(Tổ Quốc) - Câu chuyện của chị Lưu một nhà đầu tư thế hệ 7x tại Hà Nội là đại diện cho một tầng lớp những nhà đầu tư "máu lửa", không gì có thể ngăn cách được dòng tiền đầu tư của họ dù đang cách li, thậm chí mắc kẹt tại nước ngoài.
Chị Lưu kể lại giữa năm 2021, do công việc cá nhân nên chị phải bay sang Canada. Đây cũng là thời điểm làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam xuất hiện. "Ban đầu tôi thấy dịch ở Việt Nam khá căng thẳng nên nghĩ rằng sẽ sang bên Canada khoảng cuối năm mới bay trở lại để bắt đầu chu kỳ đầu tư bất động sản mới khi dịch Covid-19 lắng xuống", chị Lưu kể.
Tuy nhiên, mọi dự đoán của chị Lưu đều chệch hướng khi dịch Covid-19 bắt đầu bước vào giai đoạn nới lỏng hồi tháng 10, giá nhà đất xung quanh Hà Nội và các tỉnh phía Bắc lại khởi sắc trở lại. Vừa nóng ruột nhưng vướng lịch bay chưa thể về ngay, chị Lưu vẫn hàng ngày lên mạng tìm hiểu thông tin, nhắn tin với môi giới và nhờ một số bạn đầu tư ở Việt Nam đi xem đất hộ.
Đây cũng là thời điểm các thị trường ven đô Hà Nội như Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng...bắt đầu được nhiều nhà đầu tư quan tâm, dù đang mắc kẹt ở nước ngoài nhưng linh tính của một nhà đầu tư lâu năm cho chị Lưu thấy đất xung quanh Hà Nội cứ chỗ nào còn rẻ, chưa bị môi giới làm giá đất sóng đều rất có tiềm năng. Nói là làm, dù hai múi giờ Canada - Việt Nam chệch nhau nhưng chị Lưu vẫn hàng ngày săn lùng đất qua các kênh online.
"Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày mua đất qua điện thoại nhưng dịch phức tạp, mắc kẹt ở nước ngoài, càng chần chừ sẽ càng mất cơ hội tốt. Chính vì vậy, khi hỏi han kỹ lưỡng môi giới, ưng lô đất rồi nhưng không kịp về nên tôi quyết định chuyển tiền cọc về cho người bạn nhờ cọc và gia hạn chuyển tiền theo tiến độ", chi Lưu cho biết.
Hai mảnh đất ở Việt Nam chị Lưu đặt cọc là một căn biệt thự song lập tại một dự án nằm ở trung tâm huyện Đan Phượng với giá 8 tỷ và lô đất trị giá 3 tỷ tại Sóc Sơn. Giữa tháng 11, sau khi bay về Việt Nam, trong lúc cách li chị Lưu tiếp tục chuyển tiền đợt 2. Kết thúc cách li, chị Lưu đã có thể về thẳng Hà Nội, tận mắt ngắm lại hai lô đất đã chọn và chị đã không hề thất vọng vì cảm nhận khi mua online của chị đã đúng.
"Ngay sau vào tiền lô Sóc Sơn tôi sẽ về Thanh Hóa khảo sát thị trường để tiếp tục mua vào. Sang Canada một số bạn bè là Việt Kiều cũng đang sẵn tiền muốn mua chung nên tôi phải tranh thủ đi khảo sát thị trường tìm kiếm cơ hội đầu tư", chị Lưu tâm sự.
Tương tự như chị Lưu, anh Huỳnh một nhà đầu tư BĐS lâu năm tại Hà Nội cho biết đợt tháng 10 anh liên quan đến một ca F0 ở quận Hà Đông nên phải đi cách li tập trung. Anh Huỳnh cho biết trước khi đi cách li anh đã bán đất ở Bắc Giang dồn về định chốt một lô liền kề tại Mê Linh. Sau gần 1 tuần tìm hàng anh khá ưng lô liền kề vuông vắn 2 mặt tiền tại Khu đô thị Cienco 5.
Tuy nhiên, chưa có cơ hội đàm phán xuống tiền thì anh bất ngờ được thông báo là F1 và phải đi cách li 2 tuần. Sốt ruột việc đầu tư đang còn dang dở, anh gọi điện dò hỏi môi giới liên tục thì được biết lô đất lúc anh xem chủ nhà cần tiền nên bán với giá 27 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giờ đã giải quyết được việc gấp nên chủ nhà tăng giá 28 triệu đồng/m2.
"Dù đã rất ưng nhưng thấy giá nhảy hàng ngày thực sự tôi cũng chưa dám xuống tiền. Tuy nhiên, đợt đầu tháng 10 ngay sau khi có thông tin Mê Linh - Đông Anh - Sóc Sơn sẽ lên quận, sợ giá sẽ tiếp tục tăng nếu chần chờ anh Huỳnh đã chuyển luôn cọc 100 triệu và ủy quyền thanh toán đợt đầu 1 tỷ cho người thân, chờ khi nào hết cách li về anh sẽ về chuyển nốt số tiền đợt 2 và sang tên.
Gần cuối tháng 11 hết thời gian cách li cũng là lúc anh tiến hành đợt thành toán cuối cùng để sang tên lô liền kề Mê Linh. Hiện giờ giá lô đất của anh đã có khách trả 30 triệu đồng/m2. "Giá đất Mê Linh tăng chậm nên tôi mua với ý định đầu tư trung hạn vì thế cũng không kỳ vọng tăng đột biến", anh Huỳnh cho biết.
Còn rất nhiều nhà đầu tư như anh Huỳnh và chị Lưu, trong bối cảnh giãn cách, cách li vì dịch Covid-19 nhưng vẫn mạnh tay đổ tiền vào đất. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối năm, dòng tiền của nhà đầu tư đang tìm cách chốt lời ở các kênh đầu tư chứng khoán, vàng sang bất động sản. Đây cũng là lý do hiện nay dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng làn sóng nhà đầu tư đổ về các tỉnh mua bất động sản vẫn tăng rất mạnh.
Lan Nhi