Đánh thuế bất động sản chỉ là công cụ tạm thời "hạ nhiệt" sốt đất, quan trọng vẫn là nguồn cung

(Tổ Quốc) - Giới chuyên gia bất động sản đồng tình cho rằng, đánh thuế bất động sản là một biện pháp giúp ổn định thị trường trong tạm thời, biện pháp mang tính dài hạn là gia tăng nguồn cung. Khi nguồn cung mà không đáp ứng được cầu thì giá bất động sản vẫn sẽ tăng dù có áp thuế.

Đầu tháng 3, Bộ Tài chính lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế nhà và tài sản nhằm xây dựng đề cương báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, theo chỉ đạo của Chính phủ.

Câu chuyện đánh thuế bất động sản tiếp tục được dư luận quan tâm, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản liên tục có những cơn sốt đất. 

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ tại buổi công bố báo cáo thị trường quý 1, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, quan hệ cung – cầu mang tính quyết định về mặt giá cả trên thị trường bất động sản, thuế chỉ là một biện pháp giúp ổn định trong tạm thời. Công cụ thuế sẽ không phát huy được hết tác dụng nếu nguồn cung trên thị trường tiếp tục khan hiếm. 

“Điều quan trọng nhất trên thị trường bất động sản ngoài tác động từ Chính phủ là nguồn cung. Khi nguồn cung mà không đáp ứng được cầu thì giá bất động sản vẫn sẽ tăng dù có áp thuế”, ông Quốc Anh nói.

Vị này lấy ví dụ, tại Singapore, một đất nước áp dụng biện pháp đánh thuế bất động sản nhưng khi nguồn cung không đủ cầu thì giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng.

Theo chuyên gia Batdongsan.com.vn, thuế là biện pháp tốt, sẽ tác động và góp phần điều chỉnh thị trường nhưng chỉ là giải pháp trong ngắn hạn 6 – 12 tháng hoặc 1-2 năm chứ không mang ý nghĩa tác động vĩnh viễn. Do đó, biện pháp mang tính chất dài hạn phải là gia tăng nguồn cung. Nếu nguồn cung dồi dào thì thị trường bất động sản sẽ tự khắc giảm. Ổn định cung cầu thì thị trường sẽ tự động ổn định theo.

Đánh thuế bất động sản chỉ là công cụ tạm thời hạ nhiệt sốt đất, quan trọng vẫn là nguồn cung - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn.

Ông Quốc Anh dẫn chứng thêm, tại Seoul (Hàn Quốc), những căn hộ khoảng 70 – 80 m2 đã có mức giá 1 triệu USD. Cứ cho là thu nhập bình quân một năm của họ cho gấp người Việt Nam khoảng 7 – 8 lần thì một người mới ra trường, mức lương khoảng 2.500 – 3.000 USD/tháng cũng rất khó để mua được nhà. 

“Câu chuyện giá nhà vượt quá thu nhập của người dân không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới đang phải tìm cách để giải quyết. Mà một trong những cách xử lý mang tính chất dài hạn nhất là làm sao để tăng nguồn cung trên thị trường”, vị này nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực phía Nam cho rằng, đối với các nhà đầu tư, thuế chỉ là một trong rất nhiều chi phí. Nếu chi phí đầu vào càng tăng thì giá bán ra càng lớn. 

“Thuế chỉ là công cụ hạ nhiệt tạm thời, tăng thuế tiền sử dụng đất sẽ tính vào giá thành bán ra của các nhà phát triển dự án, còn nếu tăng thuế chuyển nhượng sẽ tính vào giá mua của các nhà đầu tư. Do vậy, tất cả những chi phí liên quan đến thuế sẽ tính vào chi phí phát triển dự án hoặc chi phí mua bất động sản của các nhà đầu tư. Người mua càng về sau càng bị độn thêm vào giá mua. Đáng chú ý, ở các quốc gia đã sử dụng công cụ thuế để kiểm soát và hạ nhiệt thị trường thì sau đó gần như mức giá lại tăng trưởng rất nhanh nếu nguồn cung tiếp tục không đủ”, ông Tuấn cho hay.

Còn theo ông Lê Xuân Mão, Phó Tổng Giám đốc, dịch vụ thuế doanh nghiệp RSM Việt Nam, với đặc thù của Việt Nam, việc đưa chính sách thuế bất động sản vào thực tiễn phải cần rất nhiều thời gian. Vị này lấy ví dụ, năm 2011, Trung Quốc đã áp dụng thuế trong quá trình nắm giữ tài sản tại một số khu vực. Tuy nhiên, sau 10 năm, Chính phủ Trung Quốc mới xem xét lại việc triển khai sắc thuế này.

“Từ đó để thấy, lộ trình để đưa biện pháp này vào thực tiễn cần phải có thời gian rất dài. Việt Nam cũng có những điểm tương đồng với Trung Quốc, do đó, Chính phủ sẽ cần phải có thời gian để thông qua luật đánh thuế nhà đất.

Bên cạnh đó, giá nhà đất chịu chi phối bởi rất nhiều yếu tố. Tôi cho rằng, dù sắp tới luật đánh thuế nhà đất được ban hành thì cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá bất động sản trong dài hạn”, ông Mão nhận định.

Còn theo ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Hiếu, trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường, Batdongsan.com.vn, thuế bản chất là phân bổ lại nguồn lực trong nền kinh tế. Nguồn lực trong nền kinh tế sẽ chuyển từ nhà đầu tư bất động sản sang phía Chính phủ. Điều này rất tốt cho Chính phủ vì sẽ giúp Chính phủ gia tăng được ngân sách nhà nước và có thêm nguồn lực để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng cũng như chi phí đầu tư công.

Đối với nhà đầu tư, thuế tăng lên thì nó như một loại chi phí bất động sản gia tăng, tuy nhiên chi phí bất động sản chỉ gia tăng khi đánh thuế hiệu quả.

Đây chỉ là một chi phí mang tính phải trả khi đi đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, khi lợi nhuận từ đầu tư bất động mang lại vẫn cao thì mức chi phí này không giảm được nhu cầu đầu tư lớn ở Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, việc tăng thuế mô hình chung làm tăng giá bất động sản, như thế nhiều người dân khó tiếp cận mua nhà, đặc biệt là những người trẻ.

"Theo tôi thời điểm hiện tại Chính phủ chưa nên đánh thuế bất động sản. Bởi, nền kinh tế của Việt Nam mới hồi phục, mức tăng trưởng chưa đạt mức bình thường, mới chỉ ổn định. Nếu đánh thuế sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, thị trường bị ảnh hưởng sẽ giảm đà tăng trưởng, từ đó ảnh hưởng chung đến nền kinh tế'', ông Hiếu đưa ra ý kiến.

Phong Linh

Tin mới