Dạy học trực tuyến khiến vô số giáo viên Singapore "phát điên": Công việc làm mãi không xuể, căng thẳng và kiệt quệ nhất từ trước đến giờ

(Tổ Quốc) - Dạy học trực tuyến và đại dịch đã khiến nhiều giáo viên phải vật lộn với khối lượng công việc nặng nề hơn, tự đối mặt với mọi áp lực một mình, không được giúp đỡ từ bên ngoài. Không ít người đã “phát điên” vì kiệt quệ.

Betty (đã thay đổi tên để bảo vệ danh tính của người thật) là một giáo viên trung học tại Singapore. Cô thường xuyên phải đối mặt với những khoảnh khắc nằm cuộn mình trên sàn, tim đập nhanh, thở gấp, nước mắt giàn dụa. 

Cô tự nhủ: “Mình phải sớm vượt qua nó, còn rất nhiều công việc chưa làm xong”.

Các cơn hoảng loạn như vậy thường xảy ra hai tuần một lần với Betty. Khối lượng công việc nặng nề, luôn phải đáp ứng kỳ vọng của phụ huynh và sĩ số lớp đông là những yếu tố gây căng thẳng lâu dài cho cô và một số giáo viên khác.

Mọi điều còn tồi tệ hơn khi Singapore chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến tại nhà kể từ tháng 4 năm ngoái, trong bối cảnh lo ngại về tình trạng dịch bệnh COVID-19 leo thang. Tần suất các cơn hoảng loạn của cô tăng lên hai lần/tuần.

Cô nói: “Đột nhiên chúng tôi phải chuyển sang giảng dạy trực tuyến có nghĩa là phải thay đổi rất nhiều kế hoạch giảng dạy. Mọi người phải chuẩn bị tư liệu dạy học bằng máy tính từ đầu, thiết kế các câu hỏi và bài thi trực tuyến cũng như ghi lại bài giảng online.

Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải liên tục giải đáp thắc mắc cho các học sinh và phụ huynh. Công việc dường như không bao giờ dừng lại. Tôi thực sự cảm thấy kiệt quệ.”

Ngoài khối lượng công việc, một số giáo viên cảm thấy sức khỏe tinh thần của họ không được ưu tiên. Susan từng chia sẻ về kế hoạch chăm sóc cho đời sống tinh thần của các giáo viên với hiệu trưởng. 

Thế nhưng, câu trả lời cô nhận được là: “Tinh thần của các giáo viên sao? Mọi người đều là người lớn cả rồi, hãy tự chăm sóc bản thân.” 

Trên Instagram, trong một phong trào chia sẻ để giải tỏa áp lực, một giáo viên đã bày tỏ: “Làm nghề giáo viên trong hai năm nay thật là đáng sợ. Tôi cảm thấy kiệt quệ nhất từ trước tới giờ, sức khỏe tinh thần đang ở mức thấp nhất mọi thời kỳ.”

Một người khác cũng chia sẻ: “Hai năm nay trở nên đặc biệt khó khăn vì khối lượng công việc tăng lên đáng kể. Điều này trực tiếp tạo ra rất nhiều áp lực cả về thể chất và tinh thần đối với giáo viên.”

Dạy học trực tuyến khiến vô số giáo viên Singapore phát điên: Công việc làm mãi không xuể, căng thẳng và kiệt quệ nhất từ trước đến giờ - Ảnh 1.

Một số giáo viên nói rằng khối lượng công việc chồng chất, vượt quá khả năng chịu đựng. (Ảnh: iStock)

Trong một cuộc phỏng vấn với CNA, bà Chua-Lim Yen Ching, của Bộ Giáo dục Singapore cho biết: “Không thể phủ nhận rằng COVID-19 và dạy học trực tuyến đã để lại nhiều ảnh hưởng đến chúng tôi”.

Theo bà tiết lộ, trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 6 với 460 giáo viên, cứ 10 người được hỏi thì chỉ có 7 người cho rằng “có thể ứng phó” với căng thẳng công việc.

“Như vậy, 30% trong số họ cần sự giúp đỡ và cảm thông”.

Phiền muộn của giáo viên vì dạy học trực tuyến

Khi được hỏi về những yếu tố gây căng thẳng, ảnh hưởng đến họ gần đây, hầu hết các giáo viên đều đau đầu với việc đảm bảo học sinh tham gia lớp học đầy đủ.

Susan cho biết, cô gần như mất nửa tiết đầu tiên để yêu cầu mọi người bật camera, bật mic và ngồi yên trên ghế để học. Nếu học sinh nào vắng mặt, cô phải liên tục gọi điện cho phụ huynh để kiểm tra con cái mình đã dậy hay chưa. 

Ít nhất các giáo viên trẻ tuổi còn có thể thích ứng với sự thay đổi. Nhiều đồng nghiệp lớn tuổi trong trường của cô gần như rơi vào tình trạng “bất lực” nếu có bất cứ sự cố nào xảy ra. 

Dạy học trực tuyến khiến vô số giáo viên Singapore phát điên: Công việc làm mãi không xuể, căng thẳng và kiệt quệ nhất từ trước đến giờ - Ảnh 2.

Các giáo viên lớn tuổi “đau đầu” khi buộc phải thích ứng với công nghệ hiện đại trong một thời gian rất ngắn. (Ảnh: iStock)

Giáo viên địa lý trường trung học S cho biết, ngoài khối lượng công việc dạy thêm, giáo viên còn có một loạt các nhiệm vụ hành chính. Chưa kể, đôi khi họ cũng phải theo dõi các lệnh cách ly của học sinh và giáo viên cũng như kết quả kiểm tra COVID-19.

Học sinh ham chơi, chểnh mảng học tập khiến các giáo viên mệt mỏi thì những người quá “chăm chỉ” đôi khi cũng làm họ đau đầu không kém. Do không được trực tiếp tiếp xúc với thầy cô, trường lớp, ít có cơ hội để đi học thêm, nhiều học sinh bị căng thẳng và áp lực học hành.

Melisa, một giáo viên lớp chuyên cho biết, cô phải nhận tin nhắn và điện thoại học sinh hỏi bài liên tục. Một số học trò còn tìm đến cô vào lúc nửa đêm với yêu cầu trả lời “ngay lập tức”. 

Cô cảm thấy rất mệt mỏi vì không còn thời gian riêng tư dành cho gia đình. Hai đứa con nhỏ thỉnh thoảng lại bị tiếng điện thoại đánh thức khi đang ngủ. 

Dạy học trực tuyến khiến vô số giáo viên Singapore phát điên: Công việc làm mãi không xuể, căng thẳng và kiệt quệ nhất từ trước đến giờ - Ảnh 3.

Hầu hết các giáo viên đều cho rằng, dạy học trực tuyến khiến ranh giới giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi ngày càng trở nên mong manh. 

Chong Pao-er, một cố vấn từ Trung tâm Tư vấn Shan You, cho biết: “Rất nhiều người cảm thấy giáo viên luôn có nghĩa vụ phải hy sinh bản thân để giải đáp học sinh mọi lúc mọi nơi.” 

Đó là lý do mà ngày càng nhiều giáo viên trở nên kiệt quệ vì căng thẳng và áp lực trong công việc.

*Theo CNA

Thuý Phương

Tin Cùng Chuyên Mục
Hành trình tìm lại những bước chân vững chắc nhờ phương pháp độc quyền tại BVĐK Hồng Ngọc

Hành trình tìm lại những bước chân vững chắc nhờ phương pháp độc quyền tại BVĐK Hồng Ngọc

Đi lại vốn là chuyện dễ dàng tựa như hơi thở với bao người nhưng lại là điều vô cùng khó khăn đối với những bệnh nhân mắc tổn thương khớp gối. Hành trình gian nan tìm lại bước chân vững chãi của họ giờ đây trở nên dễ dàng nhờ phương pháp thay khớp gối độc quyền tại BVĐK Hồng Ngọc.
Tin mới