(Tổ Quốc) - Quản trị rủi ro là điều nhà đầu tư bắt buộc phải nhớ và làm. Việc chạy theo mua, bán không theo nguyên tắc nào sẽ khiến nhà đầu tư liên tục rơi vào trạng thái "con rối" của thị trường!
Thị trường chứng khoán những ngày gần đây trở nên cực kỳ khó quên với nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, mọi thứ rồi sẽ lại qua đi như đã từng trôi qua và có vẻ như, diễn biến thị trường hôm cuối tuần cho thấy nhà đầu tư đã quên sạch những bài học cũ.
Đang chuẩn bị "tâm hồn đẹp" để chốt lãi thì gặp phiên giảm sốc
Sau khi xác lập đáy mới vào ngày 19/7/2021 với điểm số 1.243 điểm, thị trường chứng khoán đã bứt phá mạnh mẽ và chỉ trong một tháng giao dịch, VnIndex đã tăng được 132 điểm lên 1.375 điểm vào phiên 19/8/2021. Tức, chỉ trong tròn 1 tháng giao dịch, VnIndex đã tăng hơn 10%-một mức tăng khó tưởng đối với bất kỳ nhà đầu tư nào.
Sau khi thị trường tăng bất ngờ vào cuối phiên 19/8, nhiều nhà đầu tư chưa kịp chốt lãi đã vô cùng háo hức và chuẩn bị "tâm hồn đẹp" để ngay sáng 20/8 sẽ chốt lãi. Tuy nhiên, diễn biến thị trường ngay đầu phiên sáng 20/8 đã giảm 12-13 điểm. Sự sụt giảm này khiến nhiều nhà đầu tư không còn lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất eo hẹp.
Vậy thì, họ nên làm gì? Đa phần sẽ chần chừ khi thấy rằng món đầu tư của mình không còn lãi hoặc lãi chưa đạt kỳ vọng. Nhiều người trong số họ vẫn quyết định bán để giảm tỷ trọng cổ phiếu đề phòng trường hợp thị trường giảm sâu hơn nhưng đa phần nhà đầu tư sẽ chờ đợi thị trường hồi phục mới đem hàng ra bán.
Càng chờ đợi, thị trường chứng khoán càng giảm sâu hơn. VnIndex từ vùng -12 điểm đã giảm nhanh xuống -18 điểm rồi -22 điểm....Đến lúc này, tài khoản nhiều nhà đầu tư bắt đầu lỗ chứ chưa nói đến có tí chút lợi nhuận. Trạng thái do dự của nhà đầu tư tiếp tục diễn ra. Bán thì lỗ, không bán thì e ngại thị trường giảm sâu hơn nữa. Mà, thị trường đã giảm 20-22 điểm thì biết đâu vừa bán xong đã hồi phục...
Một quá trình đấu tranh tâm lý của nhà đầu tư diễn ra song song với việc thị trường chứng khoán càng lúc càng rơi nhanh. Đến khi, VnIndex giảm sâu đến 40-50-57 điểm thì màn đấu tranh tâm lý lại đi theo một hướng hoàn toàn khác!
Nhà đầu tư bắt đầu dằn vặt mình về việc lúc còn có lãi thì không lo vội mà chốt lãi đi. Chốt lãi không bao giờ sai mà sao có lãi không chốt. Giờ lỗ thế này rồi còn chốt gì nữa...Thôi, hay là mua trung bình giá thấp và chờ đợi?
Kết quả cuối cùng, dù đầu ngày đã chuẩn bị "tâm hồn đẹp" để bán chốt lãi cổ phiếu thì đến cuối ngày, đa phần những nhà đầu tư không kịp chốt lãi mà vẫn còn năng lực tài chính thì đổi chiều....mua vào!
Nhà đầu tư luôn quên bài học cũ!
Nếu như đầu tư với các nhà đầu tư chuyên nghiệp là cả một chiến lược được vạch ra dài hơi, có kế hoạch chốt lãi, cắt lỗ...rõ ràng, thậm chí, kế hoạch bảo vệ tài khoản trước biến động khôn lường của thị trường một cách rõ ràng thì với đa phần nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán-đặc biệt là những nhà đầu tư mới-thì đầu tư là một cuộc...chạy đua.
Mỗi một biến động mạnh của thị trường chứng khoán, nhà đầu tư không có kế hoạch rõ ràng đều ở trong trạng thái chạy đua theo diễn biến của thị trường. Đôi khi, họ đổi từ kế hoạch bán sang mua trong chốc lát. Và nếu mua xong thị trường lại giảm, họ lại rót thêm tiền để bắt đáy, mua trung bình giá...Và đến khi, thị trường đi quá xa kỳ vọng của họ và họ cũng đã đi quá xa mức quản lý an toàn tài khoản thì sự lo lắng, bồn chồn, sợ sệt xuất hiện. Sự nháo nhào hành động liên hồi xảy ra!
Nhớ lại kỹ những lần thất bại trước, nhà đầu tư chắc chắn sẽ thấy quen quen. Hình như, trong các chuỗi thị trường chứng khoán biến động giảm sâu như thế này mình cũng đã loay hoay một cách y đúc. Và lần này, lỗi lầm đã lặp lại.
Kiểm soát tốt tâm lý là một điều kiện tiên quyết để nhà đầu tư tồn tại trên thị trường, điều này cũng làm giảm nỗi sợ hãi khi bạn mất tiền và không làm bạn rơi vào tuyệt vọng. Trên một thị trường đầy biến động và bất ngờ, kiểm soát tốt tâm lý giao dịch giúp bản thân đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả hơn.
Nỗi sợ hãi mất tiền là điều bình thường đối với nhà đầu tư trên thị trường, sợ hãi là tốt, nó giúp nhà đầu tư thận trọng, nhưng cần lưu ý rằng, đừng để nỗi sợ hãi bao trùm lấy các quyết định, hãy sáng suốt và phân tích thật kỹ, có kế hoạch cụ thể trước mỗi lần "vào lệnh" hay "ra lệnh".
Phương Chi