Ngày 18/10/2024, Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper cùng các quý đại biểu ngành y tế đã tham dự chương trình “Thương mình ở tương lai - Love your future self”, triển lãm về sức khỏe đầu tiên tại Việt Nam áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI – artificial intelligence) và công nghệ trình chiếu 3D.
Diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh từ 18/10 đến 20/10, triển lãm này hoàn toàn miễn phí cho người dân nhằm cung cấp cho cộng đồng kiến thức về HPV, tác hại do vi rút này gây ra, và cách dự phòng.
HPV là một loại vi rút gây u nhú phổ biến ở người, có thể gây ra nhiều loại ung thư và bệnh lý khác. HPV có thể nhiễm trên da, vùng sinh dục, và hầu họng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới ("WHO"), phần lớn những người có quan hệ tình dục có khả năng bị nhiễm vi rút này vào một thời điểm nào đó trong đời và thông thường không có triệu chứng (1). Nhiễm dai dẳng các týp HPV có nguy cơ cao có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo, ung thư hầu họng, ung thư dương vật, và ung thư hậu môn (2). Một số týp HPV khác có thể gây mụn cóc sinh dục (sùi mào gà).
GS.TS Vũ Sinh Nam, Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Hội Y học dự phòng Việt Nam nhận định triển lãm là cơ hội nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động, và lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của việc dự phòng, từ đó bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách bền vững. Ảnh: Đình Huy
Ứng dụng công nghệ để nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng
Đến với sự kiện này, người tham dự được trải nghiệm sự kết hợp độc đáo giữa công nghệ, nghệ thuật và kiến thức chăm sóc sức khỏe. Với thông điệp "Thương mình ở tương lai", triển lãm giúp người tham dự có thể kết nối giữa việc chăm sóc sức khỏe toàn diện (thân, tâm, và trí) với hình ảnh mô phỏng của chính mình trong tương lai 10-20 năm tới. Qua đó, người dân có cái nhìn chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình ngay từ hiện tại, đặc biệt là chú ý dự phòng các bệnh lý nguy hiểm bao gồm cả ung thư.
Có mặt tại triển lãm, ngài Marc E. Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ niềm vui khi chứng kiến sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc nâng cao nhận thức và giải quyết một vấn đề sức khỏe vừa có thể phòng ngừa vừa có thể điều trị được, và nhấn mạnh thêm rằng những nỗ lực liên tục từ cả khu vực công và tư có thể đạt được thành công lớn hơn trong việc phòng, chống lại các bệnh và ung thư, bao gồm cả những bệnh liên quan đến HPV tại Việt Nam.
Ngài Marc E. Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ niềm vui trước những nỗ lực liên tục từ khu vực công và tư trong việc chống lại các bệnh liên quan đến HPV tại Việt Nam. Ảnh: Đình Huy
Theo thống kê năm 2022 (2,3), ước tính có khoảng 794.000 trường hợp mắc mới ung thư liên quan đến HPV được chẩn đoán ở cả hai giới trên toàn cầu. Cũng trong năm 2022, tại Việt Nam (2,3), ước tính có hơn 6.200 người được chẩn đoán mắc mới các loại ung thư liên quan đến HPV và trong đó, đã có hơn 2.500 trường hợp tử vong do ung thư cổ tử cung được ghi nhận.
Tiến sĩ Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhấn mạnh sức mạnh cứu sống của vắc xin và đánh giá cao những nỗ lực trong việc nâng cao nhận thức cũng như mở rộng khả năng tiếp cận vắc xin HPV tại Việt Nam. Ông nhận định, "một thế giới mà phụ nữ trẻ ở Việt Nam được bảo vệ khỏi căn bệnh ung thư cổ tử cung sẽ là một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta."
Tiến sĩ Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết ung thư cổ tử cung không chỉ được phát hiện mà còn có thể dự phòng nhờ vào vắc xin HPV. Ảnh: Đình Huy
Thương mình ở tương lai, chủ động phòng vệ từ hiện tại
Với mục tiêu nâng cao tinh thần chủ động sống khỏe, khu vực triển lãm được thiết kế với ý tưởng du hành thời gian để người tham dự trải nghệm một hành trình khám phá tương lai đầy lý thú với các khu vực chủ đề ý nghĩa về sức khỏe và đời sống. Bà Katharina Geppert, Tổng Giám đốc MSD Việt Nam, chia sẻ tại buổi khai trương: "Chúng tôi đặt niềm tin và tâm huyết rất lớn vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng. Khi được tiếp cận thông tin về sức khỏe một cách chính xác, kịp thời, và dễ dàng, người dân có thể chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân và gia đình. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, chúng tôi khát khao cứu sống và cải thiện hàng triệu cuộc sống tại Việt Nam."
Bà Katharina Geppert, Tổng Giám đốc MSD Việt Nam phát biểu khai mạc triển lãm "Thương mình ở tương lai". Ảnh: Đình Huy
Công nghệ AI được ứng dụng tối đa tại triển lãm để truyền cảm hứng và nâng cao tương tác cho người dân trải nghiệm. Không chỉ được nhìn thấy hình ảnh mô phỏng của chính mình trong tương lai, người tham dự còn có cơ hội tương tác với Minah – Chuyên viên ảo về sức khỏe. Nhờ ứng dụng công nghệ AI, Minah có thể cung cấp thông tin cơ bản trước các thắc mắc về sức khỏe, đời sống, và các kiến thức để dự phòng HPV cho nhiều đối tượng: phụ huynh, thanh thiếu niên, hay người trưởng thành cả nữ và nam. Để có phương pháp dự phòng HPV phù hợp, người dân cần được tư vấn bởi bác sĩ đúng chuyên khoa tại cơ quan y tế được cấp phép.
Không chỉ cung cấp thông tin về tác hại và cách dự phòng HPV, triển lãm còn nhấn mạnh vai trò của sức khỏe toàn diện bằng công nghệ trình diễn ánh sáng với các thông điệp: Thân khỏe - Trí sáng - Tâm an. Chương trình còn có sự góp mặt của bộ sưu tập tranh "Kháng Thương" – những bức tranh nghệ thuật được vẽ nên từ các câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình vượt qua nỗi sợ và các tổn thương của những khách mời đặc biệt như: Bác sĩ Hiền Minh, Bác sĩ Thúy Ái, Ca sĩ Hương Tràm, cặp đôi Ninh Anh Bùi và Nguyễn Tùng Dương,v.v. Bộ sưu tập này là một phần của chương trình podcast cùng tên "Kháng Thương" được đồng sản xuất bởi Hội Y học dự phòng Việt Nam, MSD Việt Nam, và Vietcetera với mục tiêu nâng cao tinh thần chủ động sống lành mạnh.
Triển lãm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10, đây cũng là dịp ý nghĩa để tri ân và tôn vinh vai trò quan trọng của người phụ nữ trong sứ mệnh chăm sóc sức khỏe gia đình và cộng đồng.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.who.int/news-room/ fact-sheets/detail/human- papilloma-virus-and-cancer/
[2] de Martel et al, Lancet Global Health 2019, https://pubmed.ncbi.nlm.nih. gov/31862245/
[3] GLOBOCAN 2022 Report, Global Cancer Observatory