(Tổ Quốc) - Ung thư vú là một trong những bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong cho người mắc phải, đặc biệt là nữ giới. Bệnh hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm.
Theo TS.BS. Vũ Hữu Khiêm, Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, theo tổ chức y tế thế giới WHO, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư vú trên thế giới ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam ung thư vú đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc và hàng thứ 3 về tỷ lệ tử vong ở nữ giới.
Mọi người đều rất sợ bệnh ung thư, nhưng lại không biết có thể tầm soát, phát hiện sớm và điều trị triệt để. Chính vì vậy, để có thể phát hiện sớm bệnh ung thư vú, mọi người cần chú ý các điểm sau:
Thứ nhất, cần đi khám sức khoẻ định kỳ, 6 tháng/1 năm để tầm soát ung thư vú nói riêng, ung thư nói chung và các bệnh nguy hiểm khác. Đối với những đối tượng nguy cơ cao có thể tăng tần suất tầm soát về bệnh đó lên 3 tháng/lần.
Thứ hai, cần tăng cường tầm soát ung thư vú đối với các đối tượng có nguy cơ cao. Hiện nay, đối với những người trong gia đình có người mắc ung thư vú thì nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 10 đến 20 lần so với cộng đồng.
Hiện nay đã có những xét nghiệm gen hiện đại để xác định ung thư vú, cảnh báo cho các đối tượng có nguy cơ mắc ung thư vú cao như BRCA1, BRCA2…
Thứ ba, người dân cần nâng cao ý thức tự khám bệnh, tự phát hiện bệnh. Hiện đã có các chương trình giúp người bệnh có thể tự khám bệnh cho bản thân. Điển hình là chương trình tự khám vú sau khi sạch kinh (tự khám trước gương, nằm khám,…) khi phát hiện các biểu hiện bất thường, người dân cần các cơ sở y tế để kịp thời khám và điều trị.
Thứ tư, cần đặc biệt quan tâm đến các triệu chứng báo hiệu ung thư vú theo khuyến cáo của Bộ Y tế như sau: Nếu sờ thấy khối u bất thường ở ngực, ở vú, chảy dịch đầu vú… cần đến các cơ sở y tế để tầm soát ung thư vú.
Cũng theo TS. Khiêm, thực tế cho thấy, nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám khi ung thư đã ở giai đoạn muộn điều trị rất khó khăn, tiên lượng kém, tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí để chữa trị.
Do vậy, để phát hiện sớm ung thư và điều trị bệnh có hiệu quả, người dân cần quan tâm các khuyến cáo trên: khám sức khoẻ định kỳ, tăng cường sàng lọc đối tượng có nguy cơ, tự khám vú hàng tháng, khám sớm khi có biểu hiện bất thường.
Dấu hiệu nhận biết ung thư vú cần biết
Theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm, cho biết ung thư vú là căn bệnh nguy hiểm gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Tuy nhiên lại có thể phát hiện sớm nếu chúng ta có ý thức và thực hiện đúng cách, đặc biệt biết cách chăm sóc và tự khám vú hàng tháng. Vì vậy, khi thấy các triệu chứng dưới đây, chị em cần lưu ý.
1. Sưng hoặc có khối u ở nách
Khối u ác tính thường có đặc điểm là cứng, thường không đau hoặc đau nhẹ.
Có khối u ở gần vú hoặc nách là dấu hiệu phổ biến nhất ở những người bị ung thư vú. Khối u ác tính thường có đặc điểm là cứng, không đau khi chạm vào.
2. Những thay đổi về hình dạng vú, kích thước
Nhiều phụ nữ không sờ thấy khối u như thông thường mà họ thấy ngực to hơn, trễ thấp hơn, có hình dạng khác thường so với bên vú còn lại. Đây cũng là triệu chứng của ung thư vú, thường gặp ở những người có mô vú dày đặc. Có tới 50% phụ nữ có mô vú dày đặc, và điều này khiến cho việc phát hiện ung thư vú gặp khó khăn hơn.
3. Sự thay đổi ở núm vú
Một trong những vị trí phổ biến nhất mà khối u thường xuất hiện là bên dưới núm vú, gây ra những thay đổi và cảm nhận ở núm vú. Ở những người mắc bệnh, núm vú thường dẹt hơn, tụt vào trong, tiết dịch hoặc máu. Da xung quanh núm vú có thể có vảy, viêm…
4. Ngứa ở ngực
Triệu chứng này chủ yếu liên quan tới ung thư vú viêm, và thường bị bỏ qua. Người bệnh bị ung thư vú viêm thường bị ngứa nhiều, nổi mẩn đỏ, hay sần sùi như vỏ cam.
5. Đau ở vai, lưng trên hoặc cổ
Ở một số phụ nữ mắc ung thư vú, họ cảm thấy đau ở lưng hay vai chứ không phải ở ngực hoặc vú. Cơn đau thường xảy ra ở phần lưng trên hoặc giữa 2 bả vai, dễ bị nhầm lẫn với chấn thương dây chằng, viêm xương khớp.
6. Vú bị đỏ và sưng
Nhiều người trải qua các triệu chứng như ngực nóng, hay ửng đỏ (thậm chí có màu tím), sưng đau… thường chỉ nghĩ đơn giản là nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm vú. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu của ung thư vú viêm.
7. Đau ở ngực hoặc vú
Đau ở bệnh nhân ung thư vú, được mô tả là cơn đau buốt, đến và đi nhanh chóng, giống như một luồng điện nhẹ đi từ ngực trái đến ngực phải.
Để chẩn đoán ung thư vú cần dựa vào 3 phương pháp kinh điển có tính chất định hướng giúp chẩn đoán xác định bệnh ung thư vú, bao gồm:
Thứ nhất, khám lâm sàng: các triệu chứng của bệnh.
Thứ hai, xét nghiệm tế bào học: tìm tế bào ung thư tuyến vú
Thứ ba, chụp X-quang tuyến vú (mammography): phát hiện hình ảnh nghi ngờ tổn thương ác tính của vú trên phim X-quang.
Kết quả mô bệnh học sau sinh thiết là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định ung thư vú.
Có nhiều phương pháp để điều trị ung thư vú như phẫu thuật; xạ trị; điều trị nội tiết, hóa chất, điều trị đích, miễn dịch...
Cuối cùng, TS Khiêm cho rằng việc chỉ định điều trị như thế nào còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, kích thước u, tình trạng di căn hạch, di căn xa; loại mô bệnh học, và nhiều dấu ấn sinh học phân tử khác như tình trạng thu thể nội tiết, yếu tố phát triển biểu mô, miễn dịch… ngoài ra còn căn cứ độ tuổi và tiền sử bệnh của bệnh nhân...
Điều trị ung thư vú rất phức tạp, thường phải phối hợp nhiều phương pháp, nhưng có một điều chắc chắn là phát hiện càng sớm thì tỷ lệ điều trị khỏi càng cao, các biến chứng do điều trị càng ít, chi phí điều trị cũng càng thấp và ngược lại.
*Theo chia sẻ của TS.BS. Vũ Hữu Khiêm, Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai tại mạng xã hội Lotus
TS BS Vũ Hữu Khiêm