(Tổ Quốc) - Bất động sản vùng ven đang phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò chủ đạo trong việc giải quyết nguồn cung cho hầu hết các thị trường trung tâm. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, kết nối chặt chẽ với TP.HCM nên Tây Ninh có nhiều bước phát triển nổi bật về kinh tế những năm qua.
Đô thị vệ tinh tiếp tục phát triển hậu giãn cách
Hậu đại dịch Covid-19 thị trường bất động sản (BĐS) có nhiều biến động, cùng quỹ đất tại trung tâm thành phố ngày càng trở nên khan hiếm, việc giãn dân ra vùng ven TP.HCM ngày càng diễn ra mạnh mẽ và đang trở thành một xu hướng tất yếu. Trong đó bao gồm Bình Dương, Đồng Nai, Long An hay Bà Rịa – Vũng Tàu là những thị trường được liền kề trung tâm TP.HCM được khai thác sớm hơn và có sức phát triển nhanh chóng. Tây Ninh là trường hợp hiếm khi có mức giá rất thấp so với các thành phố lân cận khác kể trên.
Trong vòng 3 năm trở lại đây, Tây Ninh cũng đang có nhiều bước tăng trưởng tích cực, trên địa bàn toàn tỉnh có rất nhiều dự án bất động sản lớn được triển khai, hầu hết tập trung ở TP. Tây Ninh và khu vực tiếp giáp TP.HCM. Mặc dù thị trường chưa sôi động, nhưng với lợi thế nằm liền kề khu đô thị Tây Bắc Sài Gòn đang phát triển. Nhiều chuyên gia cho rằng, rất có thể Tây Ninh sẽ là khu vực nhà đất góp mặt trong danh sách thị trường bất động sản ven TP.HCM tiềm năng.
Do đó, thay vì phải bỏ ra một khoản tiền khổng lồ để đầu tư vào những khu vực đã hình thành với mức giá tăng quá cao, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư đến Tây Ninh đang là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư. Từ đó biến Tây Ninh trở thành vùng đầu tư mới của thị trường BĐS khu vực phía Nam.
Tây Ninh khẳng định sức hút đầu tư nhờ nhiều yếu tố
Tây Ninh được kỳ vọng lớn từ kinh tế cửa khẩu bởi là cầu nối giao thương quan trọng giữa TP.HCM và thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia. Với đường biên giới dài 240km với 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát cùng 4 cửa khẩu chính và 10 cửa khẩu phụ. Trong đó khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có quy mô 21.284 ha đã và sẽ là một trong những trung tâm giao lưu, hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội trọng yếu nhất giữa Việt Nam với Campuchia và các nước ASEAN.
Bên cạnh đó Tây Ninh còn đang gây được sự chú ý của đông đảo các nhà đầu tư bởi chính sách xây dựng kết cấu kinh tế - xã hội đồng bộ và chủ trương kêu gọi đầu tư, tạo ra nhiều đột phá về phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó phải nhắc đến như đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) dài 53,5 km với mức đầu tư 10.688 tỉ đồng; tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát dài khoảng 65 km song song với QL 22B vào quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam; quy hoạch giao lưu thương mại trên đường thủy nội địa với 2 tuyến sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Ðông kết nối TP.HCM đến các cảng Sài Gòn, cảng Hiệp Phước và vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Nhờ những quy hoạch đồng bộ nói trên, Tây Ninh mở ra hàng loạt cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh đầu tư và phát triển du lịch. Với tiềm năng phát triển đa dạng loại hình du lịch như truyền thống, tâm linh, sinh thái…, ngành du lịch đặt mục tiêu sẽ là ngành mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Được quy hoạch với định hướng là hạt nhân phát triển đô thị của tỉnh trong thời kỳ 4.0, hội tụ đầy đủ các yếu tố để chuyển mình trở thành tổ hợp công nghiệp - thương mại - dịch vụ du lịch, cùng với sự có mặt của nhiều "ông lớn" cũng khiến thị trường BĐS Tây Ninh tỏa sức nóng hơn bao giờ hết.
Tây Ninh hứa hẹn sẽ tiếp tục chào đón sự đổ bộ của hàng loạt chủ đầu tư, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm như các khu vực TP. Tây Ninh, Trảng Bàng, Gò Dầu, Châu Thành. Bởi đây là các địa phương đang phát triển tốt, diện tích đất rộng, và giá đầu tư còn rất "mềm". Tây Ninh đích thực xứng danh là "yếu tố" để khai thác ngay tại thời điểm cuối năm 2021 và trong năm 2022.
Ánh Dương