(Tổ Quốc) - Dịch Covid khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh ô tô gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, thị trường ô tô Việt Nam vẫn đón nhận hàng loạt sản phẩm mới đáng chú ý, trong đó có cả những mẫu ô tô điện.
Thị trường đón "vua doanh số" mới
Doanh số xe tháng 12 tại thị trường Việt Nam chưa được công bố nhưng đến lúc này, khả năng rất cao thị trường sẽ có một vua doanh số mới, phá bỏ vị thế thống trị của Toyota Vios trong suốt 7 năm gần nhất.
Sau 11 tháng, VinFast Fadil đạt doanh số 22.375 xe, cao hơn gần 5.000 xe so với model xếp liền sau là Hyundai Accent và hơn 5.000 xe so với Toyota Vios. Với việc Fadil luôn duy trì doanh số ổn định ở mức trên 2.000 xe/tháng trong nhiều tháng gần đây, các mẫu xe như Vios hay Accent phải đạt doanh số ít nhất 7.000 chiếc trong tháng 12 mới có thể vượt qua được Fadil, con số được xem là không tưởng.
VinFast Fadil nhiều khả năng sẽ là vua doanh số mới trong năm 2021.
Ngoại trừ sự bứt phá ngoạn mục của Fadil, các phân khúc quan trọng của thị trường phần lớn chứng kiến sự thống trị của những cái tên cũ. Chẳng hạn, ngôi vị "vua bán tải" vẫn không thoát khỏi tay Ford Ranger, Xpander là chiếc MPV nổi bật nhất trong khi Kia K3 (Cerato trước đây) thống trị phân khúc sedan hạng C. Ở phân khúc crossover, Hyundai SantaFe tỏ ra không có đối thủ.
Sự cạnh tranh quyết liệt chỉ diễn ra ở phân khúc xe hạng B khi Kia Seltos và Toyota Corolla Cross so kè qua từng tháng cho chiếc SUV đô thị bán chạy nhất còn Toyota Vios và Hyundai Accent cũng so găng quyết liệt ở nhóm sedan hạng B.
Xét về thương hiệu, Hyundai đang nắm giữ lợi thế lớn để trở thành thương hiệu ô tô số một Việt Nam (về doanh số) với hơn 60.700 xe bán ra trong 11 tháng qua. Xếp ngay sau đó là Toyota với hơn 55.000 xe, Kia (hơn 38.000 xe), VinFast (hơn 32.600 xe) và Mazda (hơn 22.000 xe).
Doanh số chạm đáy do đại dịch
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tháng 8/2021 chứng kiến mức doanh số ô tô thấp nhất kể từ năm 2015 với chỉ 8.884 xe. Đây cũng là giai đoạn cao điểm giãn cách tại nhiều địa phương tại Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch.
Thực tế, từ giai đoạn tháng 4 thị trường đã chứng kiến doanh số các mẫu ô tô trong nước suy giảm. Tình hình chỉ được cải thiện từ tháng 9, khi lệnh giãn cách được nới lỏng.
Khó khăn được xem là "chồng chất" khi nhiều nhà sản xuất còn gặp hàng loạt khó khăn trong khâu sản xuất do ảnh hưởng của việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng cũng như tình trạng thiếu chip nghiêm trọng trên toàn cầu. Đã có hàng loạt mẫu xe không thể đến tay người dùng do thiếu hàng, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các hãng sản xuất.
Cũng trong giai đoạn khó khăn này, thị trường chứng kiến những nỗ lực lớn của nhà sản xuất, đơn vị phân phối. Chẳng hạn, một số nhà sản xuất đẩy mạnh hoạt động bán xe online để hạn chế tiếp xúc, cùng với đó là các chương trình giảm giá, tặng phụ kiện liên tiếp được kích hoạt để thúc đẩy nhu cầu mua xe của thị trường.
Trong giai đoạn khó khăn này, vẫn có đến gần 80 mẫu xe mới cập bến thị trường Việt Nam ở đầy đủ các phân khúc, cho thấy sức sống của thị trường vẫn rất mãnh liệt.
SUV đô thị bùng nổ
Nếu phải tìm một phân khúc xe nào bùng nổ nhất trong năm 2021 thì đó phải là SUV đô thị. Nhen nhóm tại Việt Nam từ năm 2014 với cái tên đầu tiên là Ford Ecosport ở phân khúc SUV hạng B, đến nay nhóm này đã có cả chục mẫu xe, trải đều từ A cho đến C-. Đáng chú ý, chỉ trong năm 2021, có đến 4 mẫu xe hoàn toàn mới thuộc nhóm này ra mắt gồm Mazda CX-3, CX-30 hay Kia Sonet và Toyota Raize.
SUV đô thị thu hút sự quan tâm lớn của người dùng.
Ra mắt khá muộn vào giai đoạn tháng 11, 12, Sonet và Raize chưa tạo được sức ảnh hưởng lớn trên thị trường nhưng nhiều khả năng, các mẫu xe này sẽ là "khách mời" thường xuyên trong top những xe bán chạy nhất, giống với cách 2 "đàn anh" là Kia Seltos và Toyota Corrola Cross đang thể hiện.
Kích thước nhỏ gọn dễ di chuyển trong đô thị, thiết kế gầm cao với nhiều đường nét hiện đại, đặc biệt là giá bán hấp dẫn (khoảng hơn 500 đến 800 triệu) khiến các mẫu xe này ngày càng nhận được sự ưa chuộng của người tiêu dùng Việt Nam.
Thị trường ô tô điện nhen nhóm hình thành
Một tín hiệu rất mới trên thị trường ô tô năm 2021 chính là sự xuất hiện của ô tô điện. VinFast công bố ra mắt mẫu VF e34 từ tháng 4/2021 và sau 7 tháng, hãng này nhận 25.000 đơn đặt hàng cho mẫu SUV trị giá 690 triệu đồng. Trong những ngày cuối cùng của tháng 12, VinFast đã chính thức bàn giao VF e34 đến tay người dùng đồng thời công bố tiếp tục nhận đặt trước 2 mẫu SUV cao cấp hơn là VF e35 và VF e36 từ ngày 5/1.
VinFast VF e34 là mẫu ôt ô điện phổ thông đầu tiên ra mắt tại Việt Nam.
Không chỉ VinFast, Thaco cũng công bố sẽ đưa mẫu SUV chạy điện EV6 của Kia về Việt Nam trong quý II/2022 trong khi Mercedes-Benz hứa hẹn sẽ sớm mang sản phẩm đẳng cấp nhất của hãng là EQS về nước.
Việc những mẫu ô tô điện đầu tiên đã lên kế hoạch về Việt Nam tạo ra nhiều dấu ấn tích cực trong bối cảnh cuộc cách mạng xanh diễn ra mạnh mẽ tại nhiều thị trường lớn. Vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn đến như hạ tầng trạm sạc cho xe điện hay các cơ chế về mặt chính sách để phát triển xe điện. Tuy nhiên, 2022 có thể chứng kiến nhiều bất ngờ hơn nữa liên quan đến ô tô điện tại Việt Nam.
Tiếp tục hỗ trợ phí trước bạ cho xe sản xuất/lắp ráp trong nước
Sau thời gian dài xin ý kiến, Chính phủ quyết định giảm lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp, sản xuất trong nước (CKD) bằng Nghị định 103, áp dụng từ tháng 12 đến hết tháng 5/2022.
Cũng giống năm ngoái, chính sách lập tức tác động mạnh lên thị trường khi lượng người mua xe tăng đột biến, thậm chí gây quá tải tại các điểm đăng ký xe. Mặc dù vậy, về cơ bản đợt hỗ trợ này không giúp người dùng được hưởng lợi quá lớn bởi ngay khi chính sách có hiệu lực, nhiều hãng đã cắt ưu đãi về giá bán công bố trước đó.
Trong khi đó, xe nhập khẩu không còn cách nào khác buộc phải giữ lại, hoặc tiếp tục tăng ưu đãi để kích thích người dùng mua xe, cạnh tranh với xe lắp ráp, sản xuất trong nước.
Trong tháng đầu tiên Nghị định 103 có hiệu lực (tháng 12/2021), nhiều khả năng doanh số của toàn thị trường sẽ tăng đột biến. Kết quả kinh doanh của các hãng xe trong tháng 12 và cả năm 2021 sẽ có vào tuần thứ 2 của tháng 1/2021.
Đức Nam