(Tổ Quốc) - Tổng vốn hóa của 49 doanh nghiệp "tỷ đô" hiện lên tới gần 4,27 triệu tỷ đồng, tương ứng 186 tỷ USD, giảm so với thời điểm đầu năm là hơn 58 tỷ USD. So với tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam là 5,03 triệu tỷ đồng thì quy mô vốn hóa 49 doanh nghiệp tỷ đô này chiếm tới 84,8%.
Cách đây không lâu, số lượng doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô trên TTCK Việt Nam lúc đỉnh điểm đã xấp xỉ ngưỡng 70 doanh nghiệp thì trong thời gian gần đây con số này đã sụt giảm đang kể. Sự trồi sụt của thị trường chứng khoán đã khiến hàng loạt cổ phiếu giảm giá sâu, nhiều doanh nghiệp vốn hoá lớn theo đó cũng buộc phải rời danh sách
Tính theo số liệu chốt ngày 20/6/2022, trên cả 3 sàn HoSE, HNX, UPCom có tổng cộng 49 doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD (trên 23.000 tỷ đồng), giảm 10 doanh nghiệp so với đầu năm. Trong danh sách tạm "chia tay" cột mốc tỷ đô vốn hóa, có những cái tên đáng chú ý gồm có DIC Corp (DIG), Thaiholdings (THD), Gelex (GEX), OCB, LPB, Kinh Bắc (KBC), Sonadezo (SZC), FPT Telecom (FOX)... Thậm chí không còn công ty chứng khoán nào hiện trong danh sách khi lần lượt VCI, SSI và VND đều "rớt đài".
Ở chiều ngược lại, có 2 doanh nghiệp gia nhập gồm REE và Đạm Phú Mỹ (DPM).
Tổng vốn hóa của 49 doanh nghiệp "tỷ đô" hiện lên tới gần 4,27 triệu tỷ đồng, tương ứng 186 tỷ USD, giảm so với thời điểm đầu năm là hơn 58 tỷ USD. So với tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam là 5,03 triệu tỷ đồng thì quy mô vốn hóa 49 doanh nghiệp tỷ đô này chiếm tới 84,8%.
Xét về sự phân bổ của các sàn, HoSE có tới 42 doanh nghiệp vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên, sàn UPCom cũng có 10 doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô, trong khi HNX chỉ còn vỏn vẹn 1 doanh nghiệp - con số khá khiêm tốn so với hai sàn HoSE và UPCoM.
Hồi đầu năm 2021, HNX ghi nhận 2 gương mặt ghi danh trong danh sách này là THD của Công ty Cổ phần Thaiholdings và KSF của KSFinance Group. Tuy nhiên, trong phiên 19/5 vừa qua, cổ phiếu THD giảm gần chạm sàn, -9,2% xuống mức 60.200 đồng/cp, tương ứng mức vốn hoá thị trường chỉ còn 21.070 tỷ đồng (khoảng 0,92 tỷ USD), chính thức rời khỏi câu lạc bộ tỷ USD vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sàn HOSE: màu xanh dương; sàn HNX: màu cam; sàn UPCoM: màu xanh lá
Nhìn vào từng doanh nghiệp cụ thể, Vietcombank hiện là doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với gần 360.000 tỷ đồng, tương ứng 15,6 tỷ USD, thậm chí vượt cả mức vốn hóa 3 ngân hàng BIDV (149.226 tỷ đồng ~ 6,49 tỷ USD), Vietinbank (108.610 tỷ đồng ~ 4,7 tỷ USD) và MBB (85.012 tỷ đồng ~ 3,7 tỷ USD)cộng lại.
Trong khi đó, "bộ đôi" VinGroup xếp ngay sau với vốn hóa VinGroup đạt 288.333 tỷ đồng (12,5 tỷ USD) và VinHomes với 283.034 tỷ đồng (12,3 tỷ USD), bỏ khá xa cái tên lớn thứ 4 về vốn hóa là GAS (10,4 tỷ USD).
Trong danh sách tỷ đô vốn hóa, cái tên mới mẻ là DPM có vốn hóa nhỏ nhất với 23.327 tỷ đồng, tương ứng 1,01 tỷ USD. Cổ phiếu DPM từ đầu năm đến nay đã xuất sắc bứt phá thêm 22% qua đó chính thức lọt vào danh sách tỷ đô khi cổ phiếu lập đỉnh mới, bất chấp những nhịp chỉnh sâu của thị trường.
Xét về sự phân bổ nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng vẫn chiếm ưu thế trong danh sách tỷ đô vốn hóa khi có 17ngân hàng góp mặt với tổng vốn hóa lên tới 1,96 triệu tỷ đồng, tương ứng 58,3 tỷ USD, chiếm khoảng 27% vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, "nhóm VinGroup" còn 4 đại diện góp mặt, bao gồm Vingroup, VinHomes, Vincom Retail và Vefac chiếm tổng 28,8 tỷ USD vốn hóa, chiếm gần 6% vốn hóa thị trường và là nhóm lớn thứ 2. Những năm gần đây, vị thế của nhóm VinGroup trên thị trường đã giảm đi đáng kể khi ngày càng nhiều ngân hàng và doanh nghiệp lớn khác lên sàn, cùng với đà lao dốc của cổ phiếu.
Ngành chứng khoán đầu năm nay còn hai gương mặt lọt vào danh sách tỷ đô, bao gồm SSI và VNDirect, tuy nhiên hiện tại đã không còn công ty chứng khoán nào có mức hoá tỷ đô trên sàn. Đây được xem là một tín hiệu buồn đối với nhóm ngành từng rất thăng hoa trong nửa sau của năm 2021 và những tháng đầu năm nay. Sóng gió bắt đầu nổi lên trên nhóm chứng khoán khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu chững lại cả về mặt điểm số và thanh khoản. Tiền vào thị trường nói chung và nhóm chứng khoán nói riêng không đủ dồi dào để cân lại lượng cung lớn gia tăng sau các đợt phát hành. Đồng thời tác động từ biến cố trên thị trường trái phiếu, lãi suất tăng cũng là một trong những nguyên nhân trọng yếu ảnh hưởng đến dòng tiền vào chứng khoán.
Ngành Bất động sản - BĐS KCN sau một năm 2021 vô cùng sôi động, một vài gương mặt "tỷ đô" quen thuộc như VinHomes (12,31tỷ USD), Novaland (6,4 tỷ USD), Becamex (2,9 tỷ USD), Phát Đạt (1,46 tỷ USD), SunShine Homes (1,3 tỷ USD) vẫn hiện diện, trong khi đó nhiều cái tên đã phải rời danh sách như DIC Corp (DIG), Kinh Bắc (KBC), Sonadezi (SZC).
Nhóm ngành viễn thông – công nghệ cũng ghi nhận có sự thay đổi khi hai doanh nghiệp Viettel Global (3,2 tỷ USD vốn hóa) và FPT (4,4 tỷ USD) vẫn thuộc danh sách thì FPT Telecom cũng rời danh sách với mức vốn hoá hiện chỉ còn khoảng 22.556 tỷ đồng ~ 0,98 tỷ USD.
Phương Linh