(Tổ Quốc) - Bất cứ ai trong đời đều sẽ phải trải qua một khoảng thời gian đặc biệt “bất lực”. Nếu không biết cách vượt qua, cuộc sống sớm muộn cũng sẽ “tuột dốc không phanh”.
Theo bạn, giai đoạn nào của đời người là "bất lực" nhất?
Khi còn trẻ, chúng ta có ý chí, có quyết tâm, dù đối mặt với khó khăn chúng ta vẫn có thể tự mình vươn lên. Đối với những người trẻ tuổi, cuộc sống trước mắt không có “bất lực” mà chỉ có tinh thần “tự lực cánh sinh”.
Đến khi 40 hoặc 50 tuổi, cuộc sống và sự nghiệp đã đạt đến đỉnh cao, rồi cũng dần dần có xu hướng đi xuống. Đôi lúc bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và bất lực, tuy nhiên, nhìn chung đây vẫn đang là thời kỳ đỉnh cao của đời người.
Sau 50 tuổi mới là giai đoạn bạn phải đối mặt với nhiều vấn đề rắc rối và cảm giác bất lực đến tột cùng. Bên cạnh đó, các vấn đề về sức khỏe cũng xuất hiện ngày càng nhiều, dường như cuộc sống mỗi ngày một xuống dốc.
Có thể nói, mười năm “bất lực” nhất đời người chính là giai đoạn từ 55 đến 65 tuổi.
Rắc rối lớn nhất không thể tránh khỏi
Nếu ở độ tuổi trung niên sau 55, bạn sợ điều gì nhất? Có thể nói, người bình thường sợ nhất khi gặp phải những vấn đề trong gia đình, đặc biệt là vấn đề liên quan đến con cái.
Nhìn chung, khi chúng ta 55 tuổi, con cái chúng ta đã khoảng 30 tuổi. Khi đó, nếu không phải con cái phải chuẩn bị kết hôn thì cũng đang gặp áp lực chăm lo cho cả gia đình.
Trong thời đại ngày nay, việc lập gia đình không phải là chuyện nhỏ. Trước đây có thể nam nữ yêu nhau, có thể sống “một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Tuy nhiên, ngày nay khi nam nữ yêu nhau, yêu cầu về điều kiện vật chất lại càng ngày càng cao.
Không có nhà, có xe, không có công ăn việc làm ổn định, rất ít người sẽ sẵn sàng lập gia đình. Nói một cách thật lòng, để có được một gia đình hạnh phúc, êm ấm, nền tảng tài chính là nhân tố quan trọng hàng đầu.
Theo bạn, liệu có phải người trẻ nào cũng mua được xe, mua nhà ở tuổi 30 hay không? Hầu hết mọi người đều không thể tự làm được mà phải dựa vào sự giúp đỡ của bố mẹ. Lúc này, các bậc cha mẹ sẽ phải gánh vác thêm một phần gánh nặng tài chính không hề nhỏ.
Rủi ro từ chính bản thân
1. Vấn đề sức khỏe
Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người làm việc cật lực và không có đủ sự quan tâm đến cơ thể của chính mình. Khi còn trẻ, đương nhiên sức khỏe vẫn tốt, vẫn dẻo dai, tuy nhiên, khi tuổi già ập đến, cơ thể sẽ có những biểu hiện sa sút rõ ràng.
Bước vào giai đoạn 55 đến 65 tuổi, khả năng kiếm tiền của chúng ta sẽ không thể được như trước, lúc này sức khỏe lại giảm sút rõ rệt, đây chính là một áp lực lớn với tuổi già.
2. Vấn đề dưỡng già
Với hầu hết người trung niên và người cao tuổi, sau khi nghỉ hưu, họ đều không thể có được nguồn thu nhập dồi dào như trước mà chỉ có thể phụ thuộc vào tài sản tích lũy hoặc lương lưu. Vì vậy, dưỡng già chính là vấn đề mà người trung niên và người cao tuổi lo lắng nhất.
Trong khi đó, áp lực cuộc sống không ngừng tăng lên, ngay cả khi về già, điều này cũng không thay đổi. Để có một tuổi già an nhàn, yên bình cũng đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm.
Vậy trước khi bước vào giai đoạn “bất lực nhất” đời người, chúng ta nên làm gì?
1. Tập trung xây dựng tài chính cá nhân
Ngay từ khi còn trẻ, hãy lập kế hoạch cho việc tự chủ tài chính cá nhân. Không ngừng học hỏi kiến thức tài chính, chủ động quản lý chi tiêu, mở rộng thu nhập sẽ là những điều mà chúng ta có thể chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Bên cạnh đó, hãy thay đổi quan điểm chăm sóc và nuôi dạy con cái. Trong trường hợp không quá cấp thiết, hãy để cho con bạn tự giải quyết các vấn đề của chúng. Chỉ khi con cái tự đối mặt với khó khăn, con cái mới có thể thấu hiểu và cảm thông với nỗi vất vả của cha mẹ.
2. Hãy chăm sóc tốt sức khỏe thể chất và tinh thần của chính mình
“Người có sức khỏe có một trăm ước muốn, còn người không có sức khỏe chỉ có một ước muốn duy nhất”. Việc một người có thể sống cuộc sống hạnh phúc hay không có liên quan mật thiết đến sức khỏe của chính người đó.
Nếu bạn khỏe mạnh, đương nhiên bạn sẽ không phải tốn tiền đi chữa bệnh, càng không phải suy nghĩ lo âu, có thể dùng sức khỏe, thời gian và tiền bạc để tận hưởng cuộc sống. Còn nếu khi về già, sức khỏe của bạn không được tốt, chắc chắn điều này sẽ trở thành một gánh nặng cả về vật chất lẫn tinh thần với bạn và gia đình.
Hãy chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao ngay từ khi còn trẻ để có một cơ thể khỏe mạnh. Bên cạnh đó, hãy cố gắng vun đắp tình cảm gia đình, đặc biệt là tình cảm vợ chồng. Bởi khi chúng ta già đi, con cái sẽ có tổ ấm của riêng mình, lúc này người gần gũi với chúng ta nhất chính là người vợ/người chồng bên cạnh.
Hãy trân trọng những người bên cạnh, tích lũy tài sản và giữ gìn sức khỏe, bằng cách này, phần đời còn lại của bạn sẽ êm đềm, hạnh phúc.
Thanh Lâm