Sáng ngày 23/5 tại TP Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2024.
2023, năm sản xuất kinh doanh ấn tượng
Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho biết, năm 2023 sản lượng sản xuất đạt trên 7,36 triệu tấn; sản lượng tiêu thụ đạt 7,34 triệu tấn; tổng doanh thu đạt 150.073 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 8.755 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 17.409 tỷ đồng.
NMLD Dung Quất đã không ngừng thiết lập giới hạn mới với 1.180 ngày vận hành liên tục. Nhờ đó, công suất trung bình cả năm 2023 đã đạt 111% (cao nhất từ trước đến nay) và hao hụt dầu thô trung bình cả năm là 0,11% thể tích (thấp nhất từ trước đến nay).
BSR đã điều hành linh hoạt công tác tiêu thụ sản phẩm, bám sát diễn biến thị trường, khối lượng hàng tồn kho và tiến độ nhận hàng của khách hàng để ứng phó kịp thời khi thị trường phát sinh tình huống bất lợi. Công ty cũng đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, tối đa tiêu thụ dầu thô, nguyên liệu trung gian trong nước để tăng lợi ích của chuỗi liên kết trong ngành.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, triển khai các giải pháp tối ưu hóa, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết giảm chi phí; đồng thời các giải pháp cải tiến thiết bị, công nghệ nhằm đảm bảo an toàn vận hành NMLD Dung Quất.
Năm 2024, NMLD Dung Quất thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 5 nên chỉ tiêu sản xuất được đề ra là khoảng 5,7 triệu tấn; doanh thu kế hoạch hơn 95.000 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 11.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.150 tỷ đồng.
Tăng vốn điều lệ để đẩy mạnh đầu tư
Tại Đại hội, lãnh đạo BSR cho biết thêm, hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các Tổ chức tín dụng xuất khẩu (ECA)/Ngân hàng quốc tế và Việt Nam cho Dự án NCMR NMLD Dung Quất ngày càng khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo đủ nguồn vốn cho Dự án NCMR NMLD, BSR cần xem xét đến việc tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu (VCSH) trong cơ cấu VCSH/vốn vay thành 60/40 hoặc 70/30 hoặc 80/20.
Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương báo cáo trước Đại hội.
Hiện BSR đang báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ của BSR từ 31.000 lên 50.000 tỷ đồng (trả cổ tức bằng cổ phiếu). Sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ, BSR đảm bảo đủ nguồn vốn chủ từ 40-60% tổng mức đầu tư của dự án này. Phần vốn vay (dự kiến khoảng 40-60%) sẽ được thu xếp từ nguồn vay ECA, thương mại trong nước và quốc tế, trái phiếu xanh cũng như các nguồn vốn phù hợp, khả thi khác.
Như vậy, nhu cầu VCSH cho Dự án NCMR NMLD Dung Quất theo Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Dự án (chưa bao gồm các dự án mua sắm tài sản cố định và đầu tư khác) là 21.838 - 29.112 tỷ đồng tùy thuộc vào khả năng thu xếp vốn vay. Ngoài ra, theo Chiến lược phát triển đến năm 2030, thì nhu cầu VCSH đầu tư cho các dự án khác và mua sắm tài sản cố định khoảng 4.023 tỷ đồng.
Với nhu cầu VCSH cho Dự án NCMR NMLD Dung Quất và hoạt động đầu tư trong những năm tiếp theo, Đại hội đồng cổ đông nhất trí phương án trích 30% lợi nhuận sau thuế năm 2023 để bổ sung Quỹ Đầu tư phát triển; giữ lại lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để bổ sung vốn điều lệ dưới hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc chia cổ tức bằng tiền, tùy thuộc vào phương án thu xếp vốn thực tế cho Dự án NCMR NMLD Dung Quất, chiến lược phát triển Công ty và tình hình sản xuất kinh doanh trong các năm tiếp theo.
Trả lời các câu hỏi của cổ đông, Ban lãnh đạo BSR cho biết, trong quý I/2024, NMLD Dung Quất đã tạm dừng sản xuất để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 5. Đợt bảo dưỡng đã hoàn thành trong tháng 5/2024, tuy nhiên tháng 5 cũng là tháng đáy của thị trường xăng dầu, không có gì bất thường. Crack margin dự báo sẽ phục hồi từ tháng 6 trở đi.
Theo lãnh đạo BSR, chu kỳ bảo dưỡng tổng thể cũng được giãn tần suất nhằm kết nối với Dự án NCMR NMLD Dung Quất đang được triển khai. Dự kiến Dự án NCMR NMLD Dung Quất sẽ đi vào vận hành từ quý III/2028. Đây được xem là cơ hội để gia tăng lợi nhuận cho BSR. Về lộ trình thực hiện giải ngân cho Dự án NCMR, dự kiến trong năm nay, BSR sẽ giải ngân khoảng 1.300 tỷ đồng và cao điểm giải ngân sẽ vào khoảng năm 2025 khi bắt đầu triển khai hợp đồng EPC.
Chủ tịch HĐQT BSR Nguyễn Văn Hội báo cáo kế hoạch quản trị năm 2024.
Lãnh đạo BSR cho biết sẽ tiếp tục triển khai việc chuyển 3,1 tỷ cổ phiếu từ sàn UPCoM sang niêm yết trên HOSE. Dự kiến, hoạt động này sẽ được thực hiện trong năm nay, được kỳ vọng sẽ nâng cao tính minh bạch, tăng thanh khoản cũng như giá cổ phiếu và khả năng tiếp cận các nhà đầu tư lớn, mang lại tiềm năng thu hút vốn cho BSR.
"Về cơ cấu dầu thô, NMLD Dung Quất thiết kế 100% dầu trong nước. Nhưng sự suy giảm các năm gần đây, gần như toàn bộ lượng dầu thô trong nước được BSR bao tiêu, chiếm 70% công suất thiết kế. Phần còn lại và phần chênh sẽ được nhập khẩu từ quốc tế, với nguồn chủ yếu là Mỹ và các nước tại Tây Phi, Tây Á. Đây là các nguồn dầu tương đối phổ biến, đủ để NMLD Dung Quất đảm bảo nguồn cung", Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương khẳng định.
Tập trung tối đa cho Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất
Ông Lê Xuân Huyên - Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam, đại diện cổ đông lớn khẳng định, BSR không chỉ là đơn vị đóng vai trò quan trọng trong khâu hạ nguồn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, mà còn có những đóng góp đáng kể trong cơ cấu doanh thu lợi nhuận của Petrovietnam trong những năm vừa qua. Tổng sản lượng xăng dầu Việt Nam tự sản xuất năm 2023 là 13,8 triệu tấn, trong đó BSR đóng góp 7,36 triệu tấn (chiếm 52%). Bên cạnh đó, công tác quản trị, công tác kinh doanh, công tác đổi mới sáng tạo, nghiên cứu sáng tạo của BSR cũng đạt các kết quả tốt. Đây là thành quả rất toàn diện của BSR.
Ông Lê Xuân Huyên - Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam phát biểu tại Đại hội.
Về kế hoạch phát triển trong tương lai, đại diện cổ đông lớn Petrovietnam đề nghị BSR tập trung toàn diện để triển khai Dự án NCMR NMLD Dung Quất đúng theo các mốc tiến độ quan trọng đã đề ra. Khẳng định đây là dự án trọng điểm quốc gia, nằm trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường xăng dầu trong nước trong những năm sắp tới, không chỉ Petrovietnam mà các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm đến Dự án này. Đó cũng là lý do Petrovietnam được chỉ đạo giữ nguyên tỷ lệ sở hữu để đảm bảo sự chi phối của doanh nghiệp Nhà nước tại BSR, để đảm bảo Dự án NCMR NMLD Dung Quất được thực hiện thành công, đúng kế hoạch.
Trong thời gian tới, để hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, cần tập trung nguồn lực để triển khai Dự án NCMR NMLD Dung Quất và các dự án hóa dầu, sau hóa dầu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của Nhà máy, kéo dài chuỗi giá trị sản phẩm.