(Tổ Quốc) - Ban lãnh đạo Twitter có thể không muốn nằm dưới trướng Elon Musk, song lại đang không có nhiều lựa chọn thay thế.
Theo Forbes, vài năm trở lại đây, Twitter nhận được nhiều lời đề nghị xin thâu tóm. Mạng xã hội này khi đó chịu rất nhiều sự ràng buộc và phải cân nhắc việc tự bán chính mình.
Cụ thể, vào đầu những năm 2000, Twitter được Yahoo và Facebook tiếp cận. Một vài năm sau đó, họ tiếp tục nhận được lời đề nghị của Google, và rồi đến năm 2016, đến lượt gã khổng lồ giải trí và truyền thông Walt Disney lên tiếng.
Trong số đó, đề xuất trị giá 500 triệu USD của Facebook có lẽ nổi bật hơn cả bởi đây là con số lớn nhất, được đưa ra vào đúng thời điểm tỷ phú Jack Dorsey rời khỏi chiếc ghế CEO Twitter.
“Tất cả những lời đề nghị mua lại Twitter đều xoay quanh những màn kịch của hội đồng quản trị hoặc thay đổi trong ban lãnh đạo. Điều đang diễn ra với Elon Musk cũng vậy’’, Jason Goldman, đại diện ban lãnh đạo cấp cao tại Twitter nói. “Twitter có kiểu cộng hưởng văn hóa mà các công ty lớn khác hằng mong ước, một dấu ấn văn hóa vượt cả quy mô doanh nghiệp”.
TWITTER KHÔNG MUỐN BÁN MÌNH CHO MUSK?
Hiện tại, Twitter đang gặp một vấn đề lớn và có lẽ công ty này cần thêm những “ứng cử viên” tiềm năng để lấp đầy danh sách các ông lớn muốn thâu tóm, chẳng hạn như Microsoft hoặc SalesForce. Parag Agrawal, Giám đốc điều hành hiện tại của Twitter vẫn đang trong quá trình thử thách, thậm chí còn phải đối đầu trực diện với Elon Musk - người đang muốn “mua đứt” toàn bộ cổ phiếu Twitter.
Elon Musk đã đề nghị mua lại 100% cổ phiếu Twitter, với giá 54,2 USD/cổ để sở hữu hoàn toàn trang mạng xã hội nổi tiếng
Cụ thể, theo tờ Bloomberg, Musk đã đề nghị mua lại 100% cổ phiếu Twitter, với giá 54,2 USD/cổ để sở hữu hoàn toàn trang mạng xã hội nổi tiếng. CEO Tesla cho rằng Twitter có tiềm năng phi thường và ông sẽ cố gắng khai phá.
Trong bức thư gửi Hội đồng quản trị Twitter, Musk cho biết Twitter "sẽ không thể phát triển mạnh mẽ cũng như phục vụ quyền tự do ngôn luận nếu giữ nguyên mô hình hiện tại”. Bởi vậy, trang mạng xã hội này cần được chuyển đổi thành một công ty tư nhân, dưới tay Elon Musk. Morgan Stanley sau đó đã được chọn làm ngân hàng tư vấn cho thương vụ thâu tóm.
Ban lãnh đạo Twitter có thể không muốn bán mình cho Elon Musk, song lại không có nhiều sự lựa chọn thay thế. Nếu Elon Musk không thực hiện thương vụ này, người đàn ông giàu nhất hành tinh sẽ để lại nhiều cơ hội cho các ông lớn khác đang muốn mua lại mạng truyền thông xã hội này.
Theo Forbes, Twitter có thể “chống đối’’ Elon Musk bằng cách pha loãng cổ phiếu, tức tăng số lượng nhưng dìm giá trị mỗi cổ. Làm như vậy, Giám đốc điều hành hiện tại Agrawal có thể bỏ quyền kiểm soát Twitter, song không rõ liệu Twitter sẽ còn lại gì sau động thái pha loãng - điều chắc chắn khiến vốn hóa công ty sụt giảm.
Ban lãnh đạo Twitter có thể không muốn bán mình cho Elon Musk, song lại không có nhiều sự lựa chọn thay thế
Tỷ phú Warren Buffett hồi năm 1989 cũng dùng chiến thuật pha loãng cổ phiếu để cứu công ty dao cạo nổi tiếng Gillette. Ông mua một lô cổ phiếu ưu đãi trị giá 600 triệu USD để chấm dứt nỗ lực tiếp quản với mục đích thù địch của Coniston Partners.
AI CÓ THỂ “CỨU’’ TWITTER?
Hiện tại, danh sách những người có thể “cứu” Twitter khỏi Elon Musk không nhiều. Meta - ứng cử viên hàng đầu trong quá khứ song lại đang đối mặt với loạt bê bối cùng cuộc điều tra chống độc quyền của Ủy ban Thương mại Liên Bang. Trong khi đó, Google cũng đang phải đối mặt với sự đánh giá khắt khe của Bộ Tư pháp Mỹ, còn Yahoo và Disney thì gần như là không thể.
“Twitter là một nền tảng tiềm năng, nhưng chúng tôi không thể vượt qua những thách thức đi kèm, trong đó có các vấn đề liên quan đến quyền tự do ngôn luận’’, CEO Disney từng chia sẻ hồi năm 2019.
Vậy ai có thể cứu Twitter? Theo các chuyên gia Phố Wall, Salesforce có đủ khả năng làm điều này. Giám đốc điều hành Marc Benioff trước đó cũng từng cân nhắc việc mua lại Twitter. Bret Taylor, lãnh đạo trong ban điều hành Salesforce cũng là cái tên quen thuộc với Twitter, song không rõ điều này có đủ để ông đề xuất thâu tóm một trang mạng xã hội hay không.
Phía Microsoft hiện vẫn từ chối bình luận về khả năng “giành giật’’ Twitter từ tay tỷ phú Elon Musk
Theo các nguồn tin từ Phố Wall, một “ứng cử viên’’ tiềm năng khác có thể nhắc đến vào lúc này chính là gã khổng lồ công nghệ Microsoft. Tuy nhiên, phía tập đoàn hiện vẫn từ chối bình luận về khả năng “giành giật’’ Twitter từ tay tỷ phú Elon Musk.
Phỏng đoán của Phố Wall không phải không có cơ sở, bởi trước đây, Microsoft cũng từng mong muốn sở hữu một mạng truyền thông xã hội. Hồi năm 2020, tập đoàn này theo đuổi thương vụ mua lại TikTok, song thất bại vì sự can thiệp của chính quyền Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngoài ra, thương vụ mua lại LinkedIn trị giá 26,2 tỷ USD của Microsoft trước đây cũng đã chứng minh được rằng, Big Tech này có thể biến một trang mạng xã hội thành cỗ máy kiếm tiền tỷ.
“Microsoft đã đem đến nguồn giá trị khổng lồ cho LinkedIn. Không những vậy, Microsoft còn tăng thêm tính chuyên nghiệp, sự tin tưởng và tôn trọng’’, Brent Thill, chuyên gia phân tích tại Jefferies cho biết.
Theo: Forbes, Bloomberg
Vũ Anh