(Tổ Quốc) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đang khiến sức chịu đựng của thị trường BĐS thứ cấp giảm dần. Liệu có cuộc giảm giá BĐS mạnh diễn ra ở thị trường thứ cấp?
Theo ghi nhận từ DKRA Vietnam, trong tháng 7 vừa qua, phân khúc đất nền tại thị trường thứ cấp, thanh khoản giảm mạnh so với giai đoạn trước khi dịch bùng phát. Vào cuối tháng 7, thị trường xuất hiện một số nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính, chịu áp lực về lãi vay, họ chấp nhận cắt lỗ, giảm giá bán hoặc giảm một phần lợi nhuận để thu hồi dòng vốn. Sự phục hồi của thị trường phụ thuộc vào tình trạng khống chế dịch bệnh ở địa bàn Tp.HCM và các tỉnh thành khác.
Tương tư, ở phân khúc căn hộ, dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng như việc áp dụng Chỉ thị 16 tại Tp.HCM gây sức ép lên nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ dự án mới trong tháng. Phân khúc căn hộ hạng B, vị trí cách tương đối xa trung tâm thành phố dẫn dắt nguồn cung mới toàn thị trường. Trong đó, tình hình giao dịch thứ cấp căn hộ có sự sụt giảm đáng kể trong tháng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Tương tự đất nền và căn hộ, ở phân khúc biệt thự, tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh tại Tp.HCM đã tác động tiêu cực đến thị trường. Nhiều chủ đầu tư phải thay đổi kế hoạch, thời gian bán hàng để phù hợp với lệnh giãn cách xã hội của Thành phố. Giao dịch thứ cấp ở phân khúc này kém sôi động và tiếp tục xu hướng giảm do ảnh hưởng của việc tái bùng phát dịch bệnh tại Tp.HCM.
Tại báo cáo thị trường BĐS thứ cấp Tp.HCM mới đây, Propzy chỉ ra, dù ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng giá giao dịch của các BĐS trung tâm không bị tác động mạnh trong giai đoạn dịch Covid đợt 1 & 2, thậm chí có xu hướng tăng từ Q4/2020 trước khi giảm nhẹ tại Q2/2021 khi dịch Covid đợt 4 vừa bùng phát.
Dù dịch Covid khiến việc cho thuê nhà bị ảnh hưởng, BĐS ở các quận trung tâm vẫn được đánh giá là tài sản có giá trị cất giữ tốt và khả năng tạo ra dòng tiền có thể hồi phục nhanh sau khi dịch Covid được kiểm soát.
Giá giao dịch BĐS ở không bị ảnh hưởng nhiều qua các đợt dịch Covid và có xu hướng đi lên. Đơn giá giao dịch thấp hơn và chủ yếu là mua để ở nên giá BĐS tại Q.Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Q.11, Q.6, Q.4 có tính ổn định hơn BĐS tại quân 1,3,5,10.
Trong khi đó, BĐS tại Tp.Thủ Đức, Q.12, Q.7, Gò Vấp, Bình Tân giá giao dịch giảm nhẹ 3% trong quý /2020 khi đợt dịch Covid thứ 2 bùng phát, sau đó phục hồi và có xu hướng đi lên từ quý 4/2020 đến quý 2/2021. Theo Propzy, quá trình chuẩn bị và thành lập thành phố Thủ Đức cũng góp phần vào xu hướng tăng giá BĐS của các quận phía Đông Tp.HCM từ quý 4/2020.
Ở các huyện ngoại thành TP như Huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè có tỷ lệ mua đầu tư cao hơn so với các quận nội thành. Các khu vực này ghi nhận 2 đợt tăng giá vào quý 3/2020 và quý 1/2021 có liên quan đến thông tin về Đề án chuyển các huyện ngoại thành lên quận.
Theo Propzy, thanh khoản thị trường BĐS hồi phục và thường đạt đỉnh mỗi khi Covid được khống chế 3-4 tháng. Lãi suất đầu vào giảm mạnh khiến BĐS trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm. Lãi suất vay có xu hướng giảm kích thích các nhà đầu tư.
Chia sẻ tại toạ đàm BĐS mới đây, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cũng khẳng định, áp lực dịch diễn biến của dịch lên thị trường BĐS thứ cấp ngày càng tăng dần nhưng giá bán trên thị trường này vẫn không ghi nhận giảm diện rộng, thậm chí còn tăng nhẹ ở các phân khúc. Có chăng, ở một vài khu vực, nhà đầu tư có giảm kì vọng lợi nhuận để ra hàng, thu hồi dòng tiền. Nhu cầu thị trường vẫn còn lớn, sức chịu của hầu hết các NĐT vẫn còn (đa số xác định đầu tư lâu dài), nên thị trường BĐS thứ cấp gần như vẫn giữ giá, ổn định.
Hạ Vy