Đam mê là gì? Làm sao theo đuổi đam mê? Bài học từ những lần đặt cược "lột xác trày da tróc vảy" của PewPew

(Tổ Quốc) - Với PewPew, đam mê là khi rơi vào tình cảnh bần cùng nhất cuộc đời này, phải làm nhiều việc để bản thân không bị đói nhưng trong đầu bạn vẫn nghĩ về mục tiêu day dứt duy nhất đó.

Streamer đang là nghề rất hot trong giới trẻ ở Việt Nam trong vài năm gần đây. Nhắc đến những streamer game nổi tiếng không thể không kể PewPew. PewPew (tên thật Hoàng Văn Khoa, sinh năm 1991) là cựu du học sinh Australia ngành Kế toán. Trở về nước, PewPew dần dần được biết tới là một streamer game có lối nói chuyện thẳng thắn, hài hước. Hiện tại, anh sở hữu kênh có hơn 3,6 triệu người đăng ký.

Năm 2019, PewPew bất ngờ dừng sự nghiệp streamer để chuyển hướng kinh doanh ẩm thực với việc mở tiệm bánh mỳ PewPew và đầu tư trang trại tôm. Con đường sự nghiệp của PewPew cũng không ít lần bất ngờ rẽ hướng như vậy mà chính anh đánh giá là "lột xác trày da tróc vảy".

Tại sao PewPew dám làm những điều này? Trong một bài phỏng vấn cách đây không lâu, PewPew nhiều lần nhắc đến từ "Đam mê".

Đam mê là gì?

Nhớ lại những lần đặt cược số phận của mình, PewPew cho biết:

"Tôi đặt cược số phận của mình bằng những mục tiêu then chốt trong cuộc sống. Tôi gọi mục tiêu ấy là những lá bài quan trọng trong ván bài đời mình.

15 tuổi, tôi đặt ra mục tiêu phải đi du học, chấp nhận xa bố mẹ, gia đình.

16 tuổi, tôi đặt mục tiêu là phải đi làm và kiếm được những đồng tiền đầu tiên bằng chính sức lao động của bản thân. Và bưng phở ở một nhà hàng Việt ở Úc mang tới cho tôi một khoản thu nhập nho nhỏ đầu tiên.

Thời gian sau này, tôi làm ở McDonald's, từ nhân viên bình thường lên dần vị trí trainer, được tạo điều kiện học làm quản lý. Thế nhưng, khi có vị trí nhất định, tôi lại xin nghỉ việc và đi vác đồ thuê cho những hộ gia đình có nhu cầu chuyển nhà; làm công nhân dọn dẹp vệ sinh, lau chùi ở các club.

24 tuổi, tôi đặt mục tiêu đưa lĩnh vực stream về Việt Nam và gây dựng nó thành một nghề được cộng đồng biết đến.

27 tuổi tiến hành kinh doanh ở nhiều lĩnh vực và vẫn đang đặt cược, phiêu lưu với nó cho tới bây giờ.

Làm nhiều việc, biết chắc đồng tiền làm ra không dễ dàng, tôi mới biết rõ đâu thật sự là đam mê của mình. Nhiều người nói về đam mê, nhưng không hiểu ý nghĩa thật sự là gì. Với tôi, đam mê là khi rơi vào tình cảnh bần cùng nhất cuộc đời này, phải làm nhiều việc để bản thân không bị đói nhưng trong đầu bạn vẫn nghĩ về mục tiêu day dứt duy nhất đó. Bạn dám đánh đổi, trả giá cho những trải nghiệm; bạn chấp nhận bầm dập sau nhiều phen lần vấp ngã trước những chướng ngại… nhưng bạn vẫn theo đuổi nó đến tận cùng. Đó mới là đích thực của đam mê."

Không hiếm người thành công cũng từng đi tìm định nghĩa về đam mê như PewPew. Nữ hoàng talkshow Oprah Winfrey từng nói: "Đam mê là năng lượng. Cảm nhận sức mạnh đến từ việc tập trung vào những gì khiến bạn hứng thú". Hay như Steve Jobs từng khẳng định: "Bạn phải cháy hết mình với một ý tưởng, một vấn đề hoặc một sai lầm mà bạn muốn đúng. Nếu bạn không đủ đam mê ngay từ đầu, bạn sẽ không bao giờ gắn bó với nó."

Đam mê là gì? Làm sao theo đuổi đam mê?: Bài học từ những lần đặt cược lột xác trày da tróc vảy của PewPew - Ảnh 1.

Để theo đuổi đam mê, bạn cần gì?

Có thể nhiều người trẻ sẽ đặt câu hỏi, tôi cũng có những nỗi niềm trăn trở, mục tiêu day dứt nhưng tại sao không thể thực hiện thành công được như người khác? Trong cuốn sách 100 quy luật thành công, tác giả nổi tiếng Brian Tracy cho rằng để đam mê biến ước mơ thành hiện thực bạn cần có Niềm tin. Luật niềm tin nói rằng bất cứ cái gì bạn thực sự tin tưởng, bằng cảm xúc, sẽ trở thành hiện thực của bạn.

Bạn luôn luôn làm theo niềm tin của mình, đặc biệt là niềm tin của bạn về bản thân bạn. Niềm tin của bạn hoạt động giống như một chuỗi các bộ lọc dùng để lọc những thông tin mâu thuẫn với chúng ra. Bạn không nhất thiết phải tin những gì bạn nhìn thấy, nhưng bạn thường có khuynh hướng nhìn thấy những gì bạn tin. Bạn loại bỏ những thông tin trái ngược với những gì bạn đã quyết định tin, bất chấp niềm tin của bạn, thành kiến của bạn, dựa trên sự thật hay khả năng tưởng tượng.

Từ "Thành kiến" có nghĩa là vội vã đánh giá, đi tới kết luận trước bất kì thông tin gì, hay bất chấp thông tin, ngược lại. Một trong những chiến lược thành công nhất đó là bạn phải kiềm chế việc đánh giá con người hay hoàn cảnh cho đến khi bạn có đủ thông tin để đưa ra quyết định đầy am hiểu. Đặc biệt là bạn phải kiềm chế việc đánh giá bản thân bạn và những khả năng của bạn. Phần lớn những niềm tin thủ cựu về bản thân bạn và những khả năng của bạn đều là không đúng.

Những niềm tin tồi tệ nhất mà bạn có thể có là "những niềm tin tự giới hạn." Những niềm tin này tồn tại bất cứ khi nào bạn tin rằng bản thân bạn bị giới hạn về một mặt nào đó. Vì dụ, bạn có thể nghĩ rằng bạn không có tài năng và năng lực như những người khác. Bạn có thể nghĩ rằng những người khác vượt trội hơn bạn trong một vài lĩnh vực. Bạn có thể bị mắc vào cái bẫy rất tầm thường bằng việc tự cho mình là kém cỏi và đặt ra cho mình những gì ít hơn khả năng thực tế của bản thân bạn.

Những niềm tin tự hạn chế này hoạt động giống như những chiếc phanh đối với tiềm năng của bạn. Chúng kìm bạn lại. Chúng sản sinh ra hai kẻ thù lớn nhất của sự thành công cá nhân - hoài nghi và sợ hãi. Chúng làm bạn tê liệt và làm cho bạn e ngại trong việc nắm bắt thời cơ cần thiết để thể hiện đúng tiềm năng của mình.

Để bạn tiến tới, hãy tiến về trước và lên trên trong cuộc đời mình và sự nghiệp kinh doanh của mình, bạn phải liên tục thách thức những niềm tin của bạn đã bị chính bạn giới hạn. Bạn phải loại bỏ bất kì suy nghĩ hay gợi ý gì rằng bạn bị hạn chế ở mặt này hay mặt khác. Bạn phải chấp nhận như một nguyên tắc cơ bản rằng rằng bạn là một người "không có giới hạn" và những gì người khác làm được thì bạn cũng làm được.

Sự thật là không ai giỏi hơn bạn và không ai thông minh hơn bạn. Nếu những người khác đang làm tốt hơn, đó phần lớn là do họ đã phát triển tài năng và khả năng tự nhiên của mình nhiều hơn bạn mà thôi.

TN

Tin mới