tiếp lẫn trực tuyến, giúp nhân sự trong doanh nghiệp nâng cao hiểu biết cũng như năng lực triển khai công nghệ điện toán đám mây.
Ông Emmanuel Pillai, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo AWS, AWS khu vực ASEAN.
Ông Emmanuel đặc biệt nhấn mạnh kiến thức về điện toán đám mây cần được triển khai cho toàn bộ nhân sự dù họ làm ở vị trí nào, từ kỹ thuật cho đến bán hàng, tiếp thị, tài chính, nhân sự… Chẳng hạn, các nhà phân tích hệ thống kinh doanh có thể sử dụng đám mây điện toán để tìm ra cơ hội tăng trưởng mới. Còn các nhà quản lý chương trình có thể tích hợp phần mềm điện toán đám mây vào quá trình thực thi chiến lược chung của họ. Nhờ đó, mọi người có cùng chung ngôn ngữ cũng như hiểu rõ sức mạnh của điện toán đám mây, giúp họ đổi mới sáng tạo nhanh hơn và tiếp cận thị trường nhanh hơn.
Vị đại diện AWS cho biết tại Việt Nam, Techcombank hiện cũng đang áp dụng các chương trình của AWS để đào tạo điện toán đám mây cho 700 nhân viên. Trong vòng 2 năm tới, con số này sẽ là 2.000 người, với các khóa đào tạo nền tảng cho nhân viên phi kỹ thuật. Trong khi đó, đội ngũ kỹ thuật sẽ tiếp cận với các nội dung trình độ trung bình và cao, bao gồm kiến trúc, phát triển, máy học, an ninh bảo mật,…
Về chi phí đào tạo, ông Emmanuel tiết lộ rằng AWS luôn sẵn sàng cung cấp các khóa học điện toán đám mây miễn phí ở thời điểm ban đầu cho doanh nghiệp hay những học viên có nhu cầu. Sau đó, nếu người học muốn tiếp cận sâu hơn thì AWS sẽ thiết kế các khóa học có giảng viên trực tiếp với nội dung và thời gian được cá nhân hóa cho phù hợp,
"Tôi muốn nói rằng, AWS luôn luôn có mặt để hỗ trợ các khách hàng tại Việt Nam. Chúng tôi đầu tư vào 2 văn phòng tại Việt Nam và phát triển đội ngũ, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn khu vực ASEAN để đảm bảo rằng bất cứ khách hàng nào có tầm nhìn và chiến lược về điện toán đám mây đều được chúng tôi hỗ trợ hết khả năng, dù là miễn phí hay trả phí", ông khẳng định.
Một nghiên cứu của 451 Research gần đây dẫn lời 85% các nhà lãnh đạo công nghệ thông tin rằng nhân viên của họ thiếu kỹ năng để chuyển đổi số, để chuyển đổi sang điện toán đám mây. Trong khi đó, nghiên cứu của AlphaBeta cho thấy tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, tới năm 2025, khoảng trống với nhân viên kỹ năng số là khoảng 670 triệu người, trong khi dân số ASEAN cũng chỉ khoảng số này.
Từ năm 2012, AWS đã có chương trình đào tạo cấp chứng chỉ, cung cấp nội dung và các khoá học về kỹ năng đám mây cho đối tác và khách hàng. Qua đó, họ có thể xoá bỏ khoảng trống về kỹ năng, nâng cao năng lực để đổi mới sáng tạo trên nền tảng điện toán đám mây của AWS.
Ánh Dương