(Tổ Quốc) - Tinh thần “phá vỡ mọi giới hạn” của Samsung đã tạo nên một điều kỳ diệu, vượt qua cả các quy tắc vật lý thông thường.
Đã bao nhiêu lần bạn cảm thấy chiếc smartphone của mình quá to, khó có thể đút vừa túi? Đã bao lần bạn ước rằng chiếc điện thoại di động thông minh của mình có thể gập lại được để tiện cho việc mang đi mang lại, hay cần một "chân đế" giúp máy đứng vững chãi?
Chắc chắn, nhiều người đã từng mơ ước như vậy, nhưng cuối cùng đều phải lắc đầu ngao ngán vì ai cũng hiểu rằng: Đây là thời đại của smartphone. Trong khi các nhà sản xuất đang đua nhau chạy theo xu hướng tràn viền 90% hay 99%, ai sẽ rảnh hơi đi tìm cách chế tạo một chiếc smartphone mặt kính có thể gập được một cách dễ dàng như chúng ta gập một tờ giấy: Một điều vô cùng "hư cấu".
Ấy vậy mà, Samsung cũng có thể làm được.
Với chiếc smartphone Galaxy Z Flip vừa ra mắt mới đây, nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc dường như đã phá bỏ các quy tắc vật lý thông thường.
Công ty này tuyên bố đã tạo ra "điều kỳ diệu", bằng cách uốn cong tới mức có thể gập lại của mặt kính của Galaxy Z Flip. So với phiên bản điện thoại gấp sang chảnh Galaxy Fold trước đó với màn hình bằng nhựa, gã khổng lồ Hàn Quốc đã tạo ra một bước nhảy vọt công nghệ, để chuyền từ polymer sang công nghệ kính siêu mỏng.
Hãy nhìn Z Flip đi! Đúng là kính, nhưng lại gập được.
Nên biết rằng, thủy tinh hay kính thì dễ vỡ. Và chỉ có một cách duy nhất để khắc phục điều này, cũng như biện pháp để có thể uốn cong mọi thứ, đó là làm cho nó đủ mỏng. Khi bạn uốn cong một vật liệu, dù đó là thủy tinh hoặc bất cứ thứ gì khác, những gì bạn đang làm là kéo dài vật liệu này một cách tự nhiên, ở phía mặt ngoài của đường uốn. Nhưng bạn chỉ có thể kéo căng các liên kết hóa học của vật liệu cho đến trước khi nó bị phá vỡ, một trị số được gọi là độ bền kéo. Nhưng việc này không dễ dàng.
Tấm kính bảo vệ màn hình trên smartphone của bạn, dù trông rất mỏng, cũng chỉ có thể "cong" một chút trước khi vỡ nát, nếu bạn muốn dùng lực hòng gấp chúng lại. Để làm được điều đó, bạn cần sử dụng một tấm kính mỏng hơn rất, rất nhiều lần. Khi đó, bạn sẽ kéo dài ít vật liệu hơn, uốn cong ít lớp hơn và kéo dài ít liên kết hóa học hơn, trên cùng một không gian.
Và đó là cách mà Samsung đã lựa chọn để tạo ra loại kính chỉ dày có 30 micron, để sử dụng cho chiếc Z Flip. Nó được gọi tên là UTG, viết tắt của UItra Thin Glass. Có thể nói, công ty điện thoại Hàn Quốc này đã tạo nên một phong cách thiết kế điện thoại độc đáo mà không phải nhà sản xuất smartphone nào cũng có thể làm được.
Tuy nhiên việc thách thức với các quy tắc vật lý không hề đơn giản và nó sẽ khiến bạn buộc phải đánh đổi rất nhiều. Để tạo ra được độ mỏng cần thiết, mặt kính của Z Flip phải trải qua rất nhiều công đoạn xử lý hóa chất cũng như xử lý nhiệt. Và các công đoạn xử lý này cũng khiến cho lớp kính trở nên dễ xước hơn.
Sau khi dùng tất cả sức lực vượt qua một ngọn núi cao, bạn sẽ làm gì khi nhìn thấy đỉnh núi phía sau còn cao hơn thế nữa?
Một bài toán khó lại được đặt cho Samsung, làm sao để màn hình bằng kính Z Flip có thể gập lại mà vẫn có đủ độ bền. Lựa chọn cuối cùng của hãng là tìm ra một "kẻ thế thân".
Một lớp nhựa mỏng và dẻo được sử dụng để phủ lên phía trên, trở thành "vật hy sinh" để chịu các vết xước thay cho lớp kính.
Kết quả là Galaxy Z Fip sở hữu màn hình kính độc đáo, vừa đảm bảo độ trong và trải nghiệm "đã tay" của người dùng hơn màn hình nhựa, vừa bền dẻo trước sự tấn công của các tác nhân bên ngoài.
Động thái nhỏ bé đằng sau quyết định này, cũng phần nào chứng tỏ bên cạnh sự dẫn đầu về công nghệ, Samsung còn mang trong mình sự kiên trì và khí chất "không lùi bước", một tinh thần luôn "phá vỡ mọi giới hạn" của Samsung.
Tất nhiên, khó khăn vẫn còn khi công nghệ này chưa có một dây chuyền sản xuất hàng loạt để tối ưu hiệu suất như các loại màn hình khác. Nhưng với một nhà sản xuất luôn sẵn sàng thay đổi những quy tắc cũ kỹ như Samsung, đây rõ ràng không phải là vấn đề "Có hay Không", mà chỉ là trong bao lâu mà thôi.
Đó cũng là lý do mà ngay sau khi Galaxy Z Flip vừa ra mắt, công ty đã không ngần ngại tiết lộ về tham vọng của mình, trở thành nhà phân phối màn hình gập cho cả các hãng sản xuất điện thoại khác trên thị trường .
Trong tương lai, công nghệ sản xuất màn hình kính này sẽ dần hoàn thiện, tới mức lớp nhựa dẻo bảo vệ màn hình sẽ sớm được cho "nghỉ hưu". Những mẫu màn hình kính mới sẽ bền, chống xước, cũng như đảm bảo chất lượng hiển thị hơn bao giờ hết. Và đó cũng là khi ngành công nghiệp smartphone sẽ lại bước sang trang mới.
Và hãy nhớ, nếu lúc đó được cầm trên tay một chiếc smartphone gập với màn hình bằng kính, đừng lãng quên "sự quả cảm" mà Samsung đã thực hiện ngày hôm nay.
Ánh Dương