Đại gia Thái Lan SCG: Từ những chiếc giường bằng bìa carton đến cam kết giảm phát thải CO2 về 0 và phát triển Kinh tế Tuần hoàn ở Việt Nam

(Tổ Quốc) - SCG (Thái Lan) được thành lập vào năm 1913 theo sắc lệnh hoàng gia của Đức Vua Rama VI về sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng chính cho các dự án cơ sở hạ tầng. Năm 1992, SCG bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược với 3 nhóm ngành chính là: xi măng - vật liệu xây dựng - hóa dầu và bao bì.

Ngày 28/06/2022, Tập đoàn SCG cùng với một số doanh nghiệp Thái Lan đang hoạt động tại Việt Nam đã tham dự vào "Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam" do Bộ tài nguyên và môi trường chủ trì tổ chức.

Phát biểu mở đầu Hội Nghị, Bộ trưởng Bộ tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà đã có hình ảnh ví von rất đáng suy ngẫm về những tác hại của biến đổi khí hậu toàn cầu và ô nhiễm môi trường: "Nếu như chúng ta tiếp tục đi như thế này, chỉ có 1 cách là chúng ta cần tìm thêm đến 3 Trái đất giống chúng ta nữa, thì mới có đủ điều kiện để đảm bảo cuộc sống như bây giờ". 

Đại gia Thái Lan SCG: Từ những chiếc giường bằng bìa carton đến cam kết giảm phát thải CO2 về 0 và phát triển Kinh tế Tuần hoàn ở Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà

Ông Roongrote Rangsiyopash - CEO của SCG bày tỏ quan điểm về sự quan trọng của phát triển bền vững trên góc nhìn của doanh nghiệp.

 "Tất cả chúng ta đều hiểu rằng chỉ phát triển vật chất và cơ sở hạ tầng là không đủ, sự phát triển đó cần được kết hợp với việc nâng cao nguồn nhân lực và cam kết về tính bền vững và bảo vệ môi trường. Lộ trình đến với một xã hội các-bon thấp, kết hợp với sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn sẽ dẫn đến sự thịnh vượng bền vững cho các quốc gia."

Dẫn chứng cho điều này, ông Roongrote nói: "Dữ liệu khoa học cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu và sự gia tăng phát thải khí nhà kính. Đồng thời, chúng ta cũng đang chứng kiến sự suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Đại gia Thái Lan SCG: Từ những chiếc giường bằng bìa carton đến cam kết giảm phát thải CO2 về 0 và phát triển Kinh tế Tuần hoàn ở Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành SCG

Với quá trình công nghiệp hóa và sự gia tăng tiêu dùng, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về cách xử lý chất thải. Ngoài ra, việc ô nhiễm môi trường biển do rác thải đã và đang đe dọa, phá hủy hệ sinh thái đáy biển. Nếu chúng ta có thể phân loại, thu gom, và tái chế rác thải, chúng ta có thể vượt qua thử thách này.

Bởi mỗi chúng ta đều bằng một cách nào đó tác động lên môi trường chúng ta sinh sống, mỗi chúng ta cần phải có trách nhiệm để bảo vệ môi trường. Hãy hành động ở mọi lúc, mọi nơi, tại nhà, tại công sở, hay trong tổ chức của bạn. Mỗi hành động nhỏ đều có ý nghĩa và ai cũng cần phải hành động."

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 bằng nguồn lực trong nước, cùng với sự đồng hành và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về phương diện tài chính và chuyển giao công nghệ, bao gồm các cơ chế thực hiện Hiệp định Paris.

Kinh tế tuần hoàn cùng với kinh tế xanh chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế thay đổi cơ bản về nguyên lý và tư duy phát triển. Nó được hiểu là 1 hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế. Chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống.

Nói một cách đơn giản, Kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn một phần góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đại gia Thái Lan SCG: Từ những chiếc giường bằng bìa carton đến cam kết giảm phát thải CO2 về 0 và phát triển Kinh tế Tuần hoàn ở Việt Nam - Ảnh 3.

Hình ảnh minh họa

"Kinh tế tuần hoàn là một cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam mà việc đầu tư vào hệ thống quản trị, phát triển thể chế và chính sách để thúc đẩy kinh doanh bền vững, giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sẽ giúp Việt Nam đảm bảo phục hồi kinh tế xanh trong tương lai", bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nói.

CEO của SCG khẳng định: "Kinh tế Tuần hoàn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty, khách hàng, chuỗi cung ứng và các bên tham gia trong chuỗi giá trị. Những nỗ lực chung và sự hợp tác giữa Bộ TN&MT cùng Mạng lưới đối tác doanh nghiệp Thái Lan ngày hôm nay chính là một minh chứng rõ ràng nhất, cùng nhau chúng ta có thể làm được nhiều hơn".

Ông Roongrote lấy ví dụ về thực tiễn kinh tế tuần hoàn ở SCG như dự án quản lý chất thải rắn ở Vũng Tàu do SCG Chemicals - thành viên tập đoàn SCG phối hợp với Bộ TN&MT, Ủy ban Nhân dân Thành phố Vũng Tàu, Liên minh Chấm dứt Rác thải Nhựa, Quỹ Sáng kiến Phát triển Đô thị Châu Á (CDIA), và tổ chức Innovation Norway thực hiện. Mục tiêu của dự án là nghiên cứu đánh giá giải pháp dài hạn nhằm nâng cao cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lý rác thải.

Những cải tiến cụ thể trong sản xuất của SCG cũng nhằm hướng tới Phát thải ròng bằng 0 như các sản phẩm xi măng mang nhãn hiệu SCG Green Choice tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Doanh nghiệp đã giảm phát thải 115.000 tấn CO2/năm, bằng cách:

- Giảm 72.000 tấn CO2/năm từ hệ thống thu hồi nhiệt khí thải tận dụng nhiệt dư thừa từ quá trình sản xuất để phát điện.

- Giảm 43.000 tấn CO2/năm từ việc thay thế nguyên liệu clinker trong sản xuất xi măng bằng tro tay.

Tại Diễn đàn, gần 20 gian hàng triển lãm của các doanh nghiệp trình diễn về khái niệm, cách tiếp cận và các mô hình KTTH được giới thiệu đến các đại biểu tham dự.

Khu vực trưng bày của Tập đoàn SCG trong Trung tâm Hội nghị quốc gia:

Đại gia Thái Lan SCG: Từ những chiếc giường bằng bìa carton đến cam kết giảm phát thải CO2 về 0 và phát triển Kinh tế Tuần hoàn ở Việt Nam - Ảnh 4.

Một sáng kiến "xanh" về giấy của SCGP

Đại gia Thái Lan SCG: Từ những chiếc giường bằng bìa carton đến cam kết giảm phát thải CO2 về 0 và phát triển Kinh tế Tuần hoàn ở Việt Nam - Ảnh 5.

Một góc trưng bày của SCG tại Hội nghị

Thông tin thêm bên lề Hội nghị, SCGP - mảng kinh doanh bao bì của SCG trong thời gian đại dịch Covid 19 khó khăn, đã nghiên cứu và phát triển sáng kiến giường làm bằng giấy tái chế. Trong vòng 2 tháng, 5.000 giường giấy được sản xuất và sử dụng tại nhiều bệnh viện dã chiến và khu cách ly với những tính năng vượt trội như nhẹ, chịu được tải trọng 100kg, dễ dàng tháo lắp, vận chuyển,... 

Tính đến Quý 3/2021, SCG đã có 23 công ty thành viên tại Việt Nam với hơn 15.000 nhân viên. 

Trọng Nghĩa

Tin mới