(Tổ Quốc) - SHS đặt kế hoạch tổng doanh thu 2020 đạt 1.120 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,4% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 320 tỷ đồng, tăng 2,6% cùng kỳ năm trước, cổ tức dự kiến 10% bằng tiền.
Chiều nay, CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020.
Dự báo tình hình kinh tế và thị trường chứng khoán năm 2020 có thuận lợi nhưng cũng còn nhiều thách thức, SHS đặt mục tiêu phát triển trở thành một trong những công ty môi giới hàng đầu Việt Nam, phấn đầu nằm trong top 3 về thị phần môi giới. SHS sẽ đẩy mạnh kinh doanh sản phẩm thu nhập cố định, mở rộng kênh phân phối trái phiếu. Bên cạnh đó, SHS sẽ đẩy nhanh quá trình triển khai nghiệp vụ chứng khoán phái sinh, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để cung cấp sản phẩm Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant).
Năm 2020 cũng là năm SHS nâng cấp hệ thống Core giao dịch hiện tại để đáp ứng được với các yêu cầu mới. Bên cạnh đó đầu tư mới hệ thống để triển khai sản phẩm chứng khoán phái sinh và chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant).
SHS đặt kế hoạch tổng doanh thu 2020 đạt 1.120 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,4% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 320 tỷ đồng, tăng 2,6% cùng kỳ năm trước, cổ tức dự kiến 10% bằng tiền. Năm 2019 công ty thông qua phương án trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 12%.
Theo ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc SHS, chưa bao giờ thị trường tập trung nguồn tiền nhàn rỗi vào TTCK Việt Nam nhiều đến vậy, việc kiểm soát dịch bệnh rất tốt đã giúp toàn bộ nền kinh tế vận hành bình thường.
Ông Tiến cho biết 5 tháng đầu năm SHS đạt 570 tỷ đồng doanh thu, tương đương 47% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế 210 tỷ, 65% kế hoạch, có nhiều thuận lợi và sức ép, trong cơ cấu đầu tư của SHS có cổ phiếu SHB đã đem lại lợi nhuận rất lớn cho SHS. Kinh doanh sản phẩm cố định đem lại nhiều kết quả khả quan, mảng tư vấn trái phiếu có doanh thu đóng góp lớn cho quý 2 và quý 3. Hoạt động môi giới thị phần trên sàn HOSE đã đạt trên 3%, tăng trưởng trở lại. 6 tháng cuối năm mảng đầu tư khó mang lại lợi nhuận khi nhận định thị trường sẽ đi vào vùng tích luỹ, tuy nhiên mảng đầu tư đang đi sâu vào mảng trái phiếu. Ông Tiến khẳng định nếu thị trường thuận lợi SHS không chỉ cán đích lợi nhuận mà có thể "có nhiều niềm vui hơn nữa".
Đại hội thông qua việc miễn nhiệm 1 thành viên HĐQT là ông Mai Anh Chính và bổ nhiệm bà Nguyễn Diệu Trinh vào thành viên HĐQT nhiệm kỳ còn lại 2017-2022.
Đánh giá tình hình thị trường 2020, SHS cho rằng nhìn chung thị trường nửa cuối năm 2020 sẽ theo hướng tích luỹ, sẽ có những thách thức xen lẫn cơ hội.
Thách thức:
Kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng âm trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguy cơ suy thoái, khủng hoảng tài chính nếu dịch bệnh kéo dài chưa kể tới những rủi ro khác như chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung quay trở lại. Bên cạnh đó những rủi ro địa chính trị tại những điểm nóng trên thế giới cũng có nguy cơ leo thang tác động xấu tới thị trường tài chính quốc tế và Việt Nam.
Mặc dù thị trường đã có sự phục hồi khá mạnh trong 2 tháng gần đây, tuy nhiên những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam do tác động của dịch bệnh và kinh tế thế giới suy giảm chưa được thể hiện và nhìn nhận một cách rõ ràng và sẽ chỉ được phản ánh trong giai đoạn tới, hoạt động xuất khẩu, nhiều ngành và doanh nghiệp trong nước đặc biệt là trong các lĩnh vực du lịch, hàng không sẽ gặp khó khăn thậm chí các doanh nghiệp nhỏ có thể rơi vào tình trạng phá sản, thất nghiệp gia tăng...và điều này sẽ tác động tới TTCK.
Mặc dù Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh trong nước tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại ở các quốc gia khác và sau đó lây lan sang Việt Nam vẫn là hiện hữu trong khi nền kinh tế không thể đóng cửa quá lâu. Và nếu Việt Nam lại tiếp tục phải đóng cửa cách ly để chống dịch trong thời gian tới thì kinh tế và TTCK sẽ chịu tác động mạnh.
Năm 2020 cũng là năm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ và có thể có những thay đổi bất thường trong các chính sách kinh tế - chính trị của quốc gia này. Ngoài ra sự gia tăng của dòng vốn đầu tư vào Việt Nam và tăng cường xuất khẩu sang Mỹ của nhiều mặt hàng sẽ khiến cho Việt Nam có nguy cơ trở thành mục tiêu cho các vụ kiện chống bán phá giá hoặc lẩn tránh thuế trừng phạt qua đó tác động tới nhiều ngành kinh tế.
Hoạt động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phân hóa mạnh đòi hòi các hoạt động đầu tư, tư vấn đầu tư của các CTCK cũng cần linh hoạt và nhanh nhạy hơn.
Năm 2020 là năm cuối trong kế hoạch 2017-2020 thực hiện việc cổ phần hóa và thoái vốn của Chính phủ, cho tới nay vẫn còn tới 314/406 doanh nghiệp cần thoái vốn và 92 doanh nghiệp phải cổ phần hóa. Áp lực từ các hoạt động này sẽ tạo nguồn cung lớn, ảnh hưởng đến mức độ tăng trưởng chung của thị trường.
Cơ hội:
Kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tích cực hơn so với nhiều quốc gia khác trên khu vực và thế giới. Bên cạnh đó sau khi dịch chấm dứt, làn sóng FDI được đánh giá sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam khi các doanh nghiệp nước ngoài nhận thức tầm quan trọng của việc đa dạng hóa các nhà cung cấp trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Bên cạnh đó Hiệp định EVFTA đã hoàn tất ký kết và sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2020 mở ra cơ hội cho hàng hóa VN xuất khẩu mạnh mẽ hơn sang Châu Âu. Ngoài ra nhiều lĩnh vực kinh tế mới có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn như kinh tế số, công nghệ thông tin qua đó mang lại những cơ hội mới trên thị trường.
Trong giai đoạn hiện tại với việc các lĩnh vực đầu tư khác đều đang gặp nhiều khó khăn, bất động sản chững lại, lãi suất giảm, thị trường chứng khoán đang là kênh hấp dẫn để thu hút được dòng tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư.
Châu Cao